Từ chỗ thua lỗ, suýt phá sản, nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước đã “hồi sinh” nhờ các biện pháp phòng vệ thương mại được áp dụng kịp thời. Phòng vệ thương mại cũng là tấm lá chắn hiệu quả cho DN Việt Nam trước hàng loạt vụ kiện của các nước nhập khẩu, qua đó giữ vững lợi thế và phát triển trên “sân khách”.
Việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đã giúp ngành thép lấy lại vị thế và ngày càng tăng trưởng. Ảnh minh họa: HP
“Hồi sinh” nhờ công cụ phòng vệ thương mại
Chia sẻ về câu chuyện phòng vệ thương mại trong ngành thép thời gian qua, ông Đinh Quốc Thái, Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, tình trạng dư thừa công suất trên toàn cầu khiến cho sức ép cạnh tranh trong ngành ở mức rất cao.
Theo đó, nhiều nhà sản xuất thép Trung Quốc tìm cách giải phóng hàng tồn kho bằng cách xuất khẩu với mức giá rất thấp vào Việt Nam. Có thời điểm, thép Trung Quốc chiếm tới 62% tổng lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam. Điều này khiến không ít DN thép Việt Nam đối mặt với nguy cơ thua lỗ, phá sản.
Thế nhưng, ngành thép Việt Nam đã nhanh chóng “lật ngược tình thế” nhờ sự hỗ trợ của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) để khởi kiện nhiều vụ chống bán phá giá và áp thuế phòng vệ thương mại.
Từ năm 2020 đến nay, ngành thép Việt Nam đã khởi kiện 12 vụ việc liên quan đến các sản phẩm thép không gỉ, tôn mạ màu, phôi thép, thép chữ H, thép cán nguội…
Ông Đinh Quốc Thái cho biết, sau khi áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, các DN thép Việt Nam đã lấy lại lợi thế cạnh tranh về giá, duy trì được thị phần.
Nhờ đó, doanh thu và lợi nhuận của DN cải thiện đáng kể, đảm bảo việc làm cho người lao động cũng như thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.
“Từ một nền sản xuất phụ thuộc vào nhập khẩu cũng như công nghệ và kỹ thuật nước ngoài, từ năm 2017, ngành thép Việt Nam đã lọt Top 19 thế giới và hiện trong Top 12 thế giới.
Hệ thống sản xuất của các DN thép Việt Nam đã được đầu tư chiều sâu, nâng cao năng lực sản xuất, đảm bảo các tiêu chuẩn cao nhất về chất lượng và môi trường để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao tại thị trường nội địa và xuất khẩu.
Các DN cũng đầu tư hệ thống sản xuất hiện đại, nghiên cứu mở rộng nhiều sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao”, ông Đinh Quốc Thái thông tin.
Tương tự như ngành thép, ông Trần Vĩnh Chung, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, vào năm 2020, ngành đường Việt Nam gần như rơi vào tình trạng “chết lâm sàng” khi đường giá rẻ của Thái Lan tràn vào thị trường.
Trên cơ sở đề nghị của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Bộ Công Thương đã tiến hành điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm đường xuất xứ từ Thái Lan; tiếp đó là áp dụng biện pháp chống lẩn tránh đối với sản phẩm đường từ 5 nước: Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia và Myanmar.
Ngành đường Việt Nam đã phục hồi nhờ các biện pháp phòng vệ thương mại kể trên. Nhờ vậy, sản lượng đường sản xuất trong nước liên tục tăng, năng suất mía cũng được cải thiện đáng kể, đạt 6,8 tấn đường/ha trong niên vụ 2023-2024 – mức cao nhất trong khối ASEAN.
Đặc biệt, người nông dân trồng mía cũng được hưởng lợi khi giá mía niên vụ 2023-2024 đã tăng 152% so với niên vụ 2020-2021.
Hiện giá mía trong nước ở mức tương đương 55 USD/tấn, cao hơn so với mức 38,9 USD/tấn của Thái Lan. Giá mía tăng cũng giúp giữ chân người nông dân gắn bó với cây mía, diện tích trồng được mở rộng.
Tự tin bước ra thị trường quốc tế
Bên cạnh việc bảo vệ các ngành sản xuất trong nước tại “sân nhà”, việc vận dụng hiệu quả công cụ phòng vệ thương mại cũng đã giúp hàng hóa Việt Nam vững chân tại các thị trường xuất khẩu.
Tính đến hết tháng 9/2024, Việt Nam đã phải đối mặt với 263 vụ việc phòng vệ thương mại do các nước khởi xướng. Mặc dù số lượng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng xuất khẩu Việt Nam có xu hướng tăng, nhưng nhờ sự chủ động của DN và hỗ trợ tích cực của Bộ Công Thương, nhiều vụ việc đã đạt kết quả tích cực như DN không bị áp thuế hoặc bị áp thuế ở mức thấp, từ đó tiếp tục giữ được thị trường xuất khẩu.
Thủy sản là ngành hàng có kinh nghiệm về phòng vệ thương mại tại thị trường xuất khẩu từ rất sớm. Từ năm 2002, Hoa Kỳ đã tiến hành điều tra mặt hàng cá tra của Việt Nam, tiếp đó là mặt hàng tôm vào năm 2003.
Mặc dù các biện pháp này đã được kéo dài tới 22 năm, nhưng qua thời gian, các DN Việt Nam ngày càng có kinh nghiệm và kết quả rà soát hàng năm đã đạt được kết quả tích cực. Hiện các DN lớn đều được hưởng thuế 0% và ngành thủy sản vẫn duy trì được xuất khẩu.
Đặc biệt, việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường nên trong các vụ kiện chống bán phá giá, Việt Nam sẽ phải sử dụng “giá trị thay thế” của nước thứ ba để tính toán biên độ phá giá.
Trong những năm qua, Hoa Kỳ liên tục thay đổi quốc gia được lựa chọn để tham chiếu trong vụ việc chống bán phá giá của thủy sản Việt Nam. Cụ thể, trong 2 vụ kiện cá tra và tôm, ban đầu Hoa Kỳ chỉ định Bangladesh là quốc gia thay thế để xác định biên độ phá giá.
Sau một thời gian, GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng lên, nên quốc gia thay thế buộc phải chuyển sang Ấn Độ. Tiếp đó, GDP bình quân đầu người của Việt Nam lại vượt qua Ấn Độ, nên quốc gia thay thế tiếp tục phải thay đổi sang Indonesia.
Chia sẻ kinh nghiệm trong việc này, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, điều quan trọng là DN phải có chiến lược khi theo đuổi các vụ kiện của nước ngoài, đặc biệt là trong các kỳ xem xét hành chính.
Còn trong ngành gỗ, khi bị Hoa Kỳ điều tra vào năm 2020 đối với gỗ dán, do còn ít kinh nghiệm, một số DN chưa tham gia đầy đủ, chưa hợp tác đầy đủ nên đã dẫn tới kết quả bất lợi. Cụ thể, có 37 DN bị liệt vào danh sách áp thuế.
Tuy nhiên, đến lần thứ 2 Hoa Kỳ điều tra vào năm 2022, DN ngành gỗ đã có nhiều kinh nghiệm, hầu hết DN được đánh giá là không nằm trong các trường hợp bị điều tra và được hưởng cơ chế miễn trừ cho vụ việc này.
Ông Cao Xuân Thanh, Chánh văn phòng Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, sự chủ động của các DN đóng vai trò hết sức quan trọng. Các DN cần đánh giá nguy cơ, rủi ro từ sớm để có chiến lược, kế hoạch kinh doanh phù hợp.
Trong quá trình xử lý vụ việc, các DN cần hợp tác, cung cấp dữ liệu đầy đủ, chính xác, thống nhất cho cơ quan điều tra.
Việc ứng phó hiệu quả với các vụ kiện phòng vệ thương mại của các nước đã giúp các DN Việt Nam giữ được lợi thế cạnh tranh, đứng vững và phát triển tại các thị trường xuất khẩu.
Theo VASEP, tính đến 15/9, xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ đạt 516 triệu USD, tăng trưởng 8% so với cùng kỳ năm 2023; xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ đạt 240 triệu USD, tăng trưởng 23%. Tương tự, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ cũng ghi nhận tăng gần 26%, đạt 6,5 tỷ USD.
Ông Lê Sỹ Giảng, Công ty TNHH GH Consult: Số vụ việc phòng vệ thương mại do Việt Nam khởi xướng sẽ tiếp tục gia tăng
Trong 5-7 năm gần đây, sự hiểu biết cũng như khả năng vận dụng của các DN Việt Nam đối với công tác phòng vệ thương mại đã tăng lên rất nhiều. Điều này xuất phát từ sức ép cạnh tranh ngày càng gia tăng của các ngành hàng. Cùng với đó, việc Cục Phòng vệ thương mại điều tra và đưa ra các quyết định áp thuế đã tạo khích lệ rất lớn đối với các DN, giúp DN tự tin hơn khi tham gia các vụ việc. Tuy nhiên, hiện DN vẫn gặp một số khó khăn trong việc vận dụng công cụ phòng vệ thương mại. Cụ thể, việc các DN trong cùng một ngành có thể ngồi lại với nhau, chia sẻ thông tin, dữ liệu và đồng hành với nhau trong một thời gian khá dài để theo đuổi vụ việc phòng vệ thương mại là vấn đề không dễ dàng. Nhưng với tốc độ phát triển kinh tế và hội nhập của Việt Nam, trong những năm tới, các vụ việc phòng vệ thương mại do Việt Nam khởi xướng sẽ tiếp tục gia tăng và DN Việt Nam cũng sẽ vận dụng linh hoạt và hiệu quả các biện pháp này.
Ông Huỳnh Minh Vũ, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TPHCM: Hiệu quả từ hệ thống cảnh báo sớm Hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ đối với các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn của Việt Nam đã cho thấy hiệu quả tích cực đối với các DN. Cục Phòng vệ thương mại đã theo dõi, phân tích, đánh giá và định kỳ đưa ra danh sách những mặt hàng có nguy cơ bị kiện để các DN, hiệp hội có sự chuẩn bị trước, cũng như có chiến lược, hành động kịp thời để tăng tính chủ động khi vụ kiện xảy ra. Điển hình như trong năm 2023, Cục Phòng vệ thương mại đã cảnh báo 18 mặt hàng có nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại. Sau đó, qua theo dõi, có một số mặt hàng đã không bị khởi kiện. Điều này cho thấy các DN đã dựa trên thông tin của Cục Phòng vệ thương mại để kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh, đa dạng hóa thị trường, từ đó giảm bớt các nguy cơ.
Bà Nguyễn Yến Ngọc, Trưởng phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại: Khuyến nghị để DN ứng phó tốt hơn rước khi xảy ra vụ việc bị khởi kiện về phòng vệ thương mại, DN cũng phải có sự chuẩn bị bằng cách tìm hiểu quy định pháp luật, thực tiễn điều tra phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu. Đồng thời, theo dõi thông tin cảnh báo sớm để đề ra chiến lược xuất khẩu phù hợp từng giai đoạn; thiết lập kênh thông tin với các đối tác nhập khẩu, hiệp hội, ngành hàng để kịp thời cập nhật, xử lý vụ kiện, tình huống phát sinh. Các DN cũng cần đầu tư nâng cao chuỗi giá trị của sản phẩm, tăng cường sử dụng các nguyên liệu được sản xuất trong nước hoặc từ các nguồn cung cấp không bị nước nhập khẩu áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại; tăng tỷ lệ giá trị gia tăng tạo ra tại Việt Nam. Hệ thống quản lý, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu cần được triển khai rõ ràng, minh bạch; duy trì hệ thống sổ sách kế toán theo chuẩn quốc tế, lưu giữ đầy đủ hóa đơn, chứng từ để chứng minh khi bị điều tra Còn khi đã xảy ra vụ việc, DN cần xây dựng chiến lược xử lý vụ việc thống nhất, xuyên suốt; bố trí nguồn lực xử lý vụ việc, cân nhắc thuê luật sư. Đặc biệt, cần phối hợp đầy đủ, toàn diện, cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài; phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại trong quá trình xử lý vụ việc để được hướng dẫn kịp thời. Nguyễn Hiền (ghi) |
Theo Tạp chí Hải quan