Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam
Vietnam Logistics Business Association

/

/

Điều kiện bất khả kháng thời dịch COVID-19

Điều kiện bất khả kháng thời dịch COVID-19

Tiếp theo những bài viết và hội thảo trước đây về bất khả kháng, ngày 24/8/2021 đã diễn ra Lớp đào tạo “Vận tải mùa COVID-19 và những lưu ý cho doanh nghiệp ngành Logistics” do Ban Pháp luật của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) phối hợp với Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), VCCI, tổ chức theo hình thức trực tuyến.

 

Hơn 300 người tham gia là doanh nghiệp thành viên của VLA và nhiều doanh nghiệp khác. Các chuyên gia pháp lý của VLA và Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc VIAC đã trình bày các vấn đề pháp lý liên quan đến việc thực hiện hợp đồng thương mại, trong đó nổi bật vấn đề mà các hội viên đang quan tâm là Điều kiện bất khả kháng (BKK) trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang tác động mạnh mẽ đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Để hội viên dễ hiểu và ứng dụng vào hoạt động dịch vụ logistics, chúng tôi xin tóm tắt nội dung như sau.

Nguồn pháp luật dẫn chiếu liên quan đến BKK:

Bộ Luật Dân sự 2015 (BLDS 2015); Điều 156, Điều 117, Điều 351 Luật Thương mại 2005; Điều 150, Điều 151 Bộ Luật Hàng hải Việt Nam 2015; Điều 192 Công ước Viên 1980 (CISG), Hague-Visby Rules1968…

Điều kiện được coi là BKK:

Sự kiện được coi là BKK: Theo Khoản 1, Điều 156, BLDS 2015, Một sự kiện sẽ được coi là BKK nếu:

– Xảy ra một cách khách quan;

– Không thể lường trước được;

– Không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Hành vi vi phạm hợp đồng được miễn trách khi có sự kiện BKK. Ngoài ra, căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 351 BLDS 2015, hệ quả về việc bên bị ảnh hưởng không thực hiện được đúng nghĩa vụ quy định trong hợp đồng cũng cần được xét đến trong việc xác định một sự kiện có được coi là bất khả kháng đối với từng trường hợp cụ thể hay không, xác định yếu tố khách quan thì điều quan trọng là xác định bên vi phạm có lỗi chủ quan hay chủ ý khi gặp sự kiện bất khả kháng hay không, trong khả năng cho phép muốn nói đến mức độ cố gắng để khắc phục tác động của sự kiện BKK đến việc thực hiện hợp đồng. Việc không thực hiện được đúng nghĩa vụ hợp đồng căn cứ vào sự kiện bất khả kháng chỉ có thể được chấp nhận nếu sự kiện bất khả kháng đó trên thực tế là nguyên nhân trực tiếp ngăn cản bên có nghĩa vụ thực hiện đúng nghĩa vụ.

Tuyên bố BKK:

+ Chứng minh sự kiện BKK là có thật: Vượt qua khả năng kiểm soát của các Bên, không lường trước được tại thời điểm giao kết hợp đồng.

+ Có thiệt hại thực tế: Có thiệt hại thực tế xảy ra khi không thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng do BKK.

+ Đã thực hiện tất cả các biện pháp khắc phục nhưng vẫn không khắc phục được để tiếp tục thực hiên hợp đồng.

Dịch bệnh COVID-19 có được xem là sự kiện BKK hay không theo pháp luật Việt Nam?

Trước hết chúng ta phải làm rõ nội dung: Các sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan, hoàn cảnh thay đổi cơ bản khi có liên quan đến Dịch bệnh Covid 19, trong từng tình huống đều ảnh hưởng trực tiếp đến “nghĩa vụ thực hiện hợp đồng của một bên và quyền tương ứng của bên còn lại”.

Trở ngại khách quan Khoản 1, Điều 156, BLDS 2015:

Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình;

Khi có trở ngại khách quan, các Bên có quyền được chậm, tạm hoãn, kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Trở ngại khách quan này là có tính khắc phục được để tiếp tục thực hiện hợp đồng.

Hoàn cảnh thay đổi cơ bản khi thực hiện hợp đồng, Điều 420, BLDS 2015:

Hoàn cảnh thay đổi cơ bản khi có đủ các điều kiện sau đây:

  1. a) Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng;
  2. b) Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh;
  3. c) Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác;
  4. d) Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên;

đ) Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích. Bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý.

Trường hợp nào thì Dịch bệnh COVID-19 có được xem là sự kiện BKK hay không theo pháp luật Việt Nam?

Theo Điều 156, BLDS 2015: Các bên có biết được dịch bệnh COVID-19 xảy ra tại thời điểm ký kết hợp đồng hay không? Trong trường hợp các bên ký kết hợp đồng trước khi dịch bệnh COVID-19 được công bố thì có thể xem là sự kiện “không lường trước được” khi ký kết hợp đồng. Nếu các bên ký kết hợp đồng sau khi có Cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã công bố dịch bệnh COVID-19 thì không thể nói rằng các bên không lường trước được dịch bệnh COVID-19 sẽ xảy ra hay không lường trước được cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể sẽ áp dụng các biện pháp phong tỏa, cách ly, giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

COVID-19 là một dịch bệnh toàn cầu, nó xảy ra một cách khách quan vì không phải do các bên tạo ra hoặc phát sinh do lỗi của các bên trong hợp đồng.

Mốc thời gian để xem xét việc ký kết Hợp đồng:Trên thế giới, ngày 11/3/2020, Tổchức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) là một đại dịch toàn cầu. Ở Việt Nam, ngày 01/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã công bố COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu (theo Quyết định 447/QĐ-TTg năm 2020).

Với câu hỏi dịch bệnh COVID-19 có được xem là sự kiện bất khả kháng hay không thì không có câu trả lời chính xác cho tất cả các trường hợp, mà phải đánh giá xem xét theo bản chất, hoàn cảnh và bối cảnh của từng giao dịch để xác định xem dịch bệnh COVID-19 có phải là sự kiện bất khả kháng đối với các bên trong hợp đồng được tại thời điểm giao kết hợp đồng.

Kết luận: Cơ quan giải quyết tranh chấp nên đánh giá và có cách tiếp cận thận trọng đối các yêu cầu, tuyên bố chấm dứt hoặc hủy bỏ hợp đồng với lý do dịch bệnh COVID-19 như là một sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn cảnh thay đổi cơ bản, để tránh việc lợi dụng COVID-19 nhằm chấm dứt hoặc hủy bỏ hợp đồng tràn lan, nhưng Điều 296 LTM 2005 cũng quy định trong trường hợp bất khả kháng, các Bên có thể thỏa thuận kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Trường hợp kéo dài quá các thời hạn nói trên, các Bên có quyền từ chối thực hiện hợp đồng và không bên nào có quyền yêu cầu Bên kia bồi thường thiệt hại. Việc kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng quy định tại khoản 1 Điều 296 này không áp dụng đối với hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có thời hạn cố định về giao hàng hoặc hoàn thành dịch vụ. Khi xảy ra sự kiện BKK, các bên liên quan phải tìm cách để hạn chế thiệt hại có thể xẩy ra.

Các Hội viên cần lưu ý những nội dung trên đây khi soạn thảo, thực hiện hợp đồng. Nếu có nghi ngờ điểm nào thì tốt nhất là tư vấn luật sư hoăc có thể liên hệ với Ban pháp luật của VLA để có tư vấn ban đầu, tránh xẩy ra tranh chấp tốn kém thời gian và tiền bạc.

Tham khảo:

Một số vụ tranh chấp về bất khả kháng

(1) Một công ty Việt Nam bán gạo cho Phi-líp-pin. Tàu biển do người mua thuê đang trên đường đến Hải Phòng để nhận hàng thì người bán cho biết Thủ tướng Việt Nam đã quyết định dừng xuất khẩu gạo từ ngày 24/3/2020 để đảm bảo an ninh lương thực do COVID-19 nên không thể giao hàng cho tàu và coi đây là sự kiện bất khả kháng. Người mua cho rằng người bán phải chịu một phần thiệt hại do tàu sắp đến cảng. Quan điểm của người bán là người mua phải chịu toàn bộ thiệt hai vì không có hàng cho tàu do bất khả kháng là đúng.

(2) Có công ty logistics giao hàng trong thành phố lấy lý do công nhân nghỉ việc vì COVID-19 để cho là bất khả kháng nên không thể thực hiện hợp đồng là chưa đủ căn cứ vì phải chứng minh đã thuê công ty khác làm mà vẫn không được hay chưa.

(3) Hai công ty ký hợp đồng hàng đổi hàng. Theo đó, Công ty Thái Lan (TL) chở đường đến Việt Nam để nhận gạo từ Công ty Việt Nam (VN). Theo hợp đồng, VN phải xin giấy phép xuất khẩu gạo và nhập khẩu đường; TL phải xin giấy phép nhập khẩu gạo. Mặc dù chưa xin được giấy phép xuất gạo, nhập đường nhưng VN vẫn đề nghị TL thuê tàu biển chở đường sang để lấy gạo về. TL đã thuê tàu để chở đường từ cảng Bankok của Thái Lan. Tàu đã đến cảng, chờ khá lâu nhưng bất ngờ TL thông báo với người vận chuyển là không thu xếp được giấy phép nhập khẩu đường và coi đây là sự kiện bất khả kháng nên được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển. Người vận chuyển đã đúng khi cho rằng trường hợp này là bất khả kháng nhưng chỉ với hợp đồng đổi hàng giữa TL và VN, không là sự kiện bất khả kháng đối với hợp đồng vận chuyển đường giữa TL và người vận chuyển vì TL có thể “lường trước được” khả năng VN không xin được giấy phép nhập khẩu đường bằng cách yêu cầu VN cung cấp giấy phép này trước khi thuê tàu vận chuyển.

Nguyễn Tương, Nguyễn Thị Hồng Ngân, Ngô Khắc Lễ

 

Sự kiện VLA tổ chức

Thông báo quan trọng

Hướng Dẫn Đăng Ký eFBL
Hướng Dẫn Đăng Ký FMC Bond
Tài Liệu Kỹ Năng Soạn Thảo Hợp Đồng Logistics