Thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước: “Đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế quốc tế, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác…”, trong Nhiệm kỳ VII (2015 – 2020) vừa qua, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đã phát triển công tác đối ngoại – kết nối ngành nghề trong nước, khu vực, quốc tế và đạt được nhiều thành quả quan trọng.
Tại sự kiện FIATA World Congress 2019, VLA đã có nhiều hoạt động giao lưu mang lại tình cảm tốt đẹp với nước chủ nhà và các đoàn quốc gia khác
Ký kết thỏa thuận hợp tác với nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước
Từ tháng 5/1994, VLA là thành viên chính thức của Liên đoàn Giao nhận vận tải quốc tế (FIATA) và là đại diện duy nhất của Việt Nam trong tổ chức quốc tế này. Từ tháng 11/1999 VLA là thành viên của Hiệp hội Giao nhận vận tải ASEAN (AFFA). FIATA và AFFA là hai tổ chức quốc tế và khu vực chính thống và chủ yếu về giao nhận vận tải, logistics. Trong nước, VLA là Hội viên chính thức của Phòng Thương mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) từ tháng 4/1994. Đây là cơ sở cho việc hợp tác quốc tế và mở rộng quan hệ trong nước của Hiệp hội vì lợi ích và phát triển của Hội viên.
Trong Nhiệm kỳ VII (từ tháng 11/2015), Hiệp hội đã ký 15 thỏa thuận hợp tác (MOU) với các tổ chức hiệp hội ngành nghề và doanh nghiệp (DN) nước ngoài; 06 thỏa thuận hợp tác với các hiệp hội ngành nghề, DN trong nước; 10 thỏa thuận hợp tác với các cơ quan quản lý Nhà nước và 11 thỏa thuận hợp tác với các trường đại học, học viện, trường cao đẳng của Việt Nam. Những thỏa thuận hợp tác này đã thể hiện tính chủ động trong thúc đẩy quan hệ hợp tác, liên kết, thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, tạo khung pháp lý cho việc hợp tác, qua đó góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của Hội viên, nâng cao vai trò và vị thế của Hiệp hội trong nước cũng như trên trường quốc tế.
Tổ chức và tham dự nhiều sự kiện mang tầm quốc tế
VLA đã đẩy mạnh bước thúc đẩy việc hợp tác với FIATA, AFFA và UNESCAP qua việc chủ động đăng cai tổ chức các hội nghị tại Việt Nam, tham gia các hội nghị và có ý kiến đóng góp với các tổ chức quốc tế này. Nhiệm kỳ VII, lãnh đạo Hiệp hội đã tham gia toàn diện và đầy đủ các hoạt động quốc tế, như Hội nghị vùng châu Á – Thái Bình Dương (RAP-FIATA) tại Busan và tại Bangkok; FIATA World Congress tại Kuala Lumpur, Malaysia ( 2017); Delhi, Ấn Độ (2018) và tại Nam Phi (2019); Tham gia và có tiếng nói tại các Ban chuyên môn, nhóm công tác của FIATA, như MTI, CAI, ALBM, FLA; Có quan hệ chặt chẽ hơn với FIATA trên lĩnh vực trao đổi thông tin, tuyên truyền nghề nghiệp.
Đầu 2019, Ban Vận tải do Phó Chủ tịch Đào Trọng Khoa đã tổ chức thành công cuộc họp của Working Group Sea thuộc Ban Vận tải của FIATA (MTI) tại TP. HCM. Đặc biệt, trong năm 2019 này, VLA đã mạnh dạn làm thủ tục ứng cử để giành quyền tổ chức FIATA World Congress 2023 khi dự hội nghị ở Nam Phi, nhưng chưa đến lượt. Tại sự kiện FIATA World Congress 2019, VLA đã tổ chức một gian hàng triển lãm về logistics Việt Nam trang trọng với nhiều hoạt động giao lưu mang lại tình cảm tốt đẹp với các nước chủ nhà và các đoàn quốc gia khác.
Năm 2020, Hiệp hội đã đăng cai và được FIATA/ UNESCAP chọn tổ chức Hội nghị RAP ở Đà Nẵng, nhưng vì đại dịch COVID-19 nên bị hoãn. Đặc biệt, Chủ tịch FIATA Babar Badat đã có thư chúc mừng Hiệp hội đăng trong Sách Trắng VLA 2018 nhân dịp kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập VLA và “FIATA xin cám ơn VLA về sự hợp tác tuyệt vời” trong thời gian qua. Hiệp hội đã tổ chức thành công các hội thảo nghiệp vụ của ba tổ chức này, đặc biệt là các khóa đào tạo cấp chứng chỉ FIATA cho Hội viên của VLA.
Năm 2019, Hiệp hội đã tích cực và chủ động trong việc tham gia và làm phong phú các hoạt động của AFFA. Ngoài việc tham gia đều đặn các hội nghị, Hiệp hội đã lần thứ 3 kể từ khi đăng cai tổ chức thành công Hội nghị thường niên của AFFA lần thứ 30 tại TP. HCM với nhiều nội dung đổi mới, hoạt động bên lề phong phú, thu hút được sự quan tâm của doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng như cơ quan quản lý Nhà nước, được các thành viên AFFA đánh giá cao, như: Hội nghị B2B của các thành viên AFFA, Cuộc thi ảnh logistics với sự tham gia của đông đảo của các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp và bán chuyên trong nước và các nước ASEAN. Số tiền bán ảnh nghệ thuật tại Hội nghị gần 3.000 USD đã được Hiệp hội thay mặt AFFA gửi tặng trẻ em nghèo bị bệnh ung bướu tại TP. HCM. Nhân dịp này, Hiệp hội đã tổ chức các Hội nghị B2B với 36 doanh nghiệp logistics của CAMFA (Campuchia) và hơn 30 doanh nghiệp của SLA (Singapore), giúp doanh nghiệp các bên tăng cường hiểu biết và quan hệ hợp tác với doanh nghiệp của Hiệp hội.
Tổ chức nhiều hội thảo, tạo sự giao lưu gắn kết giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước
Trong Nhiệm kỳ, Hiệp hội đã tổ chức nhiều Hội thảo nghiệp vụ trong nước và quốc tế. Nổi bật là Hội thảo quốc tế về dịch vụ logistics hàng không, được tổ chức vào 2017 và 2019; Hội thảo về Vận tải quá cảnh ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP. HCM. Hàng năm