Thời gian vừa qua, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ trong công tác phòng và chống dịch Covid-19, Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) đã có nhiều kiến nghị, giải pháp nhằm chung tay cùng cộng đồng doanh nghiệp logistics vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.
Theo đó, ngày 11/3, Văn phòng Hiệp hội VLA đã gửi công văn số 14/VP-HH tới Thủ tướng Chính phủ nhằm kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp dịch vụ logistics bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Và ngày 25/3, VLA cũng đã có báo cáo Hội nghị Tổ Công tác Thủ tướng Chính phủ những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp dịch vụ logistics và đề nghị Thủ tướng có biện pháp tháo gỡ. Ngoài ra, VLA còn thông tin kịp thời và tư vấn Hội viên xây dựng “Kế hoạch để công việc không bị gián đoạn” nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh nhưng vẫn đảm bảo tiến độ công việc.
Kiến nghị hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp logistics
VLA đã yêu cầu các doanh nghiệp dịch vụ logistics tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản trong việc giải quyết khó khăn về xuất khẩu hàng nông sản sang Trung Quốc, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh siêu thị, phân phối hàng hóa nội địa, thông qua việc giảm cho thuê kho lạnh từ 10% – 20% và giảm giá thuê vận tải, hợp tác với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cùng giải quyết khó khăn trong kinh doanh và trao đổi thông tin liên quan đến dịch vụ logistics phục vụ sản xuất và xuất nhập khẩu.
VLA đã đề ra một số kiến nghị nhằm làm giảm chi phí logistics, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu nâng cao năng lực cạnh tranh. Trước hết, xem xét giảm giá dịch vụ cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải, như phí cầu đường, phí BOT, cảng phí, các loại giá ở cảng biển, cảng hàng không, giá xăng dầu cho xe tải và tàu biển, tàu bay, tới mức có thể để giảm chi phí lưu thông hàng hóa, góp phần hỗ trợ doanh nghiêp sản xuất,doanh nghiệp xuất nhập khẩu và doanh nghiệp dịch vụ logistics trong lúc khó khăn này.
Theo đại lý nước ngoài của doanh nghiệp dịch vụ logistics, từ nay đến 30/6, Trung Quốc tạm bỏ việc thu phí sử dụng đường cao tốc và nhiều tuyến đường khác trên cả nước. Từ ngày 01/3 – 30/6/2020, phí vận chuyển hàng hóa và chi phí lưu kho tại các cảng do Chính phủ Trung Quốc quản lý được giảm 20%. Những khoản phí nêu trên có liên quan đến các dịch vụ ứng phó khẩn cấp và tàu chở hàng thông thường (không chở nhiên liệu) sẽ được miễn hoàn toàn.
Ngoài ra, các doanh nghiệp được phép gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, phí bảo hiểm xã hội và tiền thuê đất kinh doanh, miễm tiền phát chậm nộp thuế. Nếu được có thể giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho năm 2019. Khoản thuế giảm này xem như một phần để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn kinh doanh năm 2020.
Ngân hàng Nhà nước cần xem xét giảm lãi suất cơ bản. Các ngân hàng thương mại cần khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay, mở rộng hạn mức cho vay, cơ cấu lại các khoản vay đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực hoạt động logistics bị tác động mạnh từ dịch COVID-19, theo đề nghị cụ thể của từng doanh nghiệp.
Hỗ trợ giảm mức giá điện cho các doanh kinh doanh kho lạnh, kho mát phục vụ sản xuất, xuất khẩu và lưu thông phân phối. Cụ thể tỉnh giá điện cho các kho lạnh, kho mát này như mức giá điện hiện thu đối với doanh nghiệp sản xuất, vì hiện nay giá cao hơn giá điện sản xuất từ 25% – 30%.
Chính phủ cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho doanh nghiệp về tình hình diến biến dịch bệnh và kịch bản kinh tế của Chính phủ để các doanh nghiệp dịch vụ logistics phối kết hợp với các doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu trong việc cung cấp kịp thời, hiệu quả các dịch vụ logistics.
Về dài hạn, VLA đề nghị Chính phủ có biện pháp tích cực phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là cảng biển nước sâu; tăng cường các tuyến hàng hải viễn dương, tránh phụ thuộc vào các cảng chuyển tải từ Trung Quốc và đẩy mạnh vận tải hàng hóa bằng đường sắt. Đề xuất Chính phủ chỉ đạo mở rộng kết nối với các nước còn lại trong khu vực ASEAN qua Lào, Thái Lan để giúp vận tải đường bộ có thể bù đắp phần thiếu hụt từ việc hạn chế vận chuyển hàng hóa qua Trung Quốc. Xem xét ý kiến của doanh nghiệp về việc xe vận tải hàng hóa qua lại biên giới với Campuchia.
Kế hoạch đảm bảo kinh doanh không gián đoạn
Bên cạnh việc thông tin nhanh 2 tuần một lần và Bản tin Newsletters hàng tháng, vừa qua, VLA đã tư vấn Hội viên xây dựng Business Continuity Planning (BCP) tạm dịch là Kế hoạch đảm bảo kinh doanh không gián đoạn trong hoàn cảnh dịch bệnh COVID-19 đang ngày càng diễn biến phức tạp khó lường và gây thiệt hại rất lớn cho toàn thế giới. Kế hoạch giúp giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khi có những rủi ro bất chợt như thiên tai, dịch bệnh.
BCP có các nguyên tắc cơ bản bao gồm trong giờ làm việc và ngoài giờ làm việc. Trong giờ làm việc, các cơ quan cần bảo vệ các thành viên trước các nguy cơ lây nhiễm (người và vật lạ hoặc nhiễm khuẩn), trước khi tiếp xúc cần có các bước kiểm tra thân nhiệt, xịt sát khuẩn,.. Ngoài giờ làm việc, nhân viên phải tự có ý thức bảo vệ chính mình, bảo vệ gia đình và cũng là bảo vệ cơ quan, văn phòng. Tránh tối đa tiếp xúc bên ngoài, khi tiếp xúc phải có các phương án bảo vệ, phòng tránh (đeo khẩu trang, nước sát khuẩn,…) đồng thời nâng cao tuyên truyền với các thành viên gia đình hoặc bạn cùng phòng.
Nguy cơ bị cách ly văn phòng làm việc do có F1 hoặc F2, Hội viên nên ứng dụng làm BCP như sau: Cách ly văn phòng làm việc, Hội viên sẽ bị cách ly tư liệu sản xuất (máy tính, phần mềm, chứng từ, giao dịch…) đồng thời cách ly khu dân cư nơi nhân viên cư trú, làm việc tại nhà, không đến cơ quan làm việc.
Quang Anh
Link khảo sát: http://vlr.vn/thoi-su/vla-cung-doanh-nghiep-vuot-qua-covid-19-5999.vlr