Trên con đường hội nhập, nền kinh tế Việt nam đang thay đổi nhanh chóng, ngành logistics cũng vậy. Chúng ta hay nói đến cách mạng 4.0, đến Chuỗi cung ứng toàn cầu, đến E-commerce… mà quên đi rằng tất cả những cơ hội mới đều cần một cơ sở hạ tầng vững chắc, một hành lang pháp lý làm nền tảng. Ở góc độ này, suốt nhiều năm qua, Hiệp hội VLA đã bền bỉ kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm đến hoạt động của các doanh nghiệp logistics. Ngày 26/09/2017, tại Hà Nội, lãnh đạo Cục giám sát quản lý về Hải quan thuộc Tổng cục Hải quan Việt Nam và lãnh đạo Hiệp hội VLA đã ký thoả thuận hợp tác để thúc đẩy việc tạo thuận lợi hoá thương mại, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh logistics Việt Nam.
Tính từ đầu năm 2016 đến nay, nằm trong chương trình hành động nâng cao năng lực logistics Việt Nam, VLA đã triển khai hợp tác với các cơ quan nhà nước, hiệp hội doanh nghiệp, trường đại học với nhiều biên bản thoả thuận hợp tác quan trọng như: Cục hàng hải Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Đại học giao thông Vận tải TP HCM.. Những thoả thuận hợp tác này mở ra những cơ hội cụ thể để cộng đồng doanh nghiệp Logistics có thể cùng bàn những giải pháp chung giúp ích cho việc nâng cao năng lực ngành Logistics Việt Nam.
Hải Quan là một trong những nội dung quan trọng trong đánh giá chỉ số năng lực Logistics quốc gia. Hải Quan Việt Nam đã có rất nhiều cải tiến, nâng cao chất lượng hoạt động, điển hình là triển khai Hải quan điện tử, triển khai Cơ chế một cửa quốc gia (National Single Window- NSW) và đang trong quá trình tích hợp vào Cơ chế một cửa Asean (Asean Single Window- ASW). Mô hình đại lý hải quan được triển khai từ năm 2015 cũng là một bước tiến đáng kể để chuẩn hoá việc tuân thủ, thực hiện quy trình thủ tục hải quan nhanh hơn và hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các chương trình hành động của Tổng cục Hải Quan nói trên còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu liên quan đến: (i) công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics chưa mạnh (ii) tính sẵn sàng của một số doanh nghiệp dịch vụ logistics chưa cao để tạo niềm tin cho doanh nghiệp cần thuê dịch vụ, (iii) những ưu đãi cho doanh nghiệp logistics làm nghiệp vụ đại lý hải quan chưa thực sự đủ mạnh (iv) còn vướng một số quy định về vấn đề bảo lãnh, uỷ quyền cho đại lý hải quan khi ký biên bản kiểm tra chuyên ngành.
Từ trao đổi thực tiễn trong cộng đồng doanh nghiệp dịch vụ Logistics liên quan đến thủ tục Hải Quan, VLA đã có nhiều hội thảo, toạ đàm, trao đổi ý kiến với lãnh đạo Tổng cục Hải Quan Việt Nam, cũng như đã được mời tham gia đóng góp ý kiến về sửa đổi Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 về Quy định chi tiết và biện pháp thi hành luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan. Tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp Logistics đã được ghi nhận và có những tương tác đáng kể nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động ngành dịch vụ Logistics Việt Nam.
Mới đây, ngày 26/09/2017, Hiệp hội VLA và Cục giám sát quản lý về Hải quan đã ký thoả thuận hợp tác nhằm các mục tiêu:
1. Hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics thực thi đúng quy định của pháp luật về hải quan;
2. Phát triển dịch vụ logistics trong cả nước để đáp ứng yêu cầu phát triển, quản lý, kinh doanh, hội nhập quốc tế theo chủ trương và định hướng chung;
3. Nâng cao hiệu quả công tác giám sát quản lý đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics.
4. Tạo khuôn khổ hợp tác hai bên cùng có lợi và hướng đến phục vụ cho lợi ích chung của công tác Hải quan và Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam. Qua đó góp phần vào việc tạo thuận lợi và nâng cao năng lực cạnh tranh cho thương mại nước ta, tăng cường sự gắn kết, hiểu biết lẫn nhau giữa các doanh nghiệp hoạt động logistics trong cả nước và cơ quan Hải quan.
Đây là một thoả thuận hợp tác quan trọng nhằm đưa phản biện xã hội, góp ý của cộng đồng doanh nghiệp Logistics đến cơ quan Hải quan một cách chính thức. Mặt khác, thoả thuận cũng tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Logistics trong làm việc với cơ quan Hải quan, có kênh giao tiếp chính thức trong quá trình tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình thông quan. Trong tương lai không xa, việc triển khai hợp tác cũng sẽ giúp vai trò của các đại lý hải quan về đúng bản chất, góp phần rút ngắn thời gian thông quan, tạo thuận lợi hoá thương mai, là một trong những hành động trong Quyết định 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017.
Với việc ký thoả thuận hợp tác nói trên, VLA đã và đang tích cực trên hành trình cụ thể hoá hành động nhằm góp phần nâng cao năng lực ngành logistics Việt Nam.
Khiêm Trần
Viện nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam