Ngày 01/03/2023, tại Hội thảo “Khởi động Chương trình Hộ chiếu Logistics Thế giới (WLP) tại Việt Nam” do Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam (VLA) phối hợp với Chương trình Hộ chiếu Logistics Thế giới (WLP) và Đại sứ quán các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) tổ chức, TS. Bader Abdulla Al Matrooshi, Đại sứ UAE tại Việt Nam cho biết, UAE là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông với tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 8 tỷ USD vào năm 2022, và dự báo tăng trưởng mạnh trong vài năm tới.
Hộ chiếu Logistics Thế giới – World Logistics Passport (WLP) là một sáng kiến thúc đẩy và thay đổi dòng chảy thương mại của chính phủ UAE/chính quyền thành phố Dubai được Chủ tịch Hội đồng điều hành Dubai – Thái tử Dubai Shaikh Hamdan Bin Mohammad phê duyệt ngày 02/03/2019 và chính thức khởi động ngày 13/10/2019. Sáng kiến này đã được Bộ Kinh tế UAE công bố và chính thức giới thiệu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, Thụy Sĩ lần thứ 50 vào tháng 01/2020, với sự tham gia của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam.
Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đã kí MOU tham gia đối tác của WLP vào tháng 5/2021, mở đường cho hệ sinh thái Logistics Việt Nam (trong đó có các công ty thuộc khối cảng, khối dịch vụ Logistics, khối chủ hàng…) tham gia vào hệ sinh thái Logistics toàn cầu cũng như mạng lưới các Hub của WLP. Việt Nam đã trở thành 01 trong 29 Hub trên toàn cầu trong mạng lưới WLP, có vai trò và tầm ảnh hưởng bình đẳng như các Hub khác.
WLP hiện đã được mở rộng ra hơn 48 quốc gia ở khắp các châu lục với hơn 29 Hub, hơn 15 tuyến thương mại phục vụ chuỗi cung ứng toàn cầu. Mạng lưới trung tâm logistics thuộc WLP chiếm 47% thương mại thế giới và hơn 120 đối tác trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, chương trình đã thu hút khoảng 100 đại biểu tham dự và chào đón 9 doanh nghiệp Việt Nam vào danh sách các đối tác bao gồm: Vietjet Air Cargo, Gemadept, Cảng Lotus, Cảng Container trung tâm Sài Gòn (SPCT), Cảng Sài Gòn, Sotrans Logistics, T&M Forwarding, Asean Cargo Getway (ACG), DTK. Đáng chú ý, bên cạnh 9 doanh nghiệp ký kết là đối tác của WLP cũng đã có 22 doanh nghiệp thuộc VLA đăng ký là Hội viên WLP.
Hội thảo lần này đã làm rõ quyền lợi của “đối tác” và “hội viên” trong chương trình WLP như sau:
Đối tác: Là các doanh nghiệp dịch vụ Logistics, cảng biển, các hãng hàng không, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kho bãi. Khi tham gia sẽ có cơ hội tìm kiếm khách hàng mới, được miễn thủ tục hải quan, giảm chi phí và thời gian thông quan vào Dubai. Đối tác đóng vai trò là bên cho lợi ích và nhận cơ hội kinh doanh từ hội viên.
Hội viên: Là các chủ hàng (Exporter/ Importer và Buyer) – người tham gia vào để hưởng các lợi ích từ phía đối tác tạo ra, ví dụ giảm 5% phí lưu kho hay các ưu đãi đa dạng khác từ các chương trình khuyến mãi của đối tác.
Chương trình WLP có các ưu đãi cho khách hàng trung thành (Chương trình Loyalty) khi đi qua các trung tâm logistics và thương mại của khu vực (gọi tắt là Hub) có trong danh sách của WLP càng nhiều thì sẽ càng được thăng hạng. Có 4 thứ hạng tích điểm từ thấp đến cao gồm: White (trắng), Silver (bạc), Gold (vàng) và Platinum (bạch kim).
Việc tham gia chương trình WLP sẽ giúp cho Hội viên VLA tăng cường cơ hội kết nối giao thương và giúp đỡ các chủ hàng Việt Nam có cơ hội mở rộng xuất khẩu tại các các thị trường Trung Đông, Châu Phi, Châu Mỹ La tinh.
Nguồn: Hiệp hội VLA.