Trong ngày 18/6, Hội nghị đánh giá kết quả hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về phất triển bền vững đồng bằng sông cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu đã diễn ra tại TP.HCM. Sau hội nghị, nhiều chuyên gia vẫn mong muốn được đóng góp thêm nhiều ý kiến tâm huyết hơn nữa, sát với thực tế của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long đang phải hứng chịu tác động gay gắt của biến đổi khí hậu. Để rộng đường dư luận và tôn trọng ý kiến đa chiều, VLA xin trân trọng giới thiệu bài viết của GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân [1]
Tóm tắt
Nghị quyết 120/NQ-CP ban hành ngày 17.11.2017 là một cột mốc dánh dấu sự đổi mới tư duy phát triển đối với đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), từ mô hình tăng trưởng kinh tế đến sử dụng tài nguyên tôn trọng quy luật, từ tư duy sản xuất nông nghiệp đến làm kinh tế nông nghiệp, từ quan tâm thuần túy tăng trưởng kinh tế đến giải quyết hài hòa tăng trưởng kinh tế, công bằng và tiến bộ xã hội, và bảo vệ môi trường, từ hành động riêng lẻ đến tác động có phối hợp vì lợi ích tổng thể … Đánh giá kết quả hai năm thực hiện Nghị quyết, bên cạnh các con số, là dịp để nhìn lại sự chuyển biến về chiều sâu trong các vấn đề cơ bản trên đây.
- Tôi hân hạnh được mời tham dự Hội nghị của Chính phủ “Đánh giá kết quả hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120”. Tôi đã dự cả ngày, buổi sáng chuyên đề và buổi chiều khoáng đại do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chủ trì.
Với tất cả sự trân trọng đối với Hội nghị, tôi đã viết bài “Đồng bằng sông Cửu Long, 44 năm chuyển đổi kinh tế, xã hội và môi trường. Triển khai Nghị quyết 120” và đã gửi các câu hỏi tại các cuộc họp chuyên đề thông qua Ban tổ chức. Tôi chờ đợi ở Hội nghị những yếu tố giải đáp cho những vấn đề mình quan tâm.
Năm Bộ trưởng lần lượt đăng đàn. Sự chú ý lắng nghe của tôi rất kiệt sức vì phải lắng nghe, chắt lọc từ những phát biểu rất dài, thông tin về những kết quả đã đạt được sau hai năm, những bài học đã rút ra từ những dự án lớn trong thời gian qua để sắp tới đầu tư công có hiệu quả hơn, cơ sở khoa học của những chủ trương chiến lược sắp tới, và sự phối hợp không thể thiếu giữa các Bộ trong triển khai Nghị quyết 120.
- Mệt nhưng phải lắng nghe vì không thể năm 2016, Bộ chỉ đạo đưa thêm lúa Thu Đông vào quy hoạch (mặc dù các nhà khoa học đã chỉ ra rằng lợi bất cập hại) để rồi giờ đây Bộ lại chỉ đạo kiên quyết “xoay trục chiến lược” mà không chỉ ra tại sao, ở đâu, làm gì, với những điều kiện gì! Thú thật, tôi chưa tìm thấy câu trả lời.
Tại nhiều hội nghị do Chính phủ chủ trì từ năm 2016 đến nay, tôi đã cảnh báo tình trạng trong bộ máy hành chính nhà nước của chúng ta “thừa chồng chéo, thiếu phối hợp” với những hậu quả tai hại nhiều chiều hiển nhiên mà ai cũng thấy.
Tôi đã lắng nghe trong các cuộc họp chuyên đề và khoáng đại xem tình trạng này được khắc phục ra sao giữa Bộ TNvMT và Bộ NNvPTNT về tài nguyên nước, tài nguyên đất và thủy lợi, quy hoạch nông nghiệp; giữa Bộ TNvMT với Bộ Xây dựng về khai thác tài nguyên nước ngầm, sụt lún đất, khai thác cát và xây dựng; giữa Bộ GTVT và Bộ NNvPTNT về giao thông thủy (mà Bộ GTVT cho rằng là một thế mạnh của đồng bằng) và hệ thống các cống rất nhiều (đặc biệt ở Tây Nam sông Hậu) đang gây trở ngại giao thông thủy.
Qua những gì được nghe, sáng và chiều, có lẽ còn phải có thời gian (vấn đề là bao lâu) để tiếp cận tổng hợp và tổng thể thấm sâu vào tiềm thức rồi trở thành phản xạ trong hành động của các Bộ ngành.
- Tôi chú ý lắng nghe phát biểu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mà hai nhiệm vụ NQ 120 giao là “xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thích ứng với biến đổi khí hậutrình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trước Quý III.2020”, và rà soát, đánh giá cơ chế thí điểm điều phối vùng.
Bộ cho biết “Bộ đã lựa chọn Liên danh tư vấn nước ngoài để tổ chức lập Quy hoạch vùng ĐSBCL giai đoạn 2021 – 2030 tầm nhìn 2050 theo phương pháp tích hợp đa ngành theo quy định của Luật Quy hoạch.
Quy hoạch vùng ĐBSCL mới sẽ tạo ra một khung chiến lược toàn diện cho vùng ĐBSCL, làm cơ sở để triển khai các chương trình, dự án đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng sản xuất cũng như việc khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trên cơ sở phát huy những tiềm năng, lợi thế của vùng ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu (BĐKH), xâm nhập mặn để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững”.
Mặt khác, Bộ cũng đã “phối hợp với Ngân hàng Thế giới và các chuyên gia của Tổ chức này để hoàn thiện cơ chế điều phối vùng ĐBSCL”.
Nếu quả thật được như vậy thì đây sẽ là một cú hích để ĐBSCL phát triển bền vững. Tuy nhiên, tôi tự hỏi Bộ KHvĐT có quá trông chờ vào bên ngoài không. Tôi không rõ trên thế giới đã có một quy hoạch tổng thể nào, ở quốc gia nào, mầu nhiệm như Bộ hứa cho ĐBSCL không. Nhưng tôi cho rằng sự phối hợp giữa các Bộ ngành với nhau, giữa Trung ương và địa phương, giữa các địa phương với nhau tốt hơn; thể chế, cơ chế phối hợp thông suốt hơn; chúng ta có phương pháp luận để xây dựng quy hoạch là những điều kiện cần để đi đến quy hoạch tổng thể mà Bộ mô tả.
- Nhìn lại quá trình 44 năm chuyển biến về kinh tế, xã hội và môi trường ở ĐBSCL tôi cho rằng hạ tầng cơ sở giao thông vận tải yếu kém là một điểm nghẽn chính trong phát triển của đồng bằng. Trong báo cáo của Bộ trưởng Bộ GTVT dài 7 trang, 5 lần Bộ trưởng nói đến nguồn lực (tài chính) giới hạn, có khó khăn, 6 lần Bộ trưởng cho rằng phải bổ sung, huy động cho nguồn lực này.
Nguồn lực hạn chế, sử dụng càng phải có hiệu quả. Tôi lắng nghe chương trình sắp tới của Bộ: Tiếp tục giai đoạn hoàn chỉnh luồng sông Hậu qua Kênh Quan Chánh Bố (không nói rõ khi nào xong, tổng vốn đâu tư bao nhiêu), không đả động gì tới luồng hàng hải tự nhiên Định An, nghiên cứu đề xuất xây dựng cảng biển Trần Đề cho tàu 100.000 tấn, xây dựng đường cao tốc Trần Đề – Châu Đốc kết nối đến tận Phnom Penh để đón nhận hàng xuất khẩu của ĐBSCL và của Campuchia qua cảng biển Trần Đề, … Tôi không rõ Campuchia có lợi gì khi xuất qua cảng biển Trần Đề khi mà họ đang xây dựng cảng biển Sihanoukville cách Phnom Penh khoảng 264 km, có đường bộ và đường sắt song hành do Trung Quốc hỗ trợ. Tôi rất muốn biết lô-gíc của tính toán logistic của Bộ GTVT về cảng biển Trần Đề!
