Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam
Vietnam Logistics Business Association

/

/

Trí tuệ nhân tạo – nguy cơ bất ổn từ công nghệ!

Trí tuệ nhân tạo – nguy cơ bất ổn từ công nghệ!

Ngày 12-3-2024, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã thông qua nghị quyết toàn cầu đầu tiên về trí tuệ nhân tạo (AI – artificial intelligence), có tên là “Nắm bắt những khả năng các hệ thống AI đáng tin cậy, an toàn mang lại cho phát triển bền vững”. Nội dung của nghị quyết này do các chuyên gia Mỹ soạn thảo, và được hơn 120 nước thành viên khác ủng hộ.

Mục tiêu chính của sáng kiến này là khuyến khích xây dựng những hệ thống AI đáng tin cậy và an toàn, trong khuôn khổ Chương trình Phát triển bền vững 2030 của Liên hiệp quốc. Đây là một chương trình đặt ra 17 mục tiêu phát triển bền vững nhằm đảm bảo một tương lai tốt đẹp hơn cho loài người. Qua nghị quyết này, Đại hội đồng Liên hiệp quốc nhấn mạnh sự cần thiết có một sự quản lý hợp lý, hiệu quả các hệ thống AI, nhằm khai thác tiềm năng của công nghệ để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Hiện nay, sự phát triển chóng mặt của AI đang đặt ra nhiều vấn đề chưa có câu trả lời và gây lo ngại, trong khi các quốc gia lại rất chậm trễ trong việc thông qua luật quản lý AI. Một trong những vấn đề ảnh hướng trực tiếp tới an ninh và ổn định xã hội, đó chính là… thông tin.

Lịch sử đã cho chúng ta thấy bài học về hậu quả của thông tin sai lệch. Đây chính là một trong những nguyên nhân chính gây hận thù và tàn sát, dẫn đến nạn diệt chủng Holocaust, đến nạn diệt chủng Pol Pot, thảm sát người Tutsi ở Rwanda… Ở thế kỷ 21, thế kỷ của thông tin, nhiều người sớm hy vọng rằng khi thông tin được minh bạch và kiểm chứng, thì sẽ càng dễ loại trừ thông tin giả.

Thế nhưng ngược lại, thế kỷ của thông tin lại là thế kỷ… loạn thông tin. Sự xuất hiện của Internet và của mạng xã hội lại tạo ra một “chiến trường” mới. Thêm vào đó, công nghệ cũng góp phần cung cấp vô số công cụ để tạo và lan truyền nhanh chóng tin giả, cũng như che dấu nguồn gốc thông tin giả. Không ít công ty công nghệ đã kiếm bộn tiền khi hỗ trợ các “chiến dịch” bóp méo thông tin, như điều tra của Mediapart năm 2022 cho thấy.

Chúng ta đều nhớ rằng chỉ cách đây một vài năm, mạng xã hội tràn ngập thông tin về các thuyết âm mưu, từ có vẻ đáng tin đến… vô lý nhất. Không thiếu người tin vào thuyết Donald Trump chống lại Deep State (“Nhà nước ngầm” của một số chính trị gia và doanh nhân cấu kết với nhau thống trị xã hội), hay cho rằng biến đổi khí hậu chỉ là một mưu mô để hạn chế tự do và đánh thuế người dân nặng hơn.

Cuộc chiến thông tin trở thành cuộc chiến giữa những “bộ não” tìm cách thuyết phục dư luận tin vào những nội dung mà họ muốn truyền bá. Thế giới số hóa càng tạo điều kiện để xây dựng và truyền bá những luồng thông tin thiếu chính xác, nhằm mục đích định hướng dư luận và hạn chế tư duy phản biện.

Những người tin vào thông tin giả, thông tin độc là ai? Đấy hoàn toàn không phải chỉ là những người ít kiến thức, ít kinh nghiệm. Ngược lại, đấy có thể là những người học vấn cao, tin vào tư duy logic, vào trao đổi thông tin. Thế nhưng họ lại là nạn nhân của các… mạng xã hội, và của… công nghệ AI.

