Ngày 09/7, Hiệp hội Nông nghiệp số (VIDA) phối hợp Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) tổ chức hội thảo trực tuyến nhằm tìm giải pháp giảm chi phí logistics trong nông nghiệp với sự tham gia của nhiều đơn vị.
Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VIDA cho rằng logistics đang chiếm tỷ lệ rất lớn trong sản xuất nông nghiệp và một vấn đề nữa là tình trạng mạnh ai người đó làm nên cần có sự chung tay, kết nối giữa các thành phần từ sản xuất, vận tải, kinh doanh cho đến các hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước.
Trên thực tế, hiện, chi phí logistics chiếm trên 20% GDP trong khi các nước xung quanh chỉ ở mức 12 – 13%. Trong sản xuất nông sản, đặc biệt là những sản phẩm như rau quả, chi phí logistics đang chiếm đến 29,5%.
Cụ thể hơn về chi phí logistics trong nông nghiệp hiện nay, ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam nói các yếu tố làm tăng chi phí logistics gồm vận chuyển, tối ưu hóa vận chuyển 2 chiều không hiệu quả, phụ phí và các phí địa phương do chủ hàng và nước chủ nhà áp. Bên cạnh đó là chi phí hải quan, kiểm tra chất lượng, kiểm dịch và hạn chế về cơ sở hạ tầng cũng khiến chi phí logistics tăng cao.
Ông Minh ví dụ, việc khu vực chế biến nằm xa vùng sản xuất sẽ khiến cho chi phí vận chuyển tăng cao và gây ra hao hụt trong quá trình vận chuyển. Điều này đặt ra vấn đề về quy hoạch tổng thể, đưa các vùng chế biến về gần nơi sản xuất.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có chiến lược và quy hoạch phát triển logistics Việt Nam, hệ thống văn bản, chính sách logistics chưa hoàn thiện vì thiếu quan điểm, định hướng dài hạn và cơ quan quản lý…, thậm chí còn không thống nhất giữa các văn bản.
Tình trạng xây dựng đường cao tốc, các tuyến quốc lộ nâng cấp, mở rộng nhưng lại không xây dựng các trung tâm logistics, các đường kết nối với hệ thống đường gom và với các phương tiện vận tải khác.
“Hệ thống công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch, phương tiện vận chuyển, kho tàng quá lạc hậu, cảng thiếu đường vào, chỉ sử dụng một loại phương tiện vận tải là ô tô do các cảng không kết nối với đường sắt, khiến chi phí logistics Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước, sản xuất sản phẩm khó tiêu thụ, ứ đọng, giá trị gia tăng thấp…, tất cả làm cho môi trường logistics Việt Nam đang là rào cản đối với sự phát triển kinh tế bền vững”, GS. TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển nhận định.
Bên cạnh đó, ông Lê Tiến Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bắc Kỳ chuyên về kinh doanh vận tải cũng cho rằng, chỉ bản thân doanh nghiệp sẽ không thể làm giảm chi phí logistics nếu không có quy hoạch logistics tốt.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho rằng, cần có quy hoạch logistics theo vùng, theo loại hình để thúc đẩy liên kết giữa các địa phương để hình thành các trung tâm vận chuyển, logistics hiện đại, từ đó, đạt được sự liên kết giao thông, cảng biển, hàng không…
Hiện nay, khu vực chế biến thường được đặt trong các khu công nghiệp nếu không gần vùng nguyên liệu thì sẽ khiến giá thành tăng, hao hụt trong vận chuyển sau thu hoạch. Do đó, ông Toản cho rằng cần có từng đề án căn cơ cho từng vùng Bắc Bộ, Tây Bắc, Tây Nguyên, ĐBSCL… để tối ưu hóa được quy hoạch vùng nhằm giảm chi phí logistics cho nông nghiệp.
Nguồn: VLA tổng hợp.