Sáng 04/03/2023, tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Bộ Công thương tổ chức hội nghị phát triển dịch vụ logistics tỉnh Quảng Ninh.
Hội nghị trao đổi, thảo luận về các giải pháp nhằm phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh để triển khai Nghị quyết số 163/NQ-CP ngày 16/12 của Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai đồng bộ các nhiệp vụ, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam. Đồng thời, thu hút đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư, hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics tại Quảng Ninh, và kết nối hợp tác giữa các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dịch vụ Logistics.
Đại diện Ban Chấp hành VLA chụp hình kỷ niệm tại Hội nghị.
Từ trái qua: Ông Trần Tiến Dũng – UV BCH, Ông Trần Đức Nghĩa – UV BCH – trưởng Ban công tác hội viên, ông Lê Quang Trung – Phó Chủ tịch HH, Bà Phạm Thị Lan Hương – UVBCH – Trưởng Ban Logistics, Ông Đào Trọng Khoa – Phó Chủ tịch thường trực HH, Bà Cao Cẩm Linh – UV BCH, Bà Hồ Thị Thu Hòa – Viện trưởng Viện VLI, Ông Nguyễn Duy Minh – TTK HH.
Tham dự Hội nghị, đại diện Lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đã có những bài trình bày quan trọng nhằm đóng góp ý kiến, đề xuất giải pháp hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh phát huy thế mạnh để phát triển ngành dịch vụ logistics phục vụ xuất nhập khẩu.
Ông Đào Trọng Khoa – Phó Chủ tịch Liên đoàn Giao nhận Vận tải Đông Nam Á (AFFA), Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội VLA với bài tham luận về đóng góp logistics vào tăng trưởng kinh tế địa phương.
Ông Đào Trọng Khoa – Phó Chủ tịch Liên đoàn Giao nhận Vận tải Đông Nam Á (AFFA), Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội VLA và TTK VLA Nguyễn Duy Minh đang trao đổi với Bí Thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký tại hội nghị.
Nhân dịp hội nghị, TTK VLA Nguyễn Duy Minh đã có bài trình bày tham luận về chủ đề: “THÚC ĐẨY HỢP TÁC GẮN KẾT DOANH NGHIỆP LOGISTICS – DOANH NGHIỆP CHỦ HÀNG HƯỚNG TỚI LIÊN KẾT VÙNG VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG”. Qua bài tham luận, Tổng thư ký VLA đánh giá Quảng Ninh có vị trí kinh tế hết sức đặc biệt ở vùng Đông Bắc. Tỉnh có các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội để phát triển thành trung tâm logistics, cửa ngõ trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối với Trung Quốc, Đông Bắc Á và ASEAN. Với hệ thống giao thông đồng bộ, nhất là tuyến đường cao tốc xuyên tỉnh Quảng Ninh (Vân Đồn – Móng Cái) chiếm 16,8% tổng chiều dài đường cao tốc hiện có của cả nước. Các cảng biển thuộc Quảng Ninh như Cảng Quốc tế Cái Lân và Cảng chuyên dùng Cẩm Phả. Hệ thống đường sắt kết nối Cảng Cái Lân và Ga Kép, Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn, Khu kinh tế Vân Đồn, Khu Kinh tế Cửa khẩu Móng Cái. Vị trí cửa ngõ vùng các Tỉnh trọng điểm Đồng bằng Sông Hồng – Tiếp giáp Vùng miền núi trung du phía Bắc – Tiếp giáp Quảng Tây, Trung Quốc – Phía Đông tiếp giáp Biển Đông 250km ( 8% tổng số km bờ biển Việt Nam). Cuối cùng, Quảng Ninh là tỉnh có nhiều thành phố nhất Việt Nam, địa phương này hiện có tới 4 thành phố trực thuộc gồm: Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Uông Bí.
Tổng thư ký VLA – Nguyễn Duy Minh trình bày tham luận tại hội nghị.
Tổng thư ký Nguyễn Duy Minh cũng cho biết việc phát triển logistics của tỉnh nên đi đôi với Logistics xanh và cần tập trung vào 3 vấn đề chính: Logistics phục vụ công nghiệp, Logistics phục vụ đô thị và Logistics phục vụ thương mại cửa khẩu. Đồng thời, ông cũng đưa ra giải pháp kết nối chủ hàng và công ty dịch vụ Logistics (LSP). Thứ nhất, Quảng Ninh cần kết nối chủ hàng ở Bắc Giang (Vùng trung du miền núi phía Bắc) với Cảng Cái Lân qua đường sắt Kép – Cái Lân. Thu hút FDI theo mô hình KCN Bắc – Nam Tiền Phong, Quảng Yên. Thứ hai, Quảng Ninh có thể phát huy chức năng phục vụ vận tải hàng không tại sân bay quốc tế Vân Đồn cho hàng Express và E-commerce đi kèm thu hút đầu tư các Trung Tâm xử lý hàng E-commerce quy mô lớn. Thứ ba, tỉnh cần xây dựng mô hình khu thương mại tự do, nơi mà Quảng Ninh có thể thu hút được hàng hóa sản xuất từ tất cả các quốc gia khác đưa hàng về đây, sau đó cung cấp hàng hóa sang thị trường phía Nam Trung Quốc. Đây chính là công cụ để thay đổi dòng thương mại, giúp chúng ta bẻ lái được dòng chảy thương mại từ các quốc gia Asean hoặc quốc gia có nhu cầu thương mại với thị trường Nam Trung Quốc qua cửa ngõ Quảng Ninh. Cuối cùng, ông đưa ra 2 ví dụ thực tế về quy hoạch trung tâm Logistics theo mô hình CSLIP ở Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc của Singapore và Vientiane Logistics Park của Lào nhằm hỗ trợ Quảng Ninh có tầm nhìn quy hoạch tổng hợp nhu cầu Logistics đô thị, công nghiệp và thương mại xuyên biên giới.
Tại hội nghị, PGS TS Hồ Thị Thu Hoà – Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam trình bày Quảng Ninh cần tập trung vào lợi thế riêng trong phát triển Logistics. Tỉnh hoàn toàn có tiềm năng phát triển dịch vụ logistics cho thương mại điện tử và logistics xuyên biên giới. Đây chính là một điểm gợi mở cho Quảng Ninh trong chặng đường phát triển tương lai. Đề án được trình bày với nhiều ý kiến thực tiễn được hội nghị đánh cao.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, Sở Công thương Quảng Ninh ký MOU với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) về hợp tác, hỗ trợ xây dựng Đề án “Phát triển dịch vụ logistics của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045”.
Phó chủ tịch thường trực VLA – Ông Đào Trọng Khoa đại diện kí kết
Tiềm năng logistics của tỉnh Quảng Ninh không chỉ hiện hữu ở thời điểm hiện tại mà còn từng được ghi nhận trong lịch sử khi thương cảng Vân Đồn là cảng đầu tiên của Việt Nam được thành lập vào năm 1149, dưới thời vua Lý Anh Tông. Trong suốt 7 thế kỷ, đây là thương cảng sầm uất nhất Việt Nam, nơi tàu buôn hàng chục nước Châu Á, Châu Âu ra vào trao đổi hàng hóa. Cùng với lợi thế về vị trí chiến lược và hạ tầng sẵn có, Quảng Ninh hội đủ điều kiện để phát triển logistics xứng tầm với tiềm năng của tỉnh trong lịch sử và cả tương lai, đóng góp chung vào sự phát triển trở thành Trung tâm trung chuyển hàng hóa ASEAN – Phía Nam Trung Quốc tầm nhìn đến năm 2030.
Nguồn: Hiệp Hội VLA.