Gần đây, xung đột giữa Israel và Hamas là ví dụ cho chúng ta thấy rõ tác động tiêu cực của AI tới chất lượng thông tin. Mỗi ngày, số lượng thông tin, hình ảnh giả tạo do AI tạo ra tràn ngập các mạng xã hội, được cả hai phía xung đột sử dụng để tấn công lẫn nhau. ChatGPT và những phần mềm AI tạo sinh khác cũng sản sinh ra những nội dung thông tin chất lượng đáng ngờ, nhưng lại rất khó kiểm soát.

Đặc biệt, vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay là công nghệ “deep fake” (giả khuôn mặt, giả giọng nói). Trên các mạng xã hội như YouTube hay Tiktok, những video “deep fake” giải trí thu hút rất nhiều người xem. Tuy nhiên, khi cặp đôi người Nga Vovan và Lexus (tên thật là Vladimir Kuznetsov và Alexeï Stoliarov) dùng công nghệ này để giả mạo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phỏng vấn một số nhân vật nổi tiếng, và sau đó đưa video phỏng vấn lên mạng, thì mục đích của hành động này không còn là giải trí.

Cuối năm 2023, thủ tướng người Ý Giorgia Meloni bị Vovan và Lexus… chơi một vố đau vì bà tưởng rằng đang đối thoại với các thành viên của… Ủy ban Liên minh châu Phi. Video cuộc phỏng vấn này với các nhận định cá nhân của bà đối với cuộc chiến Nga và Ukraine bị giới thân Nga nhanh chóng đưa lên mạng, gây bão táp trên truyền thông cả một thời gian dài. Cũng trong thời điểm này, vô số tài khoản giả tạo được tạo ra để truyền bá lập luận “người dân châu Âu đang trả giá đắt vì can dự vào một cuộc đụng độ mà chẳng hề liên quan đến mình”.

Nạn nhân đầu tiên của chiến tranh, đó luôn luôn là sự thực!”. Câu nói này minh họa rõ nét thực tế mà chúng ta đang sống: sự thực khó có thể sống sót, khi mỗi người đều có khả năng thao túng thông tin. Chúng ta vì thế phải đối mặt với nhiều nội dung trái ngược nhau, đến mức khó có thể phân biệt được tin chính xác và tin giả.

Điều đáng nói là công nghệ AI phát triển quá nhanh và ngày càng trở nên hoàn thiện hơn. Việc phát hiện nội dung thông tin giả tạo vì thế ngày càng trở nên khó khăn hơn, hay thậm chí bây giờ công nghệ còn cho phép tự động tạo ra các tài khoản mạng xã hội giả tạo. Việc chúng ta sử dụng ChatGPT để tạo nội dung cũng càng làm vấn đề chất lượng thông tin trở nên nghiêm trọng hơn, cũng như làm chúng ta có cảm giác “bất lực” không thể xác định được đâu là thật, đâu là giả.

“Nạn nhân đầu tiên của chiến tranh, đó luôn luôn là sự thực!”. Câu nói này minh họa rõ nét thực tế mà chúng ta đang sống: sự thực khó có thể sống sót, khi mỗi người đều có khả năng thao túng thông tin. Chúng ta vì thế phải đối mặt với nhiều nội dung trái ngược nhau, đến mức khó có thể phân biệt được tin chính xác và tin giả.

Giải pháp nào cho tình trạng hiện nay? Tất nhiên, công nghệ cũng vẫn có thể là giải pháp để hạn chế tác động tiêu cực của deep fake. Tuy nhiên, theo Đại hội đồng Liên hiệp quốc, các quốc gia cũng cần phải hạn chế sử dụng những chương trình AI mà không tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, hay chứa đựng những nguy cơ xấu tới quyền cá nhân.

Nghị quyết thông qua ngày 12-3 nói trên đặc biệt nhấn mạnh những nguy cơ bất ổn chính trị mà công nghệ deep fake có thể gây ra. Vì thế, Liên hiệp quốc khuyến khích các quốc gia sớm xây dựng các nguyên tắc pháp lý để quản lý việc sử dụng và phát triển công nghệ AI.

Theo TheSaigontimes

Sự kiện VLA tổ chức

Thông báo quan trọng

Hướng Dẫn Đăng Ký eFBL
Hướng Dẫn Đăng Ký FMC Bond
Tài Liệu Kỹ Năng Soạn Thảo Hợp Đồng Logistics