Sáng hôm nay 24/1/2024 tại Hà Nội, Bộ Công thương đã tổ chức Hội thảo xin ý kiến về dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ông Lê Quang Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) là đại diện của Hiệp hội tham dự và đã có nhiều ý kiến đóng góp tích cực cho dự thảo.
TS. Lê Quang Trung – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) khẳng định VLA đánh giá cao dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Nhận thức được tầm quan trọng, cũng như vai trò trách nhiệm với ngành, các doanh nghiệp hội viên cùng BCH Hiệp hội đã rất tích cực đóng góp ý kiến cho Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cụ thể với khung chiến lược này, VLA cho rằng, việc phát triển đồng bộ và kết nối là cực kỳ quan trọng. Trong đó, cần xây dựng bộ 3 chiến lược gồm: Chiến lược cảng nước sâu và cảng trung chuyển quốc tế, Chiến lược phát triển khu thương mại tự do (FTZ) và Chiến lược kết nối vận tải chủ động bao gồm phát triển đội tàu container quốc tế của Việt Nam và đội tàu bày hàng hoá (air cargo) bởi ông Trung cho rằng, chủ động trong chuỗi cung ứng là hết sức quan trọng.
Đồng thời liên quan tới chương trình hành động tại Chiến lược, VLA đề xuất trong Chiến lược đặt ngay vấn đề tổ chức thành công Đại hội Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế (FIATA) – FIATA World Congress 2025 (FWC 2025).
“FWC 2025 là hoạt động nâng cao vị trí và cơ hội cho ngành logistics Việt Nam, bởi bên cạnh các giải pháp dài hạn luôn cần những giải pháp ngắn hạn trước mắt”, Phó Chủ tịch VLA nhấn mạnh.
Thứ ba, VLA đề xuất cần thêm nguồn kinh phí của các cơ quan liên quan với các hoạt động xúc tiến, thúc đẩy, phối hợp phát triển về logistics.
Thứ tư, cần đưa vai trò của Tổng cục thống kê trong tính toán, cung cấp các số liệu thống kê, chỉ tiêu về ngành để thống nhất các số liệu đầu vào, giúp ích cho các hoạt động chung hiệu quả, cũng là định hướng rõ ràng khi báo cáo các cơ quan nhà nước.
Thứ năm, nhận định các xu hướng trong ngành logistics đã thay đổi và nâng tầm, do đó ông Lê Quang Trung nhấn mạnh, việc phát triển chuỗi cung ứng và xu hướng xanh đã là yêu cầu toàn cầu.
“Cần giải pháp đồng bộ từ nâng cao nhận thức, ưu đãi thuế quan, khuyến khích đẩy mạnh, hợp tác quốc tế về phát triển các xu thế này như logistics xanh, về giảm phát thải…”, ông Trung lưu ý.
Thứ sáu, Lãnh đạo VLA cho rằng, các khái niệm mới, vấn đề mới cần được đưa vào Chiến lược, ví dụ như khái niệm” logistics ngược” cần được đưa vào chiến lược, vấn đề mới như vấn đề Biển Đỏ cần được đặt ra, xem xét.
Thứ bảy, ông Lê Quang Trung lưu ý, cần diễn đạt cụ thể một số nội dung, cơ quan được giao nhiệm vụ. Ví dụ, không thể viết chung chung “các Hiệp hội logistics chủ trì, phối hợp triển khai các giải pháp” mà cần cụ thể Hiệp hội Logistics Việt Nam là Hiệp hội quốc gia chủ trì trong một số vấn đề, ví dụ như dự án đánh giá xếp hạng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp,
“VLA đã được giao nhiệm vụ Xếp hạng, đánh giá năng lực cạnh tranh doanh nghiệp tại Quyết định số 221/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Chúng tôi cũng đang triển khai nên cần được phân công cụ thể trong Chiến lược là: “VLA chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để đánh giá năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp”, ông Lê Quang Trung nhấn mạnh.
Khẳng định VLA đã có sự đồng hành đóng góp vào sự phát triển của ngành logistics, ông Trần Thanh Hải cho biết sẽ cố gắng hài hoà trong việc tận dụng, phát huy tối đa vai trò của các Hiệp hội.
Cũng tại Hội thảo, đại diện của Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Lã Hoàng Trung – Vụ trưởng Vụ Bưu chính – đặt vấn đề, chúng ta có phát triển những doanh nghiệp logistics chủ lực của Việt Nam hay không? Chiến lược logistics là ô lớn của những cái ô nhỏ. Việc tất cả các địa phương cùng nói về câu chuyện phát triển logistics nếu không cẩn thận sẽ dẫn đến tất cả các địa phương đều làm các hạ tầng, trung tâm khai thác, việc này sẽ dẫn đến câu chuyện tương tự như quy hoạch sân bay, cảng biển hay không?. Do đó, cần vai trò điều phối của Bộ Công Thương và các địa phương cần phối kết hợp để làm sao tối ưu hóa lợi ích thay vì cạnh tranh với nhau.
Ông Lã Hoàng Trung cũng cho rằng, các mục tiêu cụ thể được đặt ra tại dự thảo Chiến lược đang khá thận trọng và cần được đề xuất cao hơn. Cụ thể, dự thảo, đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng trung bình dịch vụ logistics đến năm 2030 đạt từ 15 – 20%, con số này thay đổi rất ít và đề xuất con số này là 18 – 20%; hay mục tiêu xếp hạng theo chỉ số hiệu quả logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 45 trở lên, trong khi đó chúng ta đang đứng ở vị trí 43/154, do đó, con số 38 hay 40/154 thì phù hợp hơn.
Ông Phạm Hoài Chung – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) – cho rằng, dự thảo Chiến lược cần chỉ rõ phương pháp, cách thức để thúc đẩy việc nhanh chóng ứng dụng công nghệ số trong logistics, tạo đột phá cho logistics Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực vận tải hiện chiếm 60 – 70% chi phí và lộ trình thực hiện.
Bên cạnh đó, cần làm rõ hơn về định hướng phát triển vận tải đa phương thức; xác định cụ thể địa phương nào có đủ lợi thế để phát triển thành các trung tâm dịch vụ logistics của quốc gia, đóng vai trò kết nối giữa các tỉnh, thành phố trong vùng, giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và quốc tế.
“Cần nhấn mạnh vai trò của vận tải đường sắt, theo đó, đây cũng là hình thức vận tải cạnh tranh và cần đưa vào dự thảo Chiến lược để giảm rủi ro trong vận tải biển trong trường hợp hình thức vận tải này gặp vấn đề như tình hình kênh đào Suez hay, vấn đề Biển Đỏ trong thời gian vừa qua”, ông Phạm Hoài Chung cho hay.
Đồng thời, cần tính toán số liệu về phát triển nguồn nhân lực logistics, nhất là nhân lực chất lượng cao, chuyên nghiệp với kiến thức, kỹ năng quản lý, ứng dụng công nghệ, trình độ ngoại ngữ,… theo chuẩn mực quốc gia, khu vực và thế giới đáp ứng yêu cầu hội nhập sâu, rộng.
Bổ sung nghiên cứu về các hành lang Đông – Tây (hiện đang khá mờ nhạt). Chúng ta có bờ biển dài, cần có chiến lược gắn kết các hành lang này trong quá trình phát triển logistics.
Ông Trần Duy Đông – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phát biểu tại Hội thảo |
Ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội thảo với tinh thần cầu thị, ông Trần Duy Đông – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương sẽ nghiêm túc xem xét, tiếp thu và mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý dưới nhiều hình thức để Chiến lược thể hiện đúng tầm vóc của một ngành kinh tế quan trọng, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp logistics nâng cao năng lực cạnh tranh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội chung của đất nước, thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Đảng và Nhà nước đã đề ra.
Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ quý II/2024 tới. Cộng đồng doanh nghiệp cũng kỳ vọng, khi được ban hành, chiến lược sẽ mang lại sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp ngành dịch vụ logistics Việt Nam.
Theo Congthuong.vn và Diendandoanhnghiep.vn