Theo ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics (VLA), các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần nhanh chóng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và tái cấu trúc mô hình kinh doanh để bắt kịp xu hướng phát triển toàn cầu. Đầu tư vào công nghệ mới, cải tiến quy trình vận hành và tăng cường liên kết trong hệ sinh thái logistics là yếu tố quyết định để các doanh nghiệp bứt phá.
Ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics (VLA)
Ông có thể chia sẻ đánh giá của mình về tiềm năng phát triển của ngành logistics Việt Nam và cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA)?
Ngành logistics của Việt Nam thực sự phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng 14-16%/năm. Điều này phản ánh không chỉ nhu cầu nội địa tăng cao, mà còn cả sự hội nhập mạnh mẽ của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu.
Với việc tham gia 19 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có nhiều FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, Việt Nam đã tạo ra một hệ sinh thái thuận lợi để doanh nghiệp logistics trong nước có thể mở rộng hoạt động và nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, để đạt được mức đóng góp 12-15% vào GDP vào năm 2050 như trong Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần không ngừng đầu tư vào công nghệ, mở rộng mạng lưới kết nối và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Trên cơ sở các mục tiêu này, theo ông đâu là những thách thức mà doanh nghiệp logistics Việt Nam đang phải đối mặt, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn hiện nay?
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chịu ảnh hưởng từ nhiều biến động như xung đột địa chính trị, căng thẳng thương mại và suy yếu của các động lực tăng trưởng, các doanh nghiệp logistics Việt Nam không tránh khỏi việc đối mặt với nhiều thách thức.
Ngoài những yếu tố khách quan như giá nhiên liệu tăng cao và đứt gãy chuỗi cung ứng quốc tế, chúng ta còn phải đối mặt với những yếu tố nội tại như hạ tầng logistics hạn chế, thiếu đồng bộ và chi phí logistics cao.
Đây là thời điểm để các doanh nghiệp logistics tập trung tối ưu hóa quy trình vận hành, tăng cường ứng dụng công nghệ số và cải thiện năng lực quản trị nhằm nâng cao sức cạnh tranh.
Ngoài ra, do đặc thù của doanh nghiệp Việt Nam nói chung và ngành logistics nói riêng, với hơn 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên các khó khăn về tài chính, cũng như chất lượng nguồn nhân lực luôn hiện hữu, là rào cản cần tháo gỡ để doanh nghiệp có thể thay đổi mô hình kinh doanh, nắm bắt những xu hướng phát triển tất yếu như logistics xanh và thích ứng nhanh với sự thay đổi của ngành trong tương lai.
Việt Nam đã tạo ra một hệ sinh thái thuận lợi để doanh nghiệp logistics trong nước có thể mở rộng hoạt động và nâng cao vị thế
Để hướng đến phát triển logistics xanh và tăng khả năng thích ứng nhanh, với vai trò chủ tịch VLA, ông có đề xuất, kiến nghị gì để tháo gỡ các nút thắt trong kết nối hạ tầng logistics?
Những nút thắt trong kết nối hạ tầng logistics như hệ thống giao thông đường bộ chưa đồng bộ, thiếu kết nối giữa các cảng biển và khu công nghiệp là những thách thức lớn mà ngành logistics Việt Nam đang phải đối mặt.
Để tháo gỡ vấn đề này, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và Chính phủ. Tôi kiến nghị, Nhà nước cần có chính sách đầu tư chiến lược vào hạ tầng, đặc biệt là mạng lưới giao thông kết nối liên vùng, liên khu công nghiệp và các cửa ngõ quốc tế.
Cần phát triển các trung tâm logistics tích hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc vận chuyển hàng hóa liên thông từ các khu công nghiệp đến cảng biển và sân bay một cách hiệu quả hơn.
Cần cơ cấu, cân đối các loại hình vận tải, tăng cường các hoạt động vận tải thân thiện với môi trường như vận tải thủy nội địa, đầu tư mạnh vào vận tải đường sắt và phát triển vận tải đa phương thức hiệu quả.
Ông đánh giá thế nào về năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp logistics Việt Nam trong hệ sinh thái hiện nay?
Doanh nghiệp logistics Việt Nam có những tiến bộ rõ rệt trong hơn 1 thập kỷ qua. Từ vị trí của những người làm đại lý thụ động, doanh nghiệp Việt đã chủ động trong hội nhập, thông qua việc tham gia các mạng lưới quốc tế, ứng dụng công nghệ hiện đại, tham gia chủ động vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Nổi bật là Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam và các hội viên của mình rất chủ động trên hành trình xanh hóa ngành logistics, với các nỗ lực đáng kể như chủ động phát triển các công cụ tính toán, đo lường carbon, hay như nỗ lực làm giàu rừng (của Hiệp hội Logistics Hải Phòng, thành viên VLA) để tạo ra tín chỉ carbon mới, hỗ trợ hội viên trung hòa carbon cho chuỗi dịch vụ của mình.
Nỗ lực và đóng góp đáng kể nhất phải nói đến việc đăng cai Đại hội thế giới của Liên đoàn Các hiệp hội Giao nhận và Vận tải quốc tế (FIATA World Congress 2025 – FWC2025) sẽ được tổ chức từ ngày 6 đến ngày 10/10/2025 tại Hà Nội, với chủ đề “Logistics xanh và thích ứng nhanh” (Green and Resilient Logistics) .
Tuy nhiên, so với các doanh nghiệp quốc tế, doanh nghiệp trong nước cần phải cải thiện thêm về quy mô, chất lượng dịch vụ và khả năng ứng dụng công nghệ. Điều quan trọng là chúng ta phải chú trọng đầu tư vào công nghệ số, tự động hóa và tối ưu hóa quy trình hoạt động. Đồng thời, việc nâng cao kỹ năng và trình độ quản lý nguồn nhân lực cũng là yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp logistics Việt Nam có thể cạnh tranh trong môi trường toàn cầu.
Đáng lưu ý, trong bảng xếp hạng Chỉ số Hiệu suất hậu cần (LPI) năm 2023 của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đứng vị trí thứ 43, tụt 4 hạng so với thứ 39 “ngoạn mục” của năm 2018. Tuy nhiên, điểm LPI tăng lên mức 3,3 điểm so với mức 3,27 điểm năm 2018 và là mức cao nhất từ khi có xếp hạng năm 2007 đến nay. Việt Nam thuộc Top 5 ASEAN, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng vị trí với Philippines.
Qua báo cáo đánh giá của WB toát lên vấn đề tồn tại của ngành logistics Việt Nam là năng lực của nhà cung ứng dịch vụ. Để cải thiện nhanh chóng năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp logistics cần đẩy mạnh quá trình số hóa, góp phần gia tăng chất lượng dịch vụ, rút ngắn thời gian và cải thiện khả năng truy xuất hàng hóa.
Tính kết nối là một trong những điểm yếu được nhận diện trong chiến lược phát triển logistics. Theo ông, làm thế nào để tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp logistics nhằm nâng cao sức cạnh tranh?
Tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp logistics trong nước không chỉ giúp gia tăng sức cạnh tranh, mà còn tạo điều kiện để phát triển các chuỗi cung ứng hoàn chỉnh và đồng bộ. Sự hợp tác giữa các doanh nghiệp lớn tại khu vực Cái Mép Thị Vải giữa Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và Công ty TNHH Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) để khai thác tối ưu hạ tầng bến bãi là một ví dụ điển hình.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả của những mô hình này, cần xây dựng các liên minh logistics theo chuỗi giá trị, trong đó các doanh nghiệp lớn đóng vai trò dẫn dắt và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ hơn về công nghệ, hệ thống quản lý và dịch vụ.
Chính phủ cũng nên khuyến khích các mô hình hợp tác công – tư (PPP) trong lĩnh vực logistics để tăng cường đầu tư hạ tầng và kết nối quốc tế.
Đây là thời điểm các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần nhanh chóng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và tái cấu trúc mô hình kinh doanh để bắt kịp xu hướng phát triển toàn cầu. Đầu tư vào công nghệ mới, cải tiến quy trình vận hành và tăng cường liên kết trong hệ sinh thái logistics là yếu tố quyết định để doanh nghiệp có thể bứt phá.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, thông qua việc đẩy nhanh quá trình số hóa trong quản lý logistics, cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng hạ tầng. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp logistics trong nước có thêm động lực và điều kiện để phát triển mạnh mẽ hơn.
Theo Báo Đầu tư