Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam
Vietnam Logistics Business Association

/

/

Logistics trong thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030

Logistics trong thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030

Tại Diễn đàn “Logistics Việt Nam – Chuyển mình phát triển” do VCCI chủ trì phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và các doanh nghiệp liên quan được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày 19/10/2022, ông Phan Văn Chinh – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã có bài trình bày quan trọng “Logistics trong thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030”.

Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu đánh giá, logistics là mắt xích rất quan trọng, giúp kết nối chuỗi xuất khẩu hàng hóa từ sản xuất, tổ chức xuất khẩu, tới thị trường

Cách tiếp cận mới, lấy mục tiêu xuất phát từ việc kết nối chặt chẽ và hiệu quả ba trụ cột “sản xuất, tổ chức xuất khẩu và thị trường” để phát triển dịch vụ logistics trong thời gian tới và coi logistics cùng ba nội dung cốt lõi trong Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 có mối tương hỗ “cộng sinh” với nhau. Với cách tiếp cận như vậy, đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, một trong những cơ quan trực tiếp quản lý ngành dịch vụ logistics, đã đánh giá cao vai trò của ngành dịch vụ logistics nước ta, có sự tiến bộ vượt bậc trong thời gian vừa qua, tham gia có hiệu quả vào quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa đang tăng trưởng mạnh mẽ. 9 tháng đầu năm 2022 kim ngạch XNK của Việt Nam đã đạt 557,93 tỷ USD với xuất siêu 6,77 tỷ USD. Dự kiến sẽ vươn tới khoảng 800 tỷ USD trong năm nay.

Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 nêu rõ mục tiêu “xuất nhập khẩu phát triển bền vững với cơ cấu cân đối, hài hòa, phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu, là động lực của tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững”. Theo đó, về xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 6% – 7%/năm trong thời kỳ 2021 – 2030. Tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 88% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 90% vào năm 2030. Tăng tỷ trọng thị trường xuất khẩu vào châu Âu, châu Mỹ. Về nhập khẩu hàng hóa chủ động điều chỉnh nhịp độ tăng trưởng nhập khẩu, kiểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu. Kiểm soát việc nhập khẩu các loại hàng hóa trong nước sản xuất được, hàng xa xỉ, hàng hóa không thiết yếu. Tăng tỷ trọng nhập khẩu máy móc, thiết bị công nghệ cao phục vụ sản xuất, xuất khẩu.Về định hướng phát triển thị trường, đa dạng hóa thị trường, tận dụng hiệu quả cơ hội từ FTA, đẩy mạnh khai thác các thị trường còn tiềm năng, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu thị trường nhập khẩu.

Trong 6 giải pháp thực hiện Chiến lược có giải pháp “Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cấp cơ sở hạ tầng kho vận, giảm chi phí logistics” và “Thúc đẩy hình thành các cuỗi giá trị xuất khẩu quy mô lớn”.    

Dịch vụ logistics với vai trò hết sức quan trọng, là mắt xích kết nối tất cả chuỗi xuất khẩu hàng hóa từ sản xuất, tổ chức xuất khẩu, tới thị trường. Vì vậy, 7 định hướng phát triển logistics đã được đề ra cụ thể trong việc thực hiện Chiến lược hàng hóa xuất nhập khẩu đến năm 2030 như sau:

Thứ nhất, nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các thị trường. Phát triển các dịch vụ logistics trọn gói, đồng bộ, phấn đấu giảm chi phí logistics để tăng lợi thế cạnh tranh của hàng hóa.

Thứ hai, ưu tiên đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất hạ tầng đồng bộ, tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng logistics gắn với thương mại điện tử theo xu hướng phát triển trên thế giới và khu vực. Phát triển logistics hàng không.

Thứ ba, hỗ trợ xây dựng những tập đoàn mạnh về logistics, đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài và xuất khẩu dịch vụ logistics, tạo định hướng và động lực phát triển thị trường.

Thứ tư, Phát triển các dịch vụ logistics lạnh, kho lạnh, container lạnh để phục vụ hàng nông sản, đặc biệt là hàng nông sản chất lượng cao.

Thứ năm, phát triển thị trường dịch vụ logistics, tập trung vào các thị trường xuất khẩu trọng điểm. tăng cường kết nối các doanh nghiệp trong ngành hợp tác chia sẻ các lợi thế.

Thứ sáu, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực logistics. Tiếp tục mở rộng kết nối hạ tầng logistics với các nước trong khu vực và vươn ra thế giới.

Thứ bảy, phát triển logistics xanh, logistics ngược nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng về phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.

Ngành dịch vụ logistics Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và đặc biệt là các hội viên cần tìm hiểu, nắm vững các định hướng của Chiến lược hàng hóa xuất nhập khẩu đến năm 2030 để đề ra chiến lược hoạt động kinh doanh, đặc biệt là phát triển thị trường cung cấp dịch vụ logistics của mình trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng của nước ta với việc tạo thuận lợi của 14 Hiệp định FTA đang thực hiện, trong đó có các Hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP, và chiến lược “Đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số” của Hiệp hội.

Nguyễn Tương

 

Sự kiện VLA tổ chức

Thông báo quan trọng

Hướng Dẫn Đăng Ký eFBL
Hướng Dẫn Đăng Ký FMC Bond
Tài Liệu Kỹ Năng Soạn Thảo Hợp Đồng Logistics