Sáng nay (19/10) tại TP. HCM đã diễn ra Diễn đàn: “Logistics Việt Nam – Chuyển mình phát triển”. Chương trình do Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA); Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp; Công ty SEA Logistic Partners (SLP) phối hợp tổ chức, với sự quan tâm tham dự của đại diện đến từ các cơ quan, ban ngành như Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học Công nghệ… và nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ logistics trên cả nước.
Toàn cảnh diễn đàn
Tại diễn đàn, các chuyên gia đã thảo luận các vấn đề về chuyển đổi số trong hoạt động logistics, xu hướng logistics thông minh, Logistics 4.0, các cơ hội và thách thức mà ngành logistics Việt Nam đang gặp phải, qua đó cũng đề xuất nhiều giải pháp giúp ngành logistics Việt Nam chuyển mình phát triển đáp ứng nhu cầu luân chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Logistics Việt Nam đang chuyển mình phát triển
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu đánh giá cao vai trò của ngành dịch vụ logistics trong việc tổ chức hoạt động xuất khẩu. Ông cho rằng, hoạt động logistics Việt Nam có sự tiến độ vượt bậc, là mắc xích quan trọng gúp hoạt động xuất nhập khẩu cả nước đạt kết quả đáng tự hào trong thời gian qua. Thống kê cho thấy, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tạo ra 557,93 tỷ USD, đây là một khối lượng xuất khẩu rất lớn có sự đóng góp quan trọng của logistics, nếu so sánh với các nước trong khu vực Philippines, Malaysia, Lào, Campuchia thì năng lực khả năng của doanh nghiệp chúng ta tham gia vào chức hoạt động xuất nhập khẩu là rất lớn, đây là một thành tích đáng ghi nhận. Tuy nhiên, nhìn về tương lai phát triển thì logistics vẫn còn đó những hạn chế nhất định, cần được định hướng cụ thể, toàn diện.
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu
Theo bảng xếp hạng của Agility 2022, thị trường Logistics Việt Nam được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2022 – 2027 của thị trường logistics Việt Nam được dự báo đạt mức 5,5%, song hành cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của cả nền kinh tế sau đại dịch Covid với GDP sau 9 tháng đầu năm 2022 đạt mức 8,93%.
Ông Đào Trọng Khoa, Phó chủ tịch VLA cũng cho biết, ngành dịch vụ logistics Việt Nam trong thời gian vừa qua tăng trưởng ở mức 14% – 16%, là mức rất cao so với bình quân thế giới từ 4% – 5%. Điều này có được là do bản chất của ngành dịch vụ và gắn liền với các hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại nội địa, cũng như sự hỗ trợ bởi những công nghệ mới và bùng nổ của thương mại điện tử.
Ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc Cấp cao CBRE Việt Nam dự báo, từ nay cho đến cuối năm và trong những năm tới về thị trường kho bãi hiện đại sẽ tiếp tục phát triển nhanh, vì nhu cầu của các nhà sản xuất cũng như các bên thương mại điện tử hay nhiều ngành nghề lĩnh vực khác trong nền kinh tế vẫn đang rất lớn. Ông nhấn mạnh, hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam giai đoạn 2024 -2025 sẽ tăng lên từ 15% – 20% thậm chí là 50%. Ước tính cứ 1 tỷ doanh thu của thương mại điện tử sẽ cần thêm 92.000 diện tích kho bãi. Để đáp ứng nhu cầu này, các doanh nghiệp cần bắt kịp 2 xu hướng quan trọng: một là tự động hóa và công nghệ, chính công nghệ đã giúp Amazon trở thành dịch vụ thương mại điện tử hàng đầu thế giới; Hai là xu hướng kho trữ lạnh, sau Covid-19, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác trên thế giới gia tăng nhu cầu mua sắm online về rau củ quả, nhu yếu phẩm, thuốc men, dược phẩm. Mọi người ngày càng quan tâm đến an toàn chất lượng của thực phẩm, dược phẩm.
Và vấn đề chuyển đổi số trong ngành logistics
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội VLA cho biết, dịch vụ logistics là một ngành trọng yếu, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế và đời sống xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trên thực tế việc ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số của ngành còn nhiều hạn chế từ tư duy, nhận thức đến năng lực tiếp nhận và nguồn tài chính.
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội VLA
Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã làm xuất hiện nhiều dịch vụ phát sinh đặc biệt. Thị trường cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam và thế giới cạnh tranh gay gắt khi thương mại điện tử phát triển vượt bậc với các hình thức dịch vụ logistics tiên tiến như E-logistics, Green logistics… khiến cho chi phí dịch vụ của doanh nghiệp logistics của Việt Nam còn tương đối cao. Chưa kể, việc thiếu tính chuyên nghiệp, tự động hoá còn thấp, năng suất thực hiện dịch vụ chưa tiếp cận được các nước tiên tiến, việc ứng dụng công nghệ thông tin và trình độ số hóa chưa cao dẫn đến giảm sức cạnh tranh so với thị trường quốc tế.
Nói về chuyển đổi số trong hoạt động logistics, ông Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) cho biết, để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình chuyển đổi số, các bên cần xem xét xây dựng một liên minh công nghệ để tăng cường sự trao đổi chia sẻ và hỗ trợ cho các tập đoàn, doanh nghiệp có quy mô lớn. Để làm được điều này, ông cho rằng, các doanh nghiệp có thế mạnh về công nghệ như Viettel, FPT… có thể tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp logistics. Theo ông Trung, việc xây dựng các logistics hub, phát triển các quy trình dùng chung trên nền tảng công nghệ cũng là bước đi cần thiết.
Các diễn giả thảo luận chủ đề “Cơ hội phát triển ngành logistics Việt Nam trong giai đoạn mới”
Ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch VLA nhận định, thách thức lớn nhất hiện nay đối với ngành logistics là chuyển đổi mô hình kinh doanh. Việc này đòi hỏi sự thay đổi lớn trong toàn bộ máy trong khi nhiều lãnh đạo đã chứng kiến các bài học không thành công của các dự án có quy mô nhỏ hơn. Các start-up cho thấy họ chấp nhận rủi ro và sẵn sàng với mô hình mới khác với truyền thống trong khi các doanh nghiệp truyền thống không dễ thực hiện điều này.
Riêng với chuyển đổi số cũng đặt ra những thách thức cho cả hai phía gồm doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước. Thứ nhất, về phía doanh nghiệp, khó tìm được các giải pháp tương thích giữa các hệ thống quản lý vận hành của công ty mình và khách hàng; Khó khăn về nguồn vốn và nhân lực; Chưa tìm được công nghệ chuyển đổi phù hợp (39%); Không biết nên đầu tư như thế nào (29%); Khối lượng thông tin hiện hữu cần số hóa quá lớn.
Thứ hai, về các cơ quan quản lý, thực tế cho thấy cơ quan chức năng chưa tạo được các điều kiện và hoạt động thực tế hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả. Một số ví dụ có thể thấy như: Kế hoạch hành động quốc gia không có cam kết về ngân sách, thậm chí không có bộ máy chuyên trách quản lý; Triển khai tại các địa phương, kế hoạch hành động thường được đơn giản hóa do điều kiện thực tế của các địa phương – không còn xuyên suốt và kịp thời; Các quy hoạch thiếu đồng bộ giữa các bộ ngành và không chuyên nghiệp, thiếu tầm nhìn, thực thi chậm – nhất là trong hạ tầng giao thông vận tải; Hạ tầng thông tin logistics phục vụ doanh nghiệp chưa được xây dựng; Các địa phương đầu tàu như TP.HCM chưa có sự quan tâm thích đáng của lãnh đạo dẫn tới chậm xây dựng và triển khai đề án phát triển dich vụ logistics…
Ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch VLA
“Nhìn chung, dù logistics đã được xác định là ngành dịch vụ then chốt, tác động trực tiếp tới năng lực cạnh tranh quốc gia nhưng sự quan tâm và triển khai của các bộ ngành và địa phương là chưa tương thích. Doanh nghiệp vẫn đang tự xoay trở và phát triển ngành đang trong tình trạng cơ bản là tự phát”.
Để giải quyết các vấn đề trên, ông Khoa khuyến nghị một số giải pháp như:
Một là, Củng cố năng lực của các nhà giao nhận vận tải quốc tế có năng lực quản lý dòng hàng hóa quốc tế để cạnh tranh và tồn tại trước làn sóng “loại bỏ trung gian”;
Hai là, tự động hóa và nâng cao hiệu suất hoạt động 3PL;
Ba là, phát triển các nền tảng tích hợp đa phương thức, việc này đòi hỏi sự tham gia của cộng đồng và đặc biệt cần có sự hỗ trợ và hợp tác của các cơ quan chức năng liên quan trong chuỗi cung ứng. Các sàn giao dịch hỗ trợ đặt chỗ và quản lý lô hàng một cách tự động, sử dụng nguồn lực xã hội. Theo xu hướng này, các hiệp hội và liên đoàn là các bên phù hợp và thuận lợi nhất để đứng ra tổ chức;
Bốn là, cảng thông minh, các cảng là các mắt xích lớn của nhiều chuỗi cung ứng, nếu được quản lý vận hành thông minh sẽ giải quyết tốt bài toán luân chuyển và kế hoạch vận hành cho nhiều bên bao gồm nhà sản xuất, xuất nhập khẩu, hãng tàu, các bên liên quan khác. Các cảng lớn trên thế giới hiện đang phát triển hệ thống nền tảng mở cho các bên kết nối vào và phối hợp thực hiện các nghiệp vụ theo thời gian thực.
Năm là, mạng cung ứng số. Đây sẽ là cuộc cách mạng mới về chuỗi cung ứng, theo các chuyên gia Mỹ từ năm 2018 thì “SCM đã chết”, thay vào đó là “DSN” (Digital Supply Network). Cấu trúc mạng lưới thay thế cho cấu trúc tuyến tính (linear supply chain), cho phép một cụm ngành vận hành chung trên một hệ thống các nền tảng và trung tâm dữ liệu, với một hệ thống điều hành chung.
Theo VLA