Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam
Vietnam Logistics Business Association

/

/

CẦN CÓ SỰ HIỂU BIẾT ĐÚNG VỀ LOGISTICS PERFORMANCE INDEX (LPI)

CẦN CÓ SỰ HIỂU BIẾT ĐÚNG VỀ LOGISTICS PERFORMANCE INDEX (LPI)

Trong tháng 7/2018, Ngân hàng thế giới (WB) đã công bố Báo cáo “KẾT NỐI ĐỂ CẠNH TRANH 2018 Logistics Thương mại trong Nền kinh tế Toàn cầu – Chỉ số Hoạt động Logistics và các Tiêu chí của Chỉ số” (Connecting to Compete 2018 Trade Logistics in the Global Economy – The Logistics Performance Index and Its Indicators). Theo đó, Việt Nam được xếp hạng 39/160 nước tham gia điều tra, tăng 25 bậc, từ xếp hạng 64/160 năm 2016. Điểm số là 3,27 so với năm 2016 là 2,98, tăng 0,29 điểm. Đứng thứ nhất trong danh sách vẫn là Đức và thứ 160 là Afghanistan. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam xếp thứ 3 sau Singapore (xếp hạng 7) và Thái Lan (xếp hạng 32). 

Theo xếp hạng này, bước đầu chúng ta đã hoàn thành một mục tiêu mà Quyết định 200/QĐ-TTg, ngày 14/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt là “Xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt từ 50 trở lên”. Báo cáo LPI 2018 cũng cho biết Kết quả điểm số LPI quốc tế bình quân của Việt Nam qua 4 kỳ điều tra (2012, 2014, 2016 và 2018) xếp hạng 45 thế giới.

Việt Nam có thứ hạng đứng đầu trong các thị trường mới nổi và xếp hạng cao nhất trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp. Tất cả 6 tiêu chí đánh giá LPI 2018 đều tăng vượt bậc, trong đó có mức tăng cao nhất là năng lực chất lượng dịch vụ (xếp hạng 33, tăng 29 bậc) và khả năng theo dõi, truy xuất hàng hoá (xếp hạng 34, tăng 41 bậc). Các tiêu chí đánh giá tăng rất tốt là Thông quan (xếp hạng 41, tăng 23 bậc), Kết cấu hạ tầng logistics (xếp hạng 47, tăng 23 bậc). Các tiêu chí thời gian giao hàng (xếp hạng 40, tăng 16 bậc) và tiêu chí về các chuyến hàng quốc tế xếp hạng 49 tăng 1 bậc so với năm 2016). Điều này phản ánh thực trạng về cải thiện năng lực của doanh nghiệp thông qua ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực logistics, với tỷ lệ từ 15-20% vào năm 2015-2016 đã tăng lên 40-50% vào 2017-2018 (theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam VLA). 

Bảng dưới đây thể hiện một số nước có hoạt động logistics tốt trong khảo sát năm 2018, trong đó có Việt Nam: 

Việt Nam có được kết quả trên là kết quả nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp sản xuất, xuất/nhập khẩu và nhất là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, các Hội viên VLA và Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) trong việc thực hiện Quyết định 200/QĐ-TTg, tìm mọi biện pháp giảm chi phí logistics, nâng cao chất lượng dịch vụ, năng cao năng lực cạnh tranh để phát triển mạnh mẽ ngành dịch vụ logistics Việt Nam trong điều kiện nước ta hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. 

1- Trước hết chúng ta phải hiểu mục đích và cách tiến hành khảo sát LPI: 

Từ năm 2007 đến nay, cứ hai năm một lần, WB đều có Báo cáo công bố LPI toàn cầu nhằm cung cấp các chỉ số so sánh đơn giản về hiệu quả của dây chuyền cung ứng kết nối với hoạt động logistics. LPI đã được các nhà phân tích thương mại, các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu sử dụng trong việc đánh giá hoạt động logistics và đặc biệt các tổ chức thế giới đang ngày càng sử dụng LPI trong các hoạt động tư vấn và thực thi cho việc tạo thuận lợi thương mại ở các nước đang phát triển. LPI cho phép các chính phủ, các doanh nghiệp và các bên có liên quan đánh giá lợi thế cạnh tranh tạo ra bởi kết quả tốt của hoạt động logistics, và có biện pháp để cải thiện logistics – xương sống của nền kinh tế toàn cầu. Theo Báo cáo 2012, logistics chiếm ít nhất 10% GDP của nền kinh tế Châu Âu. Báo cáo 2018 cho biết “Doanh số toàn cầu được tạo ra bởi mạng lưới logistics toàn cầu đã vượt quá 4,3 nghìn tỷ Mỹ kim (USD4.3 tribillion)” 

Chỉ số hoạt động logistics (LPI) 2018 được thực hiện trên cơ sở tiến hành Điều tra trên hơn 160 quốc gia, theo các câu hỏi đã được tiêu chuẩn hóa, gồm hai phần quốc tế và quốc nội vì Logisitcs được hiểu là một mạng lưới các dịch vụ hỗ trợ việc chuyển dịch hàng hóa, thương mại qua biên giới và thương mại nội đia. Phần quốc tê: những người tham gia điều tra là các nhà cung cấp dịch vụ giao nhận vận tải, logistics, các hãng vận tải lớn quốc tế và các bên có liên quan. Chỉ số LPI phần quốc tế được hình thành từ 6 tiêu chí chính phần hoạt động quốc tế được thể hiện thang 5 điểm với sự đánh giá của các nhà chuyên môm về logistics. Trong phần hoạt động đối nội của LPI câu hỏi yêu cầu trả lời cung cáp dữ liệu thể hiện định tính và định lượng về môi trường logistics ở nước mà người trả lời làm việc, thể hiện các dịch vụ logistics chủ yếu trong một quốc gia. Nhưng do số lượng phản hồi câu hỏi nghiên cứu nhỏ nên những dữ liệu này có tính thông tin trong việc so sánh theo khu vực và nhóm thu nhập. Trong năm 2018, khoảng 6.000 nhà chuyên môn về logistics tham gia trả lời khảo sát, mỗi người trả lời tối đa về 8 nước được lựa chọn theo tiêu chí đối tác thương mại lớn của nước của người được khảo sát. Vì vậy, Báo cáo 2018 bao gồm 160 nước trong phần LPI quốc tế và 100 nước cho phần LPI nội địa. 

Như vậy, LPI mà Việt Nam xếp hạng 39/160 năm 2018 là nói về LPI quốc tế trên cơ sở ý kiến tham giá đánh giá của các nhà vận chuyển, giao nhận vận tải, logistics quốc tế có quan hệ hợp tác, làm ăn với các doanh nghiệp Việt nam liên quan đến logistics. Không phải là do các doanh nghiệp Việt Nam tự đánh giá khi tham gia trả lời Điều tra của nhóm nghiên cứu. Do đó có tính khách quan. Tuy nhiên là việc khảo sát, trả lời câu hỏi cũng bị hạn chế bởi trực giác của người trả lời. 

2- Tiếp tục phấn đấu để cải thiện LPI trong thời gian tới: 

Từ sự phân tích trên đây, chúng ta thấy rõ sự tiến bộ của logistics Việt Nam thể hiện sự cải thiện ở tất cả 6 chỉ tiêu đánh giá. Vấn đề là làm thế nào trước mắt chúng ta không được thỏa mãn với kết quả hoạt động logistics đã đạt được trên đây mà phải đánh giá đúng vai trò và ý nghĩa của LPI để nỗ lực phấn đấu hơn nữa, cải thiện chất lượng dịch vụ logistics để không bị tụt hạng mà tiếp tục thăng hạng trong thời gian tới theo mục tiêu của QĐ200/QĐ-TTg. 

Tất nhiên mọi nỗ lực đều phải thể hiện ở các tiêu chí, nhưng nên tập trung vào việc cải thiện các tiêu chí còn thấp. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động logistics, nhất là cải tiến việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu trong đó chú ý vào kiểm tra liên ngành. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam phải nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ logistics, giảm chi phí góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của thương mại. 

Tác giả: Nguyễn Tương-Đào Trọng Khoa

 

 

Sự kiện VLA tổ chức

Thông báo quan trọng

Hướng Dẫn Đăng Ký eFBL
Hướng Dẫn Đăng Ký FMC Bond
Tài Liệu Kỹ Năng Soạn Thảo Hợp Đồng Logistics