Đóng góp đến 3 sản phẩm xuất khẩu chủ lực là lúa gạo, trái cây và thủy sản, cùng với vị trí thuộc vùng đất trung tâm, Hậu Giang đang có nhiều cơ hội để trở thành trung tâm logistics của khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Đây là một trong những nhận định của ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam tại tọa đàm “Thời kỳ vàng” đưa Hậu Giang phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, bao trùm, do Ban Tuyên giáo và Đài TH Hậu Giang tổ chức.
Chương trình Tọa đàm này còn có sự tham dự của ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Quốc Dũng, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II; Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh đồng bằng sông Cửu Long. Trong chương trình, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đã cung cấp bức tranh tổng thể về quan điểm, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Đồng thời lãnh đạo tỉnh nhận định Hậu Giang đang hội tụ những điều kiện về “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để phát triển toàn diện.
Đối với logistics, ông Đào Trọng Khoa cho rằng, Hậu Giang là địa phương có nhiều lợi thế phát triển. Cụ thể: Hậu Giang có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi: nằm ở vị trí ở trung tâm vùng ĐBSCL. Với vị trí của mình, Hậu Giang cũng có thế mạnh về liên kết vùng khi các chuỗi nông sản quan trọng của ĐBSCL hầu hết đi qua địa phương. Với mức ngập lũ thấp, có nhiều tuyến giao thông thủy bộ quốc gia quan trọng đi qua và đặc biệt là tiếp giáp với TP. Cần Thơ, một trung tâm động lực về kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật lớn nhất ở ĐBSCL, vì vậy nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hậu Giang có nhiều điều kiện thuận lợi và cơ hội để phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Hậu Giang hiện có thế mạnh về hàng gạo, trái cây và thủy sản phong phú… Năm 2024, ngành Nông nghiệp tiếp tục đặt mục tiêu xuất khẩu cao cho 3 sản phẩm chủ lực này của Hậu Giang. Đặc biệt theo xu thế phát triển hiện nay, ngành nông nghiệp sẽ không dừng lại ở sản xuất chế biến thô mà sẽ được đầu tư phát triển nhiều hơn để nâng cao giá trị gia tăng cả về giống, canh tác, chế biến sâu, bảo quản, phát triển thị trường. Như vậy địa phương sẽ có nhiều cơ hội áp dụng quản lý chuỗi cung ứng, không chỉ dừng lại ở các dịch vụ logistics truyền thống. Các dịch vụ đó cũng sẽ có tính đặc thù cao khiến Hậu Giang khác biệt với các tỉnh thành khác và cả các nước khác.
Là tỉnh có cảng biển loại II, đồng thời hệ thống đường cao tốc tại đây cũng đang được xây dựng hoàn thiện. Đặc biệt Hậu Giang giành mối quan tâm, nhận định và đánh giá đúng tầm quan trọng của Logistics.
Và để tận dụng được những lợi thế trên, Ông Đào Trọng Khoa đề xuất, tỉnh Hậu Giang cần phát triển logistics trên cả 5 trụ cột gồm: Hạ tầng và công nghệ; Khung pháp lý và chính sách, các doanh nghiệp logistics, các Chủ hàng và nguồn nhân lực. Cụ thể Hậu Giang cần chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng logistics và công nghệ. Thúc đẩy năng lực ứng dụng CNTT và công nghệ vào vận hành logistics (cảng biển xanh, chuyển đổi số, ứng dụng phần mềm trong vận hành, quản lý…). Địa phương cần triển khai và thực thi các chính sách về phát triển logistics dựa trên 2 văn bản quan trọng là: QĐ 200, QĐ 221 của Thủ tướng về việc phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ Logistics Việt Nam đến năm 2025 và Quy hoạch Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long Thời Kỳ 2021 – 2030, Tầm Nhìn Đến Năm 2050 “phát triển dịch vụ logistics ở Hậu Giang để bổ trợ cho thành phố Cần Thơ về thực hiện vai trò là trung tâm logistic của vùng”. Phát triển và Nâng cao năng lực doanh nghiệp logistics tại địa phương và thu hút doanh nghiệp logistics đầu tư tại địa phương. Phát triển chuỗi giá trị của tỉnh và liên kết vùng nhằm thu hút tạo nguồn chân hàng cho các trung tâm logistics. Đồng thời chú trọng phát triển nguồn nhân lực logistics đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp cũng như nhân lực có chuyên môn logistics trong các cơ quan quản lý nhà nước nhằm nâng cao năng lực tham mưu và thực thi chính sách phát triển logistics tại địa phương. Ngoài ra, Hậu Giang có thể xem xét xây dựng đề án nghiên cứu phát triển logistics trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đến 2030 tầm nhìn 2050 để thực hiện đánh giá tổng thể thực trạng, nhu cầu dịch vụ logistics từ đó có căn cứ thu hút nhà đầu tư, phát triển dịch vụ logistics theo định hướng của Chính phủ (VLA/VLI có kinh nghiệm thực hiện đề án tương tự cho Tp HCM, Bình Dương, World Bank…. Và hiện đang thực hiện cho 1 số địa phương như Bình Định, Hải Phòng dự án nghiên cứu về logistics đặc biệt các gắn với phát triển cảng biển. Trong Bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh logistics cấp tỉnh mà VLA/VLI công bố 2023 với 26 tỉnh được xếp hạng thì có 5 tỉnh ĐBSCL trong đó kết quả: Long An, Cần Thơ: hạng 9, Kiên Giang: 16, Tiền Giang: 19, An Giang: 20. Do đó, Hậu Giang có thể hợp tác với VLA và đề xuất xem xét tham gia xếp hạng trong những lần báo cáo tiếp theo nhằm có căn cứ để địa phương đánh giá và định hướng phát triển logistics của tỉnh trong bối cảnh nâng cao năng lực cạnh tranh trong vùng.
Với vai trò là hiệp hội quốc gia ngành logistics, công tác tư vấn và phản biện chính sách là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hiệp hội. Việc tham gia các buổi tọa đàm cùng các vị khách mời là lãnh đạo địa phương như thế này sẽ giúp các ý kiến của VLA tới nhanh và đúng địa chỉ. Từ đó góp phần kiến tạo tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp logistics hoạt động và phát triển.