Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam
Vietnam Logistics Business Association

/

/

Bàn giải pháp cùng doanh nghiệp vượt qua thách thức của dịch COVID-19

Bàn giải pháp cùng doanh nghiệp vượt qua thách thức của dịch COVID-19

(VLR) Sáng ngày 17/3, PGS.TS. Trần Hoàng Ngân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM đã chủ trì Hội thảo Dịch COVID-19 – Cùng doanh nghiệp vượt qua thách thức. Tại Hội thảo đã đưa ra nhiều giải pháp cấp bách, kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Dịch COVID-19 vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp và ngày càng trở nên trầm trọng. Đứng trước thách thức này các doanh nghiệp cần phải bình tĩnh, dành thời gian xem xét lại các khó khăn, cơ hội để tìm ra phương hướng thay đổi để thích nghi với tình hình hiện tại.

Kinh tế có dấu hiệu suy giảm

Theo số liệu được cập nhật đến ngày 16/03, dịch COVID-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp và lan rộng đến hơn 157 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Theo số liệu báo cáo kinh tế xã hội tháng 2/2020 của Cục thống kê TP. HCM đã cho thấy những dấu hiệu đáng lo ngại.

Đối với lĩnh vực công nghiệp chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 2% so với cùng kỳ năm 2019. Đối với lĩnh vực thương mại – dịch vụ, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tháng 2 ước đạt 100.373 tỷ đồng, giảm 7,1% so với tháng trước. Nếu lấy số liệu 2 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ 2 tháng ước đạt 214.664 tỷ đồng, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên mức độ tăng lại chỉ bằng phân nửa năm 2019 nếu so sánh 2 tháng năm 2019 so với cùng kỳ 2018, thì Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 189.794 tỷ đồng, tăng 12,2%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2020 giảm 0,18% so với tháng trước. Trong đó 4/11 nhóm giảm bao gồm nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (-0,18%); nhóm đồ uống và thuốc lá (-0,83%); nhóm giao thông (-2,8%); nhóm văn hóa, giải trí và du lịch (-0,31%).

Theo thống kê sơ bộ, tại TP. HCM ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã làm lượng khách đến các Trung tâm thương mại, siêu thị giảm từ 40%-50% so với trước. Lượng khách đến các cửa hàng ăn uống vào ngày thường giảm từ 20%-30%, cuối tuần giảm tới 50%. Doanh thu tại các cửa hàng tiện lợi giảm đến 40%. Khách hàng sụt giảm nghiêm trọng khiến cho doanh thu cũng sụt giảm đáng kể. Tình trạng buôn bán, kinh doanh ở hầu hết các lĩnh vực ế ẩm, nhiều cửa hàng phải tạm đóng cửa, trả lại mặt bằng hoặc sang nhượng.

Đối với hoạt động xuất nhập khẩu tại TP. HCM, tháng 2/2020, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 2.848 triệu USD, giảm 10% so với tháng trước, tính chung 2 tháng đầu năm 2020 ước đạt 6.012 triệu USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước; Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 3.475 triệu USD, tăng 5,0% so với tháng trước, tính chùng 2 tháng đầu năm đạt 6.784 triệu USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của thành phố đến tháng 2/2020, trong đó có 186 dự án cấp phép dự án FDI với tổng vốn đạt 480 triệu USD. Với chỉ tiêu vốn đầu tư thực hiện của thành phố ước đạt 997 tỷ đồng, xấp xỉ 99,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó số đăng ký thành lập doanh nghiệp mới là 4.103 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là 52.212 tỷ đồng. Nếu so với cùng kỳ năm trước, số giấy phép tăng 0,3%, tổng vốn đăng ký thành lập giảm 42,1%.

Đối với thu chi ngân sách nhà nước, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước 2 tháng năm 2020 giảm 3,4% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương (trừ tạm ứng) chỉ tăng 4,6%. Điều này cho thấy kinh tế thành phố kém khởi sắc đã tác động đến nguồn thu và chi của thành phố.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất đang phải đối mặt với khó khăn về nguồn cung nguyên vật liệu, ví dụ như ngành điện tử, các công ty đang gặp khó khăn trong việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc, ảnh hưởng tới chiến lược hoạt động của doanh nghiệp. Theo Bộ Công Thương, nhiều doanh nghiệp điện tử chỉ còn đủ lượng linh kiện phục vụ cho sản xuất đến giữa hoặc cuối tháng 3/2020. Nguồn cung cấp đang bị tác động có khả năng dẫn đến sụt giảm sản xuất và kim ngạch xuất khẩu quý I năm 2020. Với ngành dệt may, nhiều doanh nghiệp cũng đang đối mặt với nguy cơ tạm ngừng sản xuất, có khoảng 50% doanh nghiệp chỉ đảm bảo sản xuất đến giữa tháng 3/2020, phần còn là hết tháng 3/2020.

Giải pháp cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp

Đến nay để tháo gỡ những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận vốn, tài chính, thanh toán điện tử. Trong đó triển khai gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250 ngàn tỷ đồng trên cơ sở đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giảm phí… Ngoài ra, gói hỗ trợ 30 ngàn tỷ sẽ tập trung vào việc miễn giảm thuế, phí, lệ phí…

Nắm bắt những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, mới đây nhất, Chủ tịch UBND TP. HCM cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố (Saigon Co.op) do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh COVID-19.

Theo đó, UBND TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giãn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế, cho phép chậm nộp các loại thuế (thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu) của các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động trên các lĩnh vực nêu trên và đề xuất lùi thời gian nộp thuế sang quý 3 hoặc quý 4/2020. Thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ miễn, giảm 50% thuế giá trị gia tăng; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm 50% thuế nhập khẩu; giảm thuế thu nhập cá nhân cho người lao động trong lĩnh vực du lịch trên cơ sở đánh giá thiệt hại của dịch bệnh. UBND TP cũng đề xuất xem xét, hỗ trợ giảm 50% tiền thuê đất phải nộp trong 2 năm 2020 – 2021, hoãn nộp tiền thuê đất (miễn lãi suất) sang đầu năm 2021.

UBND TP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo giãn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế, cho phép chậm nộp các loại thuế (thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu) của các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động trên các lĩnh vực nêu trên và đề xuất lùi thời gian nộp thuế sang quý 3 hoặc quý 4/2020.

Về chính sách BHXH, UBND TP cũng đề xuất giãn thời gian nộp BHXH cho người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực đã nêu trên do các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính và tình hình biến động nhân sự; giảm 50% BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho các doanh nghiệp.

Ngoài ra, PGS.TS. Trần Hoàng Ngân cho biết thêm, hiện nay Viện đang tham khảo các giải pháp, các gói cứu trợ của các quốc gia trên thế giới như Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc… đã áp dụng để có thể vận dụng linh hoạt trong việc hỗ trợ doanh nghiệp trong nước như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, gia hạn thời gian nộp thuế thu nhập cá nhân, cắt giảm lãi suất, giúp doanh nghiệp vay vốn không cần bảo lãnh, hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp khấu hao máy móc.

Quang Anh

Link bài gốc: http://vlr.vn/trong-nuoc/ban-giai-phap-cung-doanh-nghiep-vuot-qua-thach-thuc-cua-dich-covid-19-5911.vlr

Sự kiện VLA tổ chức

Thông báo quan trọng

Hướng Dẫn Đăng Ký eFBL
Hướng Dẫn Đăng Ký FMC Bond