Nông sản là mặt hàng quan trọng trong thúc đẩy quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam – Ấn Độ, tuy có nhiều tiềm năng, nhưng xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Ấn Độ còn gặp nhiều khó khăn.
Nhằm thúc đẩy hợp tác nông sản, chế biến thực phẩm giữa Việt Nam – Ấn Độ, vừa qua, Tham tán, Trưởng văn phòng Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ Bùi Trung Thướng đã có buổi làm việc với Cơ quan phát triển sả phẩm nông sản và thực phẩm chế biến (APEDA).
Tại buổi làm việc, ông Bùi Trung Thướng khẳng định quan hệ hợp tác đầu tư thương mại song phương giữa Việt Nam – Ấn Độ cũng ngày càng được củng cố trên tất cả các lĩnh vực. Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Việt Nam, trong khi Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 23 trên thế giới và lớn thứ 4 trong khu vực ASEAN của Ấn Độ. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022-2023 đạt mức cao kỷ lục hơn 15 tỷ USD, trong đó nông sản là mặt hàng quan trọng trong quan hệ thương mại song phương.
Việt Nam – Ấn Độ có nhiều điểm tương đồng, thị trường của hai nước có sự bổ sung cho nhau và còn nhiều tiềm năng phát triển. Việt Nam có nhiều nông sản tươi như thanh long, chôm chôm và các sản phẩm chế biến như cà phê hòa tan hay các sản phẩm thủy sản như cá tra, cá basa rất được ưa chuộng tại thị trường Ấn Độ.
Trong khi các doanh nghiệp Ấn Độ có thể tận dụng tiềm năng của thị trường Việt Nam trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, trái cây như nho, lựu, dược phẩm, thực phẩm chức năng, bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc.
Tuy có nhiều tiềm năng, nhưng xuất khẩu nông sản Việt sang Ấn Độ còn gặp nhiều khó khăn khi Ấn Độ thường xuyên sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại và thay đổi chính sách.
Nhiều lĩnh vực Ấn Độ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu nhưng chưa được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư do khoảng cách địa lý, thiếu thông tin về môi trường, chính sách khuyến khích đầu tư cũng như chưa thể hiện được tiềm năng của thị trường.
Ông Bùi Trung Thướng đánh giá cao vai trò của APEDA và các hoạt động xúc tiến thương mại do APEDA tổ chức nhằm kết nối các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản Ấn Độ và Việt Nam. Ông Bùi Trung Thướng cũng chia sẻ với APEDA về các hội chợ triển lãm có quy mô lớn, uy tín của Việt Nam sắp diễn ra như Triển lãm Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa Quốc tế (Viet Nam International Sourcing 2024), Lễ hội Sâm và Hương liệu dược liệu quốc tế TP. Hồ Chí Minh 2024 và Hội nghị và Triển lãm xuất khẩu xanh năm 2024 (Ho Chi Minh Export Forum and Trade Fair 2024).
Ông Bùi Trung Thướng đề nghị APEDA tổ chức các đoàn doanh nghiệp Ấn Độ vào Việt Nam để kết nối với doanh nghiệp, tìm hiểu các cơ hội kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam và mong muốn APEDA chia sẻ về các hội chợ, triển lãm uy tín tại Ấn Độ, hỗ trợ các đoàn doanh nghiệp Việt Nam sang tìm hiểu thị trường Ấn Độ.
Bên cạnh đó, cũng đề xuất EPEDA cần có ý kiến với Chính phủ Ấn Độ sớm gỡ bỏ các rào cản thương mại và hạn chế sử dụng các biện pháp hạn chế thương mại trong tương lai, tạo điều kiện cho thương mại song phương, nhất là trong lĩnh vực nông sản và chế biến thực phẩm; và đề nghị EPEDA hỗ trợ xác nhận tư cách pháp nhân đối tác Ấn Độ và đảm bảo quyền và lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam trong giải quyết các tranh chấp thương mại với các công ty Ấn Độ.
Ghi nhận những chia sẻ và đề nghị của Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, ông Sudhanshu – Tổng thư ký APEDA cho biết sẽ trao đổi với các cơ quan chức năng của Ấn Độ về những đề nghị của Việt Nam về mở cửa thị trường nông sản, hạn chế áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại và dỡ bỏ các rào cản thương mại.
Đồng thời, tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ để thúc đẩy hợp tác song phương về xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông sản và chế biến thực phẩm và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong kinh doanh với các doanh nghiệp Ấn Độ.
Theo Tạp chí Công Thương