- ĐBSCL và Thành phố Hồ Chí Minh là hai đối tác mà mỗi bên sẽ không còn là chính mình nếu không có đối tác kia. Tôi đã lắng nghe Bí thư Thành ủy phát biểu về sự gắn kết máu thịt này. Trong cuộc họp chuyên đề buổi sáng, tôi đã lưu ý đồng chí về một nguy cơ tiềm ẩn đối với đồng bằng, xuất phát từ Dự án khu đô thị du lịch biển Cần Giờ. Dự án này dự kiến, nếu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ khai thác khoảng 90 triệu mét khối cát từ ĐBSCL trong hai năm cho nhu cầu san lấp của dự án (122 triệu tấn). Vì ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ bị xâm thực bờ biển và lún chìm vì cán cân trầm tích âm trên sông Tiền, sông Hậu, trong cuộc họp chuyên đề buổi sáng tôi đã kiến nghị Thành phố Hồ Chí Minh và Bộ TNvMT cần xem xét lại Dự án này, đánh giá đầy đủ các tác động của nó đến ĐBSCL.
- Không có con đường đi lên nào suôn sẻ, chỉ có thuận lợi mà không có khó khăn thách thức. Trong Hội nghị, hơn một lần tôi nhớ đến hai sự chỉ đạo mà tôi đã nhận được khi làm Chủ nhiệm Chương trình khoa học cấp nhà nước Điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long, và giờ này, tại đây, tôi thấy vẫn còn nguyên giá trị.
“ĐBSCL là một vùng đất đầy tiềm năng nhưng là một châu thổ trẻ, rất mẫn cảm với mọi tác động lên nó. Cần phải theo dõi đồng bằng một cách khách quan và khoa học. Chương trình cần xem xét cơ sở khoa học của các quyết định khai thác ĐBSCL”. Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp luôn căn dặn Ban Chủ nhiệm Chương trình như thế.
Với tầm nhìn chiến lược của Đại tướng, tôi hiểu rằng các tác động lên đồng bằng là các tác động tại chỗ và từ xa, từ thượng nguồn và từ biển, cần được tiếp cận theo quan điểm hệ thống và động. Có nghĩa là hậu quả của các tác động cần được đánh giá toàn diện (tự nhiên, kinh tế, xã hội), trong không gian và theo thời gian.
“Chương trình điều tra các mảng địa chất, thổ nhưỡng, thủy văn, sinh vật, … nhưng phải nói cho được trên mỗi vùng đất của đồng bằng, chúng ta có thể khai thác như thế nào, với những điều kiện gì. Chương trình phải gắn với các tỉnh. Nghiệm thu tại cơ sở, được kiểm nghiệm trên hiện trường, kết quả sẽ trực tiếp đi vào cuộc sống”.
Tôi hiểu qua lời căn dặn của Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt rằng công tác tổng hợp các yếu tố tự nhiên, kinh tế, xã hội là cần thiết để “hiểu” được thực tế. Mọi quyết định khai thác đồng bằng luôn có hai mặt, Chương trình phải chỉ ra các điều kiện gì để mặt thuận hơn hẳn mặt nghịch, tổng hợp trên cả ba mặt kinh tế, xã hội và môi trường, trước mắt và lâu dài, để lãnh đạo có cơ sở cân nhắc, quyết định.
Thật là may mắn cho Chương trình đã nhận được hai ý kiến chỉ đạo ở hai đầu của lộ trình đi từ điều tra nghiên cứu khoa học đến phục vụ sản xuất và đời sống, cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Xin được chia sẻ với các Bộ ngành, các địa phương và với những ai quan tâm đến sự phát triển bền vững vùng đất này của Tổ quốc.
Chú thích:
[1] Giáo sư Tiến sĩ khoa học, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Kỹ thuật nhà nước (1980-1992), Chủ nhiệm Chương trình khoa học nhà nước Điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long (1983-1990), Đại biểu Quốc hội các khóa IX, X, XI, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội (1997-2007).
Nguồn: Báo Đất Việt