Từ mô hình thực tiễn của sân bay Incheon và các thành phố xung quanh sân bay, Chuyên gia Trường cao học về Logistics Đại học Inha – Hàn quốc đề xuất định hướng phát triển cho sân bay Long Thành với các đô thị sân bay với những hệ thống trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, trung tâm thể thao, du lịch giải trí xứng tầm khu vực và thế giới…
Hội thảo diễn ra sáng ngày 19/4 tại Đồng Nai. Ảnh: Nguồn ĐTH tỉnh Đồng Nai
Ngày 19-4, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tổ chức buổi hội thảo, trao đổi kinh nghiệm phát triển đô thị Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành với đoàn chuyên gia của Đại học Inha – Hàn Quốc do Giáo sư Ha Hun Koo, nguyên Trưởng khoa logistics, Trường Logistics châu Á Thái Bình Dương, Đại học Inha, thành viên Ủy ban cố vấn về đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, Bộ Đất đai và giao thông Hàn Quốc làm trưởng đoàn.
Tham dự buổi hội thảo có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh; Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường; Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang; Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành và các địa phương. Tham dự hội thảo còn có lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA); Viện nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết, Đồng Nai xác định rõ vị trí chiến lược của sân bay Long Thành và tầm quan trọng của việc phát triển đô thị sân bay xung quanh khu vực phụ cận là yếu tố then chốt đưa tỉnh Đồng Nai thành một trung tâm phát triển kinh tế năng động trong tương lai. Chính vì vậy, Đồng Nai hy vọng thông qua buổi hội thảo, đoàn chuyên gia của Đại học Inha sẽ có những trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quý báu, giúp tỉnh Đồng Nai có tầm nhìn chiến lược trong công tác xây dựng quy hoạch đô thị sân bay Long Thành.
Chuyên gia Trường cao học về Logistics Đại học Inha – Hàn quốc giới thiệu sân bay Incheon và Air City – Thành phố sân bay. Theo đó, cùng với việc quy hoạch xây dựng sân bay Incheon, các nhà lão đạo, chuyên gia Hàn quốc đã kịp thời nắm bắt xu hướng phát triển của thời đại, gắn phát triển đô thị với sân bay, tạo động lực phát triển cho cả vùng sân bay. Cụ thể cùng với xây dựng sân bay Incheon hiện đại, trở thành điểm trung chuyển hàng không của Hàn quốc với thế giới; Chính phủ Hàn quốc đã quy hoạch đầu tư xây dựng các thành phố mới Songdo, YeongJong, CheongNa với các khu phức hợp, khách sạn, trung tâm hội nghị, triển lãm, gắn với du lịch giải trí; Khu vực bán buôn, bán lẻ, các khu công nghiệp sinh học, công nghiệp hàng không, các trung tâm Logistics và phân phối; các cơ sở công nghệ thông tin và truyền thông; các trung tâm nghiên cứu và phát triển, các khu phức hợp y tế và giáo dục, các công ty sản xuất hàng hóa giá trị cao với yêu cầu nghiêm ngặt về thời gian xuất nhập hàng hóa…vv Các khu đô thị sân bay đã giúp Hàn Quốc thu hút hơn 2,3 tỷ USD cho các dự án của Air City – đồng thời là nơi thu hút đông đảo khách du lịch đến với Hàn Quốc…
Giáo sư Ha Hun Koo phát biểu chia sẻ kinh nghiệm tại buổi hội thảo. Ảnh: Nguồn Báo Đồng Nai
Từ mô hình thực tiễn của sân bay Incheon và các thành phố xung quanh sân bay, giáo sư Koo đề xuất định hướng phát triển cho sân bay Long Thành. Theo đó Long thành có những tiềm năng, lợi thế mà ít nơi nào có được. Cụ thể Long Thành nằm cách TPHCM, trung tâm kinh tế thương mại lớn nhất cả nước, trong bán kính 30km từ trung tâm sân bay, có hàng chục khu công nghiệp của tỉnh Đồng Nai và các tỉnh thành trong khu vực đã và sẽ đi vào hoạt động. Long Thành còn là đầu mối giao thông cả về về đường sắt, đường bộ, và hệ thống cảng biển nước sâu Cái Mép – Thị vải. Đây là những tiền đề rất quan trọng để Long thành phát triển các đô thị sân bay với những hệ thống trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, trung tâm thể thao, du lịch giải trí xứng tầm khu vực và thế giới…
Để xây dựng thành công thành phố sân bay Long Thành, Giáo sư Ha Hun Koo cũng đã đề xuất 4 nội dung quan trọng đối với tỉnh Đồng Nai, gồm: xây dựng tầm nhìn; xây dựng kế hoạch phát triển chiến lược theo giai đoạn; sự nỗ lực nhất quán và ổn định của lãnh đạo Chính phủ để đạt được kế hoạch phát triển và đạo tạo, tập huấn các cán bộ có thẩm quyền để thực hiện đúng kế hoạch phát triển. Cùng với đó, Giáo sư Ha Hun Koo đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải có một quy hoạch tổng thể về phát triển thành phố sân bay cũng như đầu tư cho hệ thống hạ tầng giao thông kết nối. Trong đó, Logistics đa phương thức và thương mại là cốt lõi của thành phố sân bay, được tạo bởi đòn bẩy là các nhà ga hành khách và hàng hóa của sân bay.
Cũng trong buổi Hội thảo, các khách mời, chuyên gia đã trao đổi thảo luận các câu hỏi liên quan đến quy hoạch mạng lưới giao thông kết nối sân bay với hệ thống cảng, các trung tâm công nghiệp, trung tâm Logistics nội vùng và liên vùng.
Tham dự Hội thảo, đại diện Lãnh đạo Hiệp hội VLA bày tỏ quan điểm đồng thuận với các tư vấn của Chuyên gia cho tỉnh Đồng Nai. Đồng thời, nhấn mạnh vai trò của sân bay Long Thành không chỉ phục vụ cho Tỉnh Đồng Nai, Vùng Đông Nam Bộ mà cả miền Nam. Với những lợi thế, tiềm năng mà các chuyên gia vừa phân tích, trong định hướng phát triển sân bay Long Thành nên hướng đến tầm nhìn phát triển sân bay Long Thành trở thành Trung tâm trung chuyển hàng không của Đông Nam Á.
Tại Hội thảo, theo Bí thư Tỉnh ủy, Đồng Nai đang giữ một tiềm năng to lớn của quốc gia, một lợi thế so sánh quan trọng của tỉnh là sân bay Long Thành. Do đó, trách nhiệm của địa phương là phải thúc đẩy sân bay Long Thành xứng tầm, đô thị Long Thành xứng tầm.
Bên cạnh đó, Đồng Nai phải phát huy tối đa lợi thế so sánh của sân bay Long Thành để làm cho Đồng Nai cất cánh. Muốn cho sự kỳ vọng này trở thành hiện thực thì Đồng Nai phải học hỏi, không để xuất hiện lỗi quy hoạch trong vòng 30 năm tới. Tỉnh cũng phải huy động mọi nguồn lực từ nhà nước đến xã hội, các nhà đầu tư một cách hiệu quả, đồng bộ. Đặc biệt, phải chuẩn bị một đội ngũ nhân lực đáp ứng cho sự phát triển trước và sau khi sân bay Long Thành được đưa vào sử dụng.
THÔNG TIN QUY HOẠCH ĐÔ THỊ SÂN BAY LONG THÀNH (Giai đoạn 2020-2030):
Theo Sở Xây dựng Đồng Nai, các khu chức năng đô thị xung quanh sân bay Long Thành sẽ được quy hoạch theo mô hình vệ tinh, cách cảng hàng không khoảng 15km.
Cụ thể, vùng 1 là các khu chức năng hỗ trợ gồm: các kho trung chuyển, khu logistics, khu công nghiệp, khu hỗ trợ cảng hàng không. Khu chức năng này được bố trí với khoảng cách từ 5-7km quanh khu vực cảng hàng không.
Vùng 2 là các khu dân cư hiện hữu, khu tái định cư, khu đô thị thông minh, thành phố sân bay. Vùng này được quy hoạch dự kiến khoảng 15.000 ha, tổ chức liên kết 3-4 đô thị tạo thành chùm đô thị ở đây.
Vùng 3 là các khu chức năng dịch vụ – thương mại quy mô lớn như: khu thương mại tự do, khu vui chơi giải trí, dịch vụ hỗ trợ hàng không. Quy mô của các khu này cần khoảng 5 ngàn ha được bố trí tại các cửa ngõ giao thông vào sân bay.
Vùng 4 gồm các khu du lịch, dịch vụ, thể thao với quy mô diện tích khoảng 2 ngàn ha. Các khu này được bố trí cách cảng hàng không khoảng 10km.
Cuối cùng là vùng 5 – được xem như vùng đệm cảng hàng không gồm: mảng xanh dự trữ phát triển; khu cách ly, các khu phát triển nông – lâm nghiệp và an ninh quốc phòng.
Theo VLA