Nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập với nền kinh tế toàn cầu. Hoạt động thương mại của Việt Nam được thúc đẩy phát triển nhờ vai trò quan trọng của hệ thống logistics. Tuy nhiên, hệ thống logistics nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, trong đó phải nói đến việc chuẩn hóa chất lượng. Xây dựng và áp dụng có hiệu quả các bộ tiêu chuẩn sẽ thúc đẩy ngành logistics Việt Nam phát triển bền vững.
Chỉ số năng lực ngành logistics Việt Nam được cải thiện
Để đo lường một cách toàn diện về năng lực logistics thì Chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) do Ngân hàng thế giới (WB) tiến hành nghiên cứu đang là một trong những thang đo chính để đánh giá về năng lực logistics của một quốc gia.
Năm 2018, Chỉ số LPI của Việt Nam đã có sự cải thiện, từ đứng thứ 5 trong 10 nước ASEAN với 2,96 điểm đã vươn lên đứng thứ 3 vào (chỉ sau Singapore và Thái Lan) với 3,27 điểm. Điều này càng minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ hơn của ngành logistics Việt Nam.
Theo đánh giá của WB, trong những năm qua, các chỉ số logistics liên quan đến hải quan, hạ tầng, vận tải quốc tế, năng lực logistics, theo dõi và truy xuất hàng cũng như thời gian thực hiện dịch vụ logistics đều được cải thiện tích cực, đặc biệt là năng lực logistics, và khả năng truy xuất là 02 chỉ tiêu tăng điểm đáng kể.
Chuẩn hóa chất lượng sẽ giúp ngành logistics phát triển bền vững
Tiêu chuẩn hóa giúp cho doanh nghiệp cắt giảm chi phí thông qua việc cải thiện hệ thống logistics của doanh nghiệp và các quá trình làm tăng khả năng cạnh tranh cho các quy trình trong chuỗi logistics, từ đó tăng sự hài lòng của khách hàng thông qua cải thiện an toàn, chất lượng và quá trình.
Năm 2020, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố tiêu chuẩn quốc gia như gồm:
» i) TCVN 13196-2020, Dịch vụ Vận tải – Chuỗi vận tải – Hệ thống khai báo (hoàn toàn tương đương BS EN 13011:2001);
» ii) TCVN 13197-1-2020, Đơn vị vận tải đa phương thức – Ghi nhãn (hoàn toàn tương đương BS EN 13044-1:2011);
» iii) TCVN 13198-2020, Chuỗi vận tải – Quy tắc thực hành cung cấp dịch vụ vận tải (hoàn toàn tương đương BS EN 13876:2002)
» iv) TCVN 13199-2020, Khai báo về hoạt động môi trường trong chuỗi vận tải (tham khảo CEN/TR 14310:2002);
» v) TCVN 13200-2020, Thuật ngữ và định nghĩa (hoàn toàn tương đương BS EN 14943:2020).
Tiêu chuẩn nghề (Occupational Standards-OS) là bộ tiêu chuẩn về kiến thức, kỹ năng và hành vi cần thiết để tuyển dụng cho một công việc cụ thể. Tiêu chuẩn kỹ năng năng nghề (Occupational Skills Standards-OSS) là những kỹ năng cần thiết trên thị trường lao động và điều đó sẽ làm cho sinh viên tốt nghiệp ngay lập tức có thể làm việc và hiệu quả hơn.
Từ đó cho thấy, việc chuẩn hóa nguồn nhân lực cũng rất cần thiết. Việc đánh giá nhân viên là việc làm không thể thiếu của doanh nghiệp, đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý đội ngũ nhân viên trong quá trình làm việc.
Thực trạng việc chuẩn hóa chất lượng trong lĩnh vực logistics Việt Nam
Theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics (VLI) và Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (VSQI) vào tháng 10/2021 cho thấy, bên cạnh việc các doanh nghiệp có nhu cầu cần được đào tạo, bồi dưỡng các nội dung liên quan đến phổ biến và cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật mới trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng cho các tổ chức, doanh nghiệp có liên quan; đào tạo kiến thức về công cụ cải tiến năng suất như 5S, Kaizen, 6 Sigma, Lean, KPI, đổi mới sáng tạo; đồng thời kết quả khảo sát cũng cho thấy có đến 58,8% doanh nghiệp có nhu cầu được đào tạo kiến thức về hướng dẫn xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến: ISO 9001, ISO 14001, ISO 17025, HACCP, ISO 22000… Hơn nữa, đa số doanh nghiệp Việt Nam là nhỏ và vừa, chiếm khoảng 90% (Tổng cục Thống kê, 2020), nên các doanh nghiệp cũng đề xuất cần có bộ tiêu chuẩn quốc gia dành riêng phù hợp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; ngoài ra cần có tiêu chuẩn về khổ đường bộ; tiêu chuẩn về container, tiêu chuẩn cụ thể cho hàng nguy hiểm, tiêu chuẩn cho các phương tiện giao thông sử dụng năng lượng điện,…
Với vai trò là hiệp hội quốc gia của ngành logistics, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo bằng cách thành lập Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) năm 2010 với sứ mệnh nghiên cứu, phát triển nguồn nhân lực logistics chất lượng cao đáp ứng cho sự phát triển bền vững của ngành. Bên cạnh việc đào tạo, hiện nay VLA/VLI đã và đang triển khai xây dựng bộ tiêu chuẩn nghề OS/OSS cho các vị trí công việc trong ngành logistics. Cùng với các góp ý và định hướng từ các Hội viên, các doanh nghiệp trong ngành, VLA/VLI đang xây dựng bộ tiêu chuẩn công việc “Chuyên viên làm hàng nguy hiểm (Dangerous Goods Operator)”. Dự kiến đến tháng 4/2022 Bộ chuẩn kỹ năng nghề vị trí Nhân viên làm hàng nguy hiểm sẽ ra mắt cộng đồng và sẽ trở thành căn cứ quan trọng cho quá trình đào tạo, tuyển dụng và phát triển nhân viên. Sau khi hoàn thành cho vị trí này VLA/VLI sẽ tiến hành xây dựng cho nhiều vị trí công việc khác trong ngành để đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Các đề xuất
Đầu tiên là việc xây dựng, hoàn thiện mô hình quản lý chất lượng. Các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần đầu tư hoàn thiện mô hình quản lý chất lượng dịch vụ logistics nhằm giúp các khâu trong quá trình thực hiện dịch vụ logistics diễn ra một cách đơn giản và đảm bảo hơn. Ngoài việc lựa chọn áp dụng mô hình quản lý chất lượng tiên tiến của thế giới như ISO, SERQUAL hay TQM,… các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần hoàn thiện chức năng tổ chức, kiểm tra, kiểm soát và điều chỉnh trong đó chức năng tổ chức thực hiện thì doanh nghiệp cần thiết phải làm cho nhân viên thực hiện kế hoạch biết rõ mục tiêu, sự cần thiết và nội dung công việc mà mình phải làm.
Cùng với xu thế phát triển của ngành logistics và thời đại của công nghiệp 4.0, các dịch vụ logistics đổi mới gia tăng, đòi hỏi cao hơn về chất lượng nguồn nhân lực. Việc chuẩn hóa từ khâu đào tạo – tuyển dụng – sử dụng lao động sẽ tránh được lãng phí cho xã hội, giúp cho việc sử dụng lao động hiệu quả hơn. Chính vì vậy, việc xây dựng Bộ tiêu chuẩn nghề là cần thiết và cần có sự tham gia và ủng hộ nhiệt tình từ các bên liên quan Nhà nước – Nhà trường – Doanh nghiệp.