Ngày 6/4/2018, Ban Dịch vụ logistics và Tiểu Ban công nghệ thông tin thuộc Ban Vận tải, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) tổ chức hội thảo “ Số hóa trong vận tải và logistics : Từ xu hướng đến thực tiễn “ tại khách sạn Kim Đô, 133 Nguyễn Huệ, Q1, Tp. Hồ Chí Minh. Tham gia hội thảo có khoảng 150 đại biểu đến từ các Doanh nghiệp hội viên VLA, các công ty trong ngành vận tải và logistics và các công ty cung cấp giải pháp công nghệ và phần mềm.
Trong phần “Xu hướng“, các diễn giả John Slattery đến từ công ty Yojee, cô Lynn Hoàng đến từ Infinity Lab đã giới thiệu tới các đại biểu những xu hướng cập nhật nhất đang được áp dụng vào dịch vụ vận tải và logistics ở các nước tiên tiến như công nghệ blockchain , AI,… nhằm rút ngắn thời gian vận hành, tiết kiệm chi phí và nâng cao năng suất hoạt động cho các doanh nghiệp. Ông John nhất mạnh về việc áp dụng công nghệ thông tin đột phá vào ngành, thay đổi những phương thức vận hành truyền thống đã giúp doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh hơn hẳn do đạt được độ chính xác, tin cậy cao, tính minh bạch và an toàn trong giao dịch, thanh toán và chứng từ.
Một thực tế là ngành logistis đã thay đổi rất nhanh, khác xa với những gì mà mọi người vẫn hình dung về nó như vận tải đường biển, đường sắt, đường bộ, freight forwarding hay kho bãi, bến cảng… Logistics ngày nay đang gắn liền với tốc độ phát triển của dòng hàng hóa tiêu dùng luân chuyển nhanh, với thương mại điện tử toàn cầu. Trước những thay đổi đó, doanh nghiệp logistics Việt Nam đã chuẩn bị thích ứng như thế nào? Theo một survey của VLA, tuy với số lượng người trả lời không lớn, cũng đã định dạng được những vấn đề như doanh nghiệp logistics Việt còn ít đầu tư vào công nghệ thông tin. Lý do thì có rất nhiều như nhận thức của chủ doanh nghiệp, sự hạn chế về tài chính và năng lực của đội ngũ nhân viên.
Nhận thức được thực tế cần áp dụng công nghệ thông tin để nâng cao sức cạnh tranh cho các Doanh nghiệp hội viên VLA, cho ngành logistics Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam đã có sáng kiến về việc Lệnh giao hàng điện tử (eD/O). Sáng kiến này nếu được thực hiện thành công sẽ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp theo bài trình bày chi tiết của công ty Thái Sơn Soft, công ty công nghệ thông tin được VLA lựa chọn để thực hiện sáng kiến này. Sáng kiến của VLA được đưa ra phù hợp và bắt kịp với trào lưu của thế giới, khi ngày 29/3 mới đây, FIATA cũng bắt đầu việc thí điểm e-FBL với 5 hội viên quốc gia tham gia trong đó VLA.
Phần “ Thực tiễn “ của hội thảo, ngoài bài trình bày của ông Trần Duy Khiêm đến từ công ty Smartlog với quan điểm công ty công nghệ thông tin Việt Nam hoàn toàn có thể cung cấp các gói phần mềm giải pháp phù hợp với nhu cầu và năng lực tài chính của các doanh nghiệp SMEs trong ngành vận tải và logistics Việt Nam, phiên thảo luận của các đại diện đến từ công ty Vinafco, công ty Interlogs , Công ty Tân cảng Sài Gòn và công ty T & M Fowarding cũng đã cung cấp cho các đại biểu nhiều kinh nghiệm thực tiễn của việc áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam. Sự có mặt của các loại hình doanh nghiệp khác nhau trong phiên thảo luận đã thực sự mang lại cho người tham dự một cái nhìn toàn cảnh.