Các hiệp hội doanh nghiệp trong đó có VLA liên quan đường thủy nội địa vừa có đề xuất không thu phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển đối với hàng hóa vận tải bằng phương tiện thủy sử dụng đường thủy nội địa.
Kiến nghị này được đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, Hiệp hội Đại lý môi giới và dịch vụ hàng hải Việt Nam, Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam, Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam gửi đến HĐND TP.HCM, UBND TP.HCM và Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội.
Lý giải, các hiệp hội này cho rằng, vận tải đường thủy sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, gồm: đường thủy nội địa, hành lang bảo vệ luồng, khu neo đậu ngoài cảng, kè, đập giao thông và các công trình phụ trợ khác về giao thông thủy (do Bộ GT-VT quản lý). Trong khi đó, phương tiện vận tải bằng đường thủy không sử dụng kết cấu hạ tầng công cộng, công trình dịch vụ trong khu vực cửa khẩu cảng biển, không gây ùn tắc giao thông (do địa phương quản lý), phương tiện thủy nội địa thường nhỏ, mớn nước thấp chỉ từ 3 – 6,5 m sử dụng tuyến luồng tự nhiên.
Ngoài ra, các doanh nghiệp vận tải cho biết, hiện các phương tiện vận tải bằng đường thủy khi làm hàng tại các cảng biển đều phải nộp phí, lệ phí hàng hải cho Cảng vụ và giá dịch vụ cầu cảng cho các doanh nghiệp kinh doanh cảng biển. Theo thống kê 5 năm trở lại đây, chi phí công dành cho phát triển đường thủy chỉ bằng một phần rất nhỏ so với đường bộ. Đường thủy nội địa chủ yếu sử dụng tuyến luồng, kênh rạch mang tính tự nhiên hiện hữu.
Từ đó, các hiệp hội doanh nghiệp cho rằng: Mục đích của việc thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP.HCM (gọi tắt là phí hạ tầng cảng biển) là tạo nguồn thu nhằm phục vụ cho việc hoàn thiện hạ tầng của địa phương kết nối các cảng biển, giảm ùn tắc giao thông, tai nạn mà vận tải thủy nội địa không những không liên quan, còn góp phần làm giảm áp lực cho hạ tầng đường bộ, giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông trên các tuyến đường bộ của địa phương kết nối đến cảng biển.
“Việc thu phí hạ tầng cảng biển (phí công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển) tại khu vực cảng biển TP.HCM đối với hàng hóa được vận tải bằng phương tiện thủy nội địa sử dụng các tuyến đường đường thủy xét thấy là chưa đúng đối tượng, làm tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp vận tải đường thủy”, đơn kiến nghị nhấn mạnh và cho biết, việc thu phí “cào bằng” cho các phương tiện vận tải đường thủy liên quan TP.HCM sẽ tăng chi phí logistics, tiếp tục làm giảm sự cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam nói chung và hàng hóa của TP.HCM nói riêng trên thị trường quốc tế, các doanh nghiệp kinh doanh khai thác cảng sẽ mất nguồn thu từ dịch vụ logistics, dịch vụ xếp dỡ. Hơn nữa, lưu lượng vận chuyển hàng hóa bằng container bằng đường thủy chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với số lượng container thông qua cảng biển tại TP.HCM hiện nay.
Theo thông báo của UBND TP.HCM số 21/TB-UBND ngày 15.2.2022, từ ngày 16.2 – 15.3, TP.HCM vận hành thử nghiệm hệ thống thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển (phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển). Chính thức thu phí từ ngày 1.4 tới. Mức thu cụ thể như sau:
Đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu mở tờ khai ngoài TP.HCM, thu 500.000 đồng/container 20 feet và 1 triệu đồng đối với container 40 feet; 30.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.
Đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu mở tờ khai tại TP.HCM, thu 250.000 đồng/container 20 feet và 500.000 đồng đối với container 40 feet; 15.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.
Đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, thu 50.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container; 4,4 triệu đồng/container 40 feet và 2,2 triệu đồng/container 20 feet.
Nguồn: Báo Thanh Niên online