Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam
Vietnam Logistics Business Association

/

/

Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics đề xuất hợp tác chặt chẽ với Hải quan

Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics đề xuất hợp tác chặt chẽ với Hải quan

Tại Diễn đàn Hải quan – Doanh nghiệp 2024, ông Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) nhấn mạnh, sự hợp tác giữa cơ quan Hải quan và cộng đồng doanh nghiệp đã tạo nên nền tảng niềm tin vững chắc, góp phần cải thiện đáng kể thời gian thông quan hàng hóa.

Ông Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) tham gia phiên thảo luận tại Diễn đàn

Hợp tác chặt chẽ cùng phát triển

Theo ông Trần Tiến Dũng, trong 10 năm qua, kết quả hợp tác giữa Tổng cục Hải quan và các doanh nghiệp đã thể hiện rõ qua những con số. Sự thay đổi từ nhận thức và cách ứng xử, từ đối tượng quản lý sang đối tác hợp tác, đã giúp chia sẻ trách nhiệm trong quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu và thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia.

Việt Nam là quốc gia có độ mở nền kinh tế lớn, kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt trên 700 tỷ đô la Mỹ, cùng với vị trí địa lý chiến lược và nền kinh tế đang trên đà phát triển, việc xây dựng và phát triển hệ thống logistics hiện đại, hiệu quả là một trong những yếu tố then chốt để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ.

Theo VLA, cơ quan Hải quan không chỉ đóng vai trò then chốt trong việc quản lý, giám sát hoạt động xuất nhập khẩu, mà còn là cầu nối quan trọng giúp doanh nghiệp logistics vượt qua các rào cản thương mại, thúc đẩy sự lưu thông hàng hóa một cách thuận lợi và hiệu quả.

Việc phát triển hợp tác giữa VLA và cơ quan Hải quan trong suốt thời gian qua đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực không chỉ cho doanh nghiệp mà còn tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa Việt Nam nhanh chóng tiếp cận thị trường quốc tế. Hơn nữa, sự phối hợp chặt chẽ này còn góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư và đối tác quốc tế, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

“Sản lượng container qua cảng, từ mức hơn 10 triệu TEU năm 2014, dự kiến sẽ đạt 21-22 triệu TEU vào năm 2024, đây là con số tăng trưởng ấn tượng. Để đạt được sự thành công này có sự chung tay giữa Tổng cục Hải quan và cộng đồng doanh nghiệp trong chương trình phát triển quan hệ đối tác hải quan – doanh nghiệp.

Ông Trần Tiến Dũng cũng dự báo nhu cầu thị trường sẽ tăng trưởng nhanh hơn trong thời gian tới, nhờ vào sự quyết tâm của Đảng và Chính phủ trong việc phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển và cụm, khu công nghiệp để thu hút đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, Việt Nam đang có lợi thế lớn để trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc tế. Tuy nhiên, thách thức lớn là làm thế nào để tận dụng hết các cơ hội đó.

Trong 10 năm qua, sản lượng qua cảng, kim ngạch xuất nhập khẩu và thu hút FDI đều tăng gần gấp đôi, với một số chỉ tiêu thậm chí tăng hơn gấp đôi. Dự kiến, đến năm 2030, nhiều tiêu chí có thể tiếp tục tăng gấp đôi, đòi hỏi các cơ quan quản lý, đặc biệt là Tổng cục Hải quan phải nỗ lực chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông minh để quản lý khối lượng công việc khổng lồ.

“Kết quả triển khai quan hệ đối tác hải quan – doanh nghiệp đã tạo ra nền tảng niềm tin vững chắc, củng cố và thúc đẩy mối quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp. Với những giải pháp mà Tổng cục Hải quan đưa ra, cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp, mục tiêu phát triển sẽ được đạt cao hơn, xa hơn”, đại diện VLA bày tỏ.

Tiếp tục đổi mới, nâng hiệu quả hoạt động logistics

Tuy nhiên, đại diện VLA cũng chỉ ra rằng áp lực cạnh tranh ngày càng lớn đòi hỏi các ngành, các cấp, bao gồm cả VLA, phải tìm giải pháp cải thiện dịch vụ và giảm chi phí logistics. Việt Nam cần phát huy vận tải đa phương thức, kết hợp vận tải thủy nội địa và đường bộ để giảm chi phí cho doanh nghiệp. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp miền Trung và miền Bắc vẫn phụ thuộc vào vận tải đường bộ, dẫn đến chi phí vận tải cao và gặp nhiều khó khăn.

VLA đã có kế hoạch cụ thể để làm việc với nhiều doanh nghiệp, nhằm phát triển mạnh mẽ hơn hệ thống vận tải thủy nội địa và đường sắt, bổ sung các phương thức vận tải có chi phí thấp và phát thải thấp, góp phần giảm chi phí logistics cho cộng đồng doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, đại diện VLA cũng kiến nghị cơ quan Hải quan và doanh nghiệp tiếp tục tăng cường hợp tác trong việc thiết lập các đầu mối liên lạc để tiếp nhận và giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp và hiệp hội. Xây dựng đầu mối cập nhật các văn bản mới về thủ tục hải quan để thông qua VLA, giúp nhanh chóng phổ biến thông tin chính xác đến cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Đồng thời tiếp tục phối hợp tổ chức giới thiệu, hướng dẫn các quy định pháp luật về hải quan liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics và đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn bản pháp luật.

Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp giữa Tổng cục Hải quan và VLA để trao đổi, nghiên cứu các khả năng tối ưu hóa và tích hợp các phần mềm quản lý hải quan với các hệ thống, nền tảng phổ biến trong hoạt động logistics, thương mại điện tử, quản lý vận đơn điện tử. Hỗ trợ và thúc đẩy chuyển đổi số của doanh nghiệp và các bên có liên quan để đảm bảo sự đồng bộ với quá trình chuyển đổi số của ngành Hải quan…

Theo đại diện VLA, việc tăng cường hợp tác và ứng dụng công nghệ thông tin, cùng với nâng cao năng lực dịch vụ, sẽ giúp củng cố niềm tin và mối quan hệ đối tác giữa Tổng cục Hải quan và cộng đồng doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành logistics và nền kinh tế Việt Nam.

Theo Tạp chí Hải quan

Sự kiện VLA tổ chức

Thông báo quan trọng

Hướng Dẫn Đăng Ký eFBL
Hướng Dẫn Đăng Ký FMC Bond
Tài Liệu Kỹ Năng Soạn Thảo Hợp Đồng Logistics