Các hiệp hội, ngành hàng cần phải xem việc vận động chính sách pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và phải có lực lượng cơ hữu chuyên trách lĩnh vực này…
Đó là một trong những kinh nghiệm được ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ tại hội nghị Tập huấn kỹ năng vận động chính sách và pháp luật trong tạo thuận lợi thương mại xuyên biên giới do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và 4 tỉnh, thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên đã phối hợp tổ chức tại Hải Phòng vừa qua.
Hội nghị được tổ chức với mục đích lắng nghe, tiếp thu tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh liên kết vùng, tăng cường phối hợp khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của các tỉnh trong việc xây dựng cơ chế, chính sách pháp luật nhằm thúc đẩy thương mại xuyên biên giới trong khuôn khổ Thỏa thuận Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông giữa Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI và 4 tỉnh.
Chủ trì hội nghị, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tich VCCI cho biết, VCCI với vai trò là tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, đã có nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy các sáng kiến tạo thuận lợi thương mại. Trong nhiều năm qua, VCCI đã chủ động tập hợp ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp để góp ý các dự thảo luật, nghị định, thông tư, và phản biện các chính sách liên quan đến thương mại quốc tế nói riêng và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói chung.
VCCI cũng phối hợp với Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan (Bộ Tài Chính) tổ chức các diễn đàn đối thoại thuế – hải quan thường niên ở cả cấp trung ương và địa phương nhằm thông tin, tuyên truyền về các chính sách mới trong lĩnh vực thuế, hải quan; giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, cũng như tăng cường quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp với các cơ quan thuế, hải quan. Kể từ năm 2011 tới nay, VCCI cũng phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan trong việc tiến hành khảo sát định kỳ về mức độ hài lòng của doanh nghiệp với các thủ tục hành chính xuất nhập khẩu.
Những hoạt động kể trên đã giúp VCCI nắm bắt được những ý kiến và nhìn nhận thực tế của cộng đồng doanh nghiệp về hoạt động tạo thuận lợi thương mại trong thời gian qua. Cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận những nỗ lực của các cơ quan chức năng và những chuyển biến tích cực trong hoạt động tạo thuận lợi thương mại.
Tuy vậy, không gian cải thiện vẫn rất lớn, đặc biệt trong khía cạnh cung cấp thông tin, giải đáp các khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp cũng như tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp trong hoạt động xây dựng chính sách pháp luật, phó chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI phát biểu khai mạc
Tại Hội nghị, nhiều chuyên gia, diễn giả từ Bộ Công Thương, Trung tâm WTO và Hội nhập, Dự án tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ (USAID TFP), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)…đã phân tích đánh giá các nội dung thỏa thuận khi tham gia WTO, các Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết, tham gia với các quy định pháp luật hiện hành trong giao thương quốc tế; tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn về những điểm mới trong chính sách và pháp luật trong hoạt động thương mại xuyên biên giới; trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm thu hút sự tham gia, hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp trong việc vận động, xây dựng và áp dụng cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa xuyên biên giới.
Đặc biệt, tại hội nghị, các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, kỹ năng vận động chính sách pháp luật trong tạo thuận lợi thương mại.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, VASEP đã thành lập được 25 năm, hiện có 295 doanh nghiệp thành viên. Ngành này gắn với sản xuất theo chuỗi nên “va chạm” với cả chuỗi cung ứng là điều khó tránh khỏi. Liên quan đến hoạt động vận động chính sách, trong khi nhiều hiệp hội vẫn còn lúng túng thì VASEP lại làm rất tốt.
Ông Nam cho biết, VASEP có 33 người làm việc tại văn phòng hiệp hội, chia ra làm 6 nhóm công việc thường xuyên để hỗ trợ ban chấp hành hiệp hội và ngành, trong đó, hoạt động vận động chính sách được ưu tiên số một.
Hiệp hội bố trí lực lượng cơ hữu chuyên làm về vận động chính sách. Lực lượng này quan hệ và hợp tác tốt, thường xuyên với các cơ quan quản lý nhà nước. Hiệp hội lôi kéo được các hội viên tham gia tích cực và thường xuyên, theo ông Nam, đây là yếu tố nền tảng vì cần phải có nhiều doanh nghiệp tham gia thường xuyên mới tạo được sức mạnh tổng thể và thuyết phục hơn.
Đặc biệt, VASEP thường chủ động nhận diện và tham gia sớm ở các vấn đề chính sách ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp thủy sản từ phản ánh của doanh nghiệp hội viên và các hoạt động thường xuyên của bộ phận vận động chính sách của văn phòng Hiệp hội. Hiệp hội thường tổ chức lấy ý kiến của các doanh nghiệp hội viên qua nhiều kênh như email, fax, điện thoại, nhóm zalo/viber.
Nghiên cứu văn bản quy định pháp lý liên quan trong và ngoài nước. Xây dựng văn bản kiến nghị hoặc góp ý, có số liệu cụ thể, lượng hóa, phân tích tác động kinh tế ngành xã hội rõ ràng, có cơ sở pháp lý vững chắc. Hiệp hội sẽ cập nhật kịp thời các văn bản chính sách cho hội viên qua các kênh. Đồng thời, truyền thông tích cực và có định hướng trên portal vasep.com.vn, bản tin thương mại thủy sản…
Phối hợp các đối tác chung mối quan tâm như Bộ Công Thương, các hiệp hội ngành hàng… VASEP phát triển quan hệ với các bên liên quan như các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, các cơ quan truyền thông, các hiệp hội ngành hàng, mạng lưới vận động chính sách từ doanh nghiệp, bộ phận chuyên trách vận động chính sách. Tất cả các vấn đề vận động chính sách phải được theo đuổi (follow up) và đều được ghi nốt lại, đặc biệt là những nghị định hóc búa.
Hiệp hội Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cũng là Hiệp hội làm khá tốt công tác vận động chính sách. Tại hội nghị, ông Nguyễn Tương, cố vấn cấp cao của VLA chia sẻ về phương châm vận động chính sách và thực thi pháp luật của hiệp hội chính là độc lập, khách quan, vô tư, kiên trì, vận dụng kinh nghiệm và cách làm của các Hiệp hội logistics quốc tế.
Để đạt được hiệu quả tốt trong vận động chính sách và tạo thuận lợi thương mại, ông Tương cũng cho rằng phải xác định rõ phản biện xã hội hay vận động chính sách chính là một trong những nhiệm vụ chủ yếu của Hiệp hội. Cần phải căn cứ vào quy định của pháp luật liên quan và yêu cầu nghiệp vụ của hội viên để vận động chính sách.
Trong công tác vận động chính sách phải phản ánh các ý kiến, yêu cầu và nguyện vọng chính đáng của hội viên, vì mục đích chung, khi có nhiều ý kiến khác nhau, nên khách quan chọn ý kiến phù hợp. VLA đã thành lập ban pháp lý gồm 4 chuyên gia, luật sư hàng đầu trong ngành dịch vụ logistics, vận tải, có nhiệm vụ tư vấn cho ban chấp hành về công tác vận động chính sách. Chủ động phối hợp hành động với các hiệp hội ngành hàng có liên quan. Phối hợp chặt chẽ, trực tiếp với truyền thông để tuyên truyền cho công tác vận động chính sách của Hiệp hội.
Ông Nguyễn Tương, cố vấn cấp cao của VLA nhấn mạnh, thời gian qua, báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã luôn sát cánh đồng hành hiệu quả cùng VLA trong vận động chính sách, tạo thuận lợi thương mại
Thời gian qua, VLA đã chủ động đầu tầu, tập trung được 5 hiệp hội ngành nghề có tiếng nói chung, liên quan đến kinh doanh dịch vụ logistics đường thủy nội địa kiên trì phản biện chính sách quy định về việc thu phí hạ tầng cảng biển của TP Hồ Chí Minh và TP Hải Phòng.
VLA đã tham gia hoạt động của ủy ban 1899; đóng góp vào việc vận động Bộ Công Thương được chính phủ giao nhiệm vụ là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động ngành logistics từ 1/12/2022; Tham gia ý kiến về luật hải quan liên quan đến đại lý hải quan, thủ tục hải quan….
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn