Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam
Vietnam Logistics Business Association

/

/

Hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics ứng phó thuế tối thiểu toàn cầu

Hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics ứng phó thuế tối thiểu toàn cầu

Nâng cao chất lượng dịch vụ logistics phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu, giảm chi phí logistics để tạo lợi thế hấp dẫn các nhà đầu tư FDI khi phải chịu thuế tối thiểu toàn cầu.

Thuế tối thiểu toàn cầu (Global Minimax Tax – GMT) được Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế (OECD) đề xuất nhằm thiết lập sự công bằng về thuế. GMT nhằm điều chỉnh những bất cập về việc các doanh nghiệp nước phát triển đầu tư ở nước ngoài không những làm giảm việc làm trong nước mà còn giảm các khoản thuế nhà nước thu được, các nước đang phát triển cũng không nhận được đầy đủ lợi ích của thuế FDI và các chính sách ưu đãi giảm thuế nhằm thu hút FDI.

Để thu hút đầu tư FDI trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu áp dụng, cần giảm chi phí cho doanh nghiệp, mà đặc biệt là chi phí logistics. Ảnh: Thy Hằng

Mức thuế tối thiểu 15% áp dụng với các công ty đa quốc gia có tổng thu nhập từ 750 triệu Euro (không trên USD800 triệu) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề gần nhất, nghĩa là nếu công ty đó đang đóng mức thuế, ví dụ 10% ở nước mà doanh nghiệp đầu tư thì doanh nghiệp phải đóng mức còn thiếu là 5% ở quốc gia đặt trụ sở chính. Hiện nay mới có EU và Hàn Quốc chính thức áp dụng GMT, nhưng đây là xu hướng tất yếu của nhiều quốc gia khác cũng đang tích cực xem xét, điều chỉnh chính sách, pháp luật của mình để áp dụng quy định này, trong đó có Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Dự kiến còn khoảng 8 tháng nữa, nhiều nước bắt đầu áp dụng.

Tại Việt Nam, mức thuế thu nhập doanh nghiệp phổ biến là 20%, tuy vậy, thông qua các chính sách ưu đãi, doanh nghiệp FDI được hưởng mức thuế thực tế trung bình vào khoảng 12,3%, chênh lệch 2,7% so với GMT.

Như vậy, GMT đặt ra những yêu cầu phải thay đổi của Việt Nam và doanh nghiệp để không bị thiếu hụt nguồn thu thuế và đẩy mạnh thu hút được FDI tại Việt Nam. Theo đó, bên cạnh các giải pháp phản ứng nhanh của doanh nghiệp với các yêu cầu về sửa đổi chính mình, sửa đổi các Luật liên quan đến thu hút đầu tư FDI, các chính sách vĩ mô, cần có sự tham gia chủ động và tích cực của các ngành để giảm chi phí cho doanh nghiệp, mà đặc biệt là chi phí logistics.

Trước yêu cầu tất yếu này, ngành dịch vụ Logistics và Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cần đi đầu nhằm tạo ra cơ sở hạ tầng dịch vụ logistics thuận lợi và giảm giá thành, trong khi chỉ số logistics của nước ta đang ở mức cao.

Theo đó, để ứng phó với thuế tối thiểu toàn cầu, yêu cầu các doanh nghiệp và ngành logistics phải thích ứng. Thứ nhất, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu, giảm chi phí logistics đang ở mức cao hiện nay khoảng 16,8% xuống gần tiếp cận với chi phí logistics bình quân của thế giới 10,6% trong thời gian 2-3 năm tới. Đây là yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư FDI khi phải chịu mức thuế GMT.

Nâng cao chất lượng dịch vụ logistics phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu, giảm chi phí logistics từ 16,8% xuống gần tiếp cận với mức 10,6% bình quân của thế giới. Ảnh: Quốc Tuấn

Việc nâng cao chất lượng dịch vụ Logistics để đạt được mục tiêu đó, đòi hỏi các nhà kinh doanh dịch vụ logistics Việt Nam với sự hỗ trợ của Hiệp Hội VLA thông qua công tác chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo. Lấy chuyển đổi số làm động lực cho việc cải thiện dịch vụ logistics hiện nay.

Tăng cường hơn nữa tính chủ động của doanh nghiệp dịch vụ logistics hợp tác, liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp chủ hàng nói chung và doanh nghiệp FDI nói riêng trong việc thực hiện các dịch vụ logistsics và các doanh nghiệp logistics Việt Nam có thế mạnh trong các hoạt động logistics nội địa, nhất là dịch vụ kho bãi, giao nhận nội địa, dịch vụ hải quan với việc tạo ra chuỗi cung cấp dịch vụ logistics, trước hết là dịch vụ nội địa, chất lượng và liên tục. Tạo ra các chuỗi cung cấp dịch vụ liên hoàn, khép kín như các dịch vụ logistics của trung tâm logistics Tân Cảng – Bắc Ninh. Tạo ra các trung tâm phục vụ dịch vụ khép kín từ kho bãi, vận chuyển, hải quan và  các thủ tục để có thể từ trung tâm này đưa hàng hoá đến tận nhà sản xuất và nhà sản xuất, xuất khẩu đi thẳng ra cảng biển. Điển hình này cần phát huy ở các khu công nghiệp lân cận Đồng Bằng Bắc Bộ.

Thứ hai, Chính Phủ cần tập trung nguồn lực, kết hợp với đầu tư tư nhân mạnh mẽ trong việc phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng logistics, nhất là các cảng biển nước sâu, trung tâm logistics khu vực ở hai đầu đất nước, kết nối chặt chẽ với các khu công nghiệp, khu công nghệ cao như: Khu vực Đồng Bằng Bắc Bộ, Khu vực Cảng nước sâu Cần Giờ, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đông Nam Bộ,…

Thứ ba, Chính phủ qua đây cần thể hiện vai trò kiến tạo, khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp logistics mở rộng thị trường và hiện diện tại các thị trường trọng điểm ở các khu vực Châu Âu, Châu Mỹ.

Thứ tư, lúc này hơn lúc nào hết, VLA phát huy vai trò đại diện cho doanh nghiệp của Hiệp Hội nên đề xuất, phản biện chính sách liên quan, ủng hộ chủ trương giảm thuế GMT của Chính phủ bằng cách đề xuất các biện pháp liên quan đến các dịch vụ logistics như: cắt giảm các chi phí về giao thông, chi phí các loại dịch vụ cảng biển, cảng hàng không, chi phí vận tải đường thuỷ nội địa, đường sắt bằng cách vận hành tối ưu các loại hình vận tải.

Khuyến khích các doanh nghiệp dịch vụ logistics có các biện pháp thực hiện logistics xanh như: giảm số lượng phương tiện vận tải một chiều, sử dụng tối ưu công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giao dịch,… Đồng thời việc phát triển nguồn nhân lực logistics chất lượng cao phục vụ kịp thời cho các hoạt động logistics để giảm chi phí Logistics là ưu tiên hàng đầu hiện nay.

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn

Sự kiện VLA tổ chức

Thông báo quan trọng

Hướng Dẫn Đăng Ký eFBL
Hướng Dẫn Đăng Ký FMC Bond