Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam
Vietnam Logistics Business Association

/

/

HỆ THỐNG CHỈ TIÊU THỐNG KÊ LOGISTICS CỦA VIỆT NAM BẮT ĐẦU CÓ HIỆU LỰC

HỆ THỐNG CHỈ TIÊU THỐNG KÊ LOGISTICS CỦA VIỆT NAM BẮT ĐẦU CÓ HIỆU LỰC

Từ ngày 01/3, Thông tư số 12/2021/TT-BKHĐT ngày 31/12/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư “Quy định Hệ thống chỉ tiêu thống kê logistics của Việt Nam” bắt đầu có hiệu lực. Lần đầu tiên, ngành dịch vụ logistics có văn bản dưới luật hướng dẫn đầy đủ về thống kê logistics, qua đó góp phần làm minh bạch và hỗ trợ công tác hoạch định, đầu tư phát triển, quản lý cũng như các hoạt động logistics có liên quan.

 Quy định Hệ thống chỉ tiêu thống kê logistics - Ảnh 1.

Theo Thông tư, Hệ thống chỉ tiêu thống kê logistics là tập hợp các chỉ tiêu thống kê phản ánh các đặc điểm của hoạt động logistics, chi phí logistics trong nền kinh tế quốc gia và các dịch vụ logistics thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam.

Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao. Định nghĩa này là theo quy định của Luật Thương mại 2005 với 17 loại hình dịch vụ logistics được nêu cụ thể trong Nghị định số 163/2017/NĐ-CP “Quy định về kinh doanh dịch vụ logistics”.

Hệ thống chỉ tiêu thống kê logistics gồm danh mục 63 chỉ tiêu thống kê logistics quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư, trong đó có: 13 chỉ tiêu thống kê logistics kết cấu hạ tầng; 6 chỉ tiêu thống kê logistics phương tiện vận tải; 6 chỉ tiêu thống kê logistics đào tạo nguồn nhân lực; 7 chỉ tiêu thống kê logistics doanh nghiệp, lao động; 13 chỉ tiêu thống kê logistics thương mại, dịch vụ; 3 chỉ tiêu thống kê logistics ứng dụng công nghệ thông tin trong thủ tục hành chính; 5 chỉ tiêu thống kê logistics thời gian, chi phí logistics; 10 chỉ tiêu thống kê logistics năng lực và chất lượng dịch vụ logistics. Nội dung chỉ tiêu thống kê logistics quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để Thu thập, tổng hợp thông tin thống kê đối với các chỉ tiêu thống kê logistics được phân công, bảo đảm cung cấp số liệu thống kê chính xác, đầy đủ, kịp thời và đáp ứng yêu cầu so sánh quốc tế; Xây dựng và hoàn thiện các hình thức thu thập thông tin về các chỉ tiêu thống kê logistics; Tổng hợp thông tin thống kê thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê logistics; Theo dõi, hướng dẫn, báo cáo tình hình thực hiện Thông tư. Các cơ quan liên quan thu thập, tổng hợp những chỉ tiêu được phân công, cung cấp cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) để tổng hợp, biên soạn.

LPI – Chỉ số quan trọng đánh giá hiệu quả hoạt động của ngành logistics:

Thông tư quy định về Chỉ số hiệu quả Logistics (LPI), chỉ số quan trọng đánh giá tình trạng hoạt động và hiệu quả hoạt động của ngành dịch vụ logistics Việt Nam mà hiện nay chúng ta chưa tự xây dựng được.

Về khái niệm, phương pháp tính LPI Thông tư nêu rõ “Logistics là một mạng lưới các dịch vụ hỗ trợ việc chuyển dịch hàng hóa, thương mại qua biên giới và thương mại nội địa, vì vậy Chỉ số LPI gồm hai chỉ số thành phần là LPI quốc tế và LPI trong nước”.

a) Chỉ số LPI quốc tế được đánh giá trên 6 tiêu chí (giống như phân loại của Ngân hàng thế giới-WB), bao gồm:

– Hạ tầng: Chất lượng của cơ sở hạ tầng liên quan đến thương mại và vận tải (cơ sở hạ tầng về cảng biển, sân bay, đường sắt, đường bộ, đường biển, hàng không, phương tiện chuyển tải, kho bãi, hạ tầng công nghệ thông tin và các dịch vụ IT).

– Vận tải quốc tế: Mức độ dễ dàng khi thu xếp vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu với giá cả cạnh tranh, liên quan đến các chi phí như phí đại lý, phí cảng, phí cầu đường, phí lưu kho bãi….

– Năng lực, chất lượng dịch vụ logistics: năng lực và chất lượng của các nhà cung cấp dịch vụ logistics, ví dụ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển và vận tải đa phương thức; doanh nghiệp kho bãi và phân phối; đại lý giao nhận; cơ quan hải quan; cơ quan kiểm tra chuyên ngành; cơ quan kiểm dịch; đại lý hải quan; các hiệp hội liên quan đến thương mại và vận tải; người giao và người nhận hàng.

– Khả năng theo dõi và truy xuất: Khả năng theo dõi và truy xuất các lô hàng.

– Thời gian giao hàng: việc giao hàng đúng lịch khi tới đích so với thời hạn đã định: các lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu làm thủ tục thông quan và giao đúng thời hạn.

– Thông quan: Hiệu quả của các cơ quan kiểm soát tại biên giới, ví dụ như tốc độ, tính đơn giản, và khả năng dự đoán trước của các thủ tục khi thông quan.

06 tiêu chí của LPI quốc tế có thể được phân làm 02 nhóm chính: Đầu vào chính của chuỗi cung ứng: các tiêu chí liên quan đến cơ chế, chính sách (Thông quan, Hạ tầng và Năng lực dịch vụ) Đầu ra của chuỗi cung ứng : các chỉ số về Thời gian, Chi phí và Mức độ tin cậy (tương ứng với các tiêu chí Thời gian, Giao hàng và truy xuất) LPI sử dụng kỹ thuật thống kê chuẩn để tổng hợp tất cả dữ liệu của các tiểu chỉ số thành phần vào một chỉ số duy nhất (phương pháp cụ thể sẽ được giới thiệu ở phần sau của tài liệu). Chỉ số này sẽ được sử dụng để so sánh giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ và giữa các nhóm nước có thu nhập khác nhau

b) Đối với LPI trong nước gồm 4 tiêu chí:

– Hạ tầng: Chất lượng của cơ sở hạ tầng liên quan đến thương mại và vận tải (cơ sở hạ tầng về cầu cảng, sân bay, đường sắt, đường bộ, đường biển, hàng không, phương tiện chuyển tải, lưu kho, lưu bãi, hạ tầng công nghệ thông tin và các dịch vụ IT);

– Dịch vụ: Năng lực, mức độ phát triển của dịch vụ logistics;

– Thủ tục và thời gian làm thủ tục tại biên giới: Thủ tục hải quan và kiểm tra chuyên ngành;

– Độ tin cậy của chuỗi cung ứng: Khả năng đáp ứng của các nhà cung cấp dịch vụ logistics trong nước.

Kỳ công bố các Chỉ số hiệu quả Logistics (LPI): Chỉ số LPI được công bố hàng năm. Nguồn số liệu có được thông qua Điều tra thống kê và Chế độ báo cáo thống kê.

Thông tư quy định Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Cơ quan chủ trì là Tổng cục Thống kê. Cơ quan phối hợp là Bộ Công thương.

Một số khuyến nghị:

Các Doanh nghiệp Hội viên VLA cần Nghiên cứu kỹ Thông tư 12 này, nắm được Hệ thống chỉ tiêu thống kê và số liệu thống kê công bố hàng năm để phục vụ cho công tác của doanh nghiệp hàng năm, nhất là công tác phát triển doanh nghiệp.

Tích cực tham gia công tác điều tra hàng năm khi được yêu cầu, cung cấp chính xác các số liệu đầu vào của điều tra, thống kê, nhất là điều tra liên quan đến Chỉ số hiệu quả Logistics (LPI). 

Xin xem chi tiết Thông tư 12 này tại .https://luatvietnam.vn, https://vanban.vcci.com.vn và trên mạng của Tổng cục Thống kê, Bộ KHĐT.  

Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 221/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định 200/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, từ năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thành lập Ban Biên tập xây dựng dự thảo Thông tư quy định Hệ thống chỉ tiêu thống kê logistics và xin ý kiến góp ý rộng rãi của nhân dân. Hiệp hội VLA đã cử thành viên tham gia Tổ Biên tập xây dựng Hệ thống chỉ tiêu thống kê logistics của Tổng Cục thống kê và có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng thông qua việc xin ý kiến Hội viên vào các Dự thảo của Thông tư. Ngày 31/12/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chính thức ban hành Thông tư số 12/2021/TT-BKHĐT “Quy đinh Hệ thống chỉ tiêu thống kê logistics của Việt Nam”. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2022.

Nguyễn Tương

Sự kiện VLA tổ chức

Thông báo quan trọng

Hướng Dẫn Đăng Ký eFBL
Hướng Dẫn Đăng Ký FMC Bond