Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, lần đầu tiên tại Việt Nam, Triển lãm Quốc tế Logistics Việt Nam (tên viết tắt VILOG) được tổ chức bởi Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và Công ty VINEXAD.
Trong khuôn khổ triển lãm, Diễn đàn Đào tạo nguồn nhân lực Logistics Việt Nam – Lần thứ III diễn ra ngày 12/08/2023 được tổ chức bởi Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và Viện Nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam (VLI) có sự tham gia của hơn 150 doanh nghiệp ngành Logictics. Diễn đàn với chủ đề “Nâng cao kỹ năng số cho nhân lực ngành logistics – gắn kết hiệu quả với đào tạo”, sẽ là điểm hẹn kết nối giữa các doanh nghiệp và các đơn vị đào tạo trong việc chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và nguồn lực nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành.
Diễn đàn có sự tham dự của đại diện Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA); Hiệp hội Phát triển nhân lực logistisc Việt Nam (VALOMA); đại diện Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID); Chương trình Úc cùng Việt Nam về phát triển nguồn nhân lực Aus4Skills; đại diện các cơ sở đào tạo, cùng nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành logistics và chuỗi cung ứng.
Các chuyên gia, khách mời thảo luận, trao đổi tại Diễn đàn.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) nhấn mạnh vai trò nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics. Tuy nhiên, tỷ lệ nhân lực được đào tạo đáp ứng thực tế vẫn còn hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics, đặc biệt, trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 và sự lan tỏa của công nghệ số, ngành logistics đối mặt với cơ hội và thách thức mới.
Để ứng phó và phát triển trong môi trường kinh doanh ngày càng khốc liệt, việc thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ và trang bị nhân lực với kỹ năng số trở thành yếu tố không thể thiếu, có vai trò quyết định trong việc phát triển chuyên môn trong hiện tại và tương lai.
Ông Lê Duy Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) phát biểu khai mạc
Theo Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam những năm gần đây đạt hoảng 14%-16%, với quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm. Đặc biệt, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, thương mại điện tử và phương thức hậu cần trực tuyến (e-Logistics) đã phát triển mạnh mẽ.
Kết quả khảo sát do Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam thực hiện tháng 7/2023 cho thấy, hơn 86,2% các doanh nghiệp đang trong quá trình thực hiện hoặc chuẩn bị thực hiện chuyển đổi số. Hơn 63% doanh nghiệp cho rằng cần hợp tác với các cơ sở đào tạo để nâng cao kỹ năng số cho bộ phận nhân sự. Các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp để cải thiện tình hình đào tạo và huấn luyện kỹ năng số trong ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng.
Chẳng hạn ứng dụng chuyển đổi số trong giáo dục, tạo sự kết nối mạnh mẽ giữa doanh nghiệp và nhà trường để phát triển chương trình đào tạo phù hợp, và kết hợp việc đào tạo với huấn luyện giảng viên và sinh viên trong việc làm quen với công nghệ số. Đặc biệt, quan tâm đến việc áp dụng chương trình chuẩn quốc tế.
Tại diễn đàn, Bộ tiêu chuẩn nghề và tiêu chuẩn kỹ năng nghề (OS-OSS) đối với vị trí công việc Nhân viên giao nhận hàng nguy hiểm cũng đã được công bố. Tài liệu được xây dựng theo hướng tiếp cận năng lực thực hiện và phù hợp để sử dụng tại doanh nghiệp trong việc đánh giá, đào tạo nâng cao năng lực cho người lao động.
Công bố Bộ tiêu chuẩn nghề (OS) và tiêu chuẩn kỹ năng nghề (OSS) đối với vị trí Nhân viên giao nhận hàng nguy hiểm.
Đồng thời sử dụng tại cơ sở giáo dục trong việc thiết kế, xây dựng chương trình đào tạo. Người lao động có thể dựa vào đó để tự đánh giá cũng như hoàn thiện kỹ năng nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Nguồn: Hiệp hội VLA tổng hợp.