Lợi thế khai thác vượt trội làm nên sự khác biệt
Nằm trong Khu phi thuế quan và Khu công nghiệp Nam Đình Vũ – đầu mối vận tải hàng hóa thương mại quốc tế và nội địa quan trọng bậc nhất của toàn miền Bắc, ngay cửa sông Bạch Đằng lịch sử với mớn nước sâu và vũng quay tàu rộng, Cảng Nam Đình Vũ là cửa ngõ thông ra biển gần nhất so với các cảng khác tại khu vực Hải Phòng, nằm trên cùng trục giao thông – liên thông với cảng Nam Hải Đình Vũ (cách 3,0 km), Nam Hải ICD (cách 3,5 km) và cảng Nam Hải (cách 10 km).
Vào ngày 19/9/2016, tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư 2016 của thành phố Hải Phòng, dự án Cảng container Nam Đình Vũ là một trong số ít những dự án đầu tư hạ tầng nổi bật thuộc quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển của Chính phủ được ký kết và cam kết triển khai dưới sự chứng kiến của Thủ tướng. Khi hoàn thành, dự án sẽ là bước đệm quan trọng thúc đẩy sự phát triển đột phá của toàn Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải cũng như thành phố cảng sầm uất của cả nước. Đây cũng sẽ là điểm đón đầu những cơ hội mới được mở ra từ cánh cửa hội nhập thế giới và khu vực thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Cảng Nam Đình Vũ không chỉ nổi bật với vị trí đắc địa nhất, quy mô lớn nhất mà còn bởi năng lực tiếp nhận được tàu lớn nhất khu vực Đình Vũ – cỡ tàu lên đến 40.000 DWT. Khi đi vào khai thác, toàn bộ dự án sẽ có quy mô 7 bến cảng container trên tổng diện tích hơn 65 ha, chiều dài cầu tàu 1,5 km, tổng vốn đầu tư lên đến 6.000 tỷ đồng, công suất gần 2 triệu TEUs và 3 triệu tấn.
Thực hiện đúng như cam kết với Chính phủ, ngày 9/11/2016, Gemadept đã tổ chức lễ khởi công xây dựng Cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 1. Giai đoạn 1 có quy mô 20 ha gồm 2 cầu tàu (dài 440 m) và vốn đầu tư gần 1.700 tỷ đồng. Trang thiết bị được chú trọng đầu tư mới và hiện đại gồm 6RTG và 4QC tầm với 15 hàng container thuộc loại lớn nhất khu vực cùng phần mềm Catos hiện đại giúp quản lý và điều hành khai thác cảng chính xác theo thời gian thực.
Cảng Nam Đình Vũ với mớn nước sâu và khu quay trở rộng, vị trí chiến lược là cửa ngõ ra biển Đông có thể tiếp nhận tàu container với trọng tải 40.000 DWT hoạt động trên các tuyến vận tải biển xa, bảo đảm sản lượng hàng hóa thông qua cảng giai đoạn này đạt khoảng 500.000 TEUs mỗi năm.
Như vậy, với tinh thần làm việc chuyên nghiệp, năng lực tài chính vững mạnh, chỉ sau hơn một năm, Cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 1 đã chính thức được khai trương sau 3 tháng kể từ ngày đón chuyến tàu đầu tiên.
Phát biểu tại buổi lễ khai trương, ông Đỗ Văn Minh, Tổng giám đốc Gemadept cho biết: “Không dừng lại với những thành quả đã đạt được, Gemadept sẽ tiếp tục khởi công giai đoạn 2 (với công suất tương đương giai đoạn 1) của dự án Cảng Nam Đình Vũ trong quý III/2018 để đưa vào khai thác từ đầu năm 2020. Song song với đó, tại cửa ngõ phía Nam, Gemadept sẽ tái khởi động đại dự án Cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam là Gemalink ở Cái Mép, Bà Rịa – Vũng Tàu. Theo đó, Gemadept sẽ sở hữu và khai thác chuỗi 7 cảng thuộc 5 tỉnh, thành phố ở cả 3 miền và trở thành doanh nghiệp niêm yết duy nhất có chuỗi cảng biển hoàn chỉnh dọc theo bờ biển đất nước; phấn đấu từ năm 2020 sẽ khai thác hơn 4,5 km cầu cảng với tổng sản lượng 5,8 triệu TEUs và 4 triệu tấn hàng rời”.
Dự án cảng biển chiến lược và ý nghĩa mang tầm khu vực
Cảng Nam Đình Vũ là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cảng biển của Gemadept trải dọc từ Bắc tới Nam, tại các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước. Đây là cảng thứ 6 của Gemadept đã đi vào khai thác bên cạnh Cảng Phước Long tại TP.HCM, Cảng Bình Dương tại Bình Dương, Cảng Quốc tế Gemadept Dung Quất tại Quảng Ngãi, Cảng Nam Hải và Cảng Nam Hải Đình Vũ tại Hải Phòng.
Tất cả các cảng này đều đang hoạt động tốt, vượt công suất thiết kế và đạt hiệu quả cao so với các cảng cùng khu vực. Chỉ tính riêng khu vực miền Bắc, từ năm đầu tiên có mặt trên thị trường khai thác cảng Hải Phòng (năm 2009) đến nay, Gemadept đã tăng trưởng ấn tượng với hơn 12 lần về lượng hàng hóa và tỷ lệ tăng bình quân hàng năm là 30%.
Hệ thống cảng biển ở Hải Phòng, cửa ngõ quan trọng ở phía Bắc, chiếm đến 90% lượng container và hơn 50% tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu ở khu vực này. Trong các năm gần đây, các tỉnh phía Bắc luôn trở thành tâm điểm của hoạt động thu hút dòng vốn FDI cả nước.
Do đó, Cảng Nam Đình Vũ ra đời vừa đón đầu, vừa thúc đẩy cơ hội tăng trưởng, giúp miền Bắc trở thành mắt xích quan trọng kết nối các vành đai kinh tế trong chuỗi hoạt động logistics của cả nước. Đồng thời, đánh dấu bước ngoặt quan trọng sẽ làm thay đổi đáng kể vị thế của Gemadept, đưa Công ty trở thành nhà khai thác cảng lớn hàng đầu tại khu vực Hải Phòng.
Những ngày đầu tháng 2/2018, Cảng Nam Đình Vũ đã chính thức đón chuyến tàu đầu tiên cập cảng. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động của cảng nói riêng và trong chiến lược phát triển kinh tế cảng biển của thành phố Hải Phòng nói chung. Chuyến hàng được vận chuyển bằng tàu tải trọng lớn lên tới 3 vạn tấn, đơn vị đối tác là Công ty Vận tải ShangHai HaiHua. Sau 3 tháng đi vào hoạt động, năng suất làm hàng thuộc hàng cao nhất khu vực: đạt 50 moves/giờ, đã đón 35 chuyến tàu với sản lượng sau 3 tháng đạt gần 25.000 TEUs.
“Tốc độ tăng trưởng sản lượng container tại khu vực Hải Phòng trong 5 năm gần đây đạt trung bình gần 15%/năm. Cảng Nam Đình Vũ ra đời có ý nghĩa rất quan trọng trong hoạt động của cụm cảng nói riêng và trong chiến lược phát triển kinh tế cảng biển nói chung của thành phố. Đây là bước đệm quan trọng thúc đẩy sự phát triển đột phá và chuyển mình đi lên của toàn Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải cũng như thành phố cảng Hải Phòng, từng bước khẳng định vị thế của một thương cảng lớn có công nghệ xếp dỡ hiện đại, tiên tiến xứng tầm khu vực”, ông Nguyễn Đình Bích, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Hải Phòng phát biểu tại buổi lễ.
Về phía khách hàng, sau khi toàn bộ 3 giai đoạn của Cảng Nam Đình Vũ được đưa vào khai thác, với sự đa dạng về quy mô và vị trí địa lý của các cảng tại Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung, khách hàng chắc chắn sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn với những chính sách linh hoạt, chi phí hợp lý và chất lượng dịch vụ tốt nhất từ hệ thống cảng và logistics trọn gói của Gemadept.
“Sự ra đời của Cảng Nam Đình Vũ sẽ cung cấp thêm cho các hãng tàu và khách hàng một điểm đến đáng tin cậy trên bản đồ hàng hải Việt Nam, một điểm đến với nhiều ưu thế, lợi ích, chính sách linh hoạt, chi phí hợp lý và chất lượng dịch vụ tốt nhất. Đồng thời, góp phần tích cực thúc đẩy việc kết nối giao thương hàng hóa với thế giới của không chỉ riêng Hải Phòng mà còn của cả vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Trong năm 2018, chúng tôi đề ra mục tiêu đảm bảo khai thác Cảng ổn định và hiệu quả, không ngừng cải tiến, nâng cao năng lực để đáp ứng ngày càng tốt nhất yêu cầu của từng khách hàng”, ông Minh cho biết thêm.
Có thể nói, với những bước đi mang tầm chiến lược, nhanh và mạnh hơn bao giờ hết, Gemadept – thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực khai thác cảng và logistics Việt Nam đã và đang ngày càng được khẳng định, sẵn sàng vươn mình lớn mạnh cùng khu vực và thế giới.
Trải qua 28 năm hình thành và phát triển, Gemadept hiện là một trong những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về khai thác cảng và logistics. Công ty đang sở hữu hệ thống cảng và hạ tầng logistics trải dài từ Bắc vào Nam và vươn sang các nước trong khu vực như Trung Quốc, Campuchia, Singapore…
Về hoạt động logistics, điểm nhấn đáng chú ý trong năm 2017 vừa qua của Gemadept là đưa Trung tâm phân phối Nam Hải vào khai thác, cung cấp dịch vụ liên hoàn cảng – logistics hiện đại bậc nhất khu vực Hải Phòng. Song song với đó, Công ty đưa vào khai thác 8/9 kho lạnh quy mô hàng đầu Đông Nam Á thuộc dự án Mekong Logistics; hoàn thành cả 3 giai đoạn Trung tâm Logistics đầu tiên tại Việt Nam phục vụ xe ô tô nhập khẩu của KGL (K’Line Gemadept Logistics); hợp tác chiến lược với một trong những tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc – CJ Logistics.
Năm 2017, lần thứ hai liên tiếp, Gemadept được Forbes Việt Nam bình chọn là một trong 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất Việt Nam. Cũng trong năm vừa qua, Gemadept đã tiếp đón hơn 100 đoàn các doanh nghiệp, quỹ đầu tư, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đến tìm hiểu về Công ty, đồng thời tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư.
Hiện Công ty có vốn điều lệ hơn 2.882 tỷ đồng, hơn 40 công ty con và công ty liên doanh, liên kết; tổng vốn góp tại các công ty liên doanh, liên kết tính đến cuối năm 2017 là 2.199 tỷ đồng.
Thanh Sơn
Link gốc bài viết: http://tinnhanhchungkhoan.vn/chuyen-dong-doanh-nghiep/cang-nam-dinh-vu-diem-den-chien-luoc-cua-gemadept-tai-mien-bac-228166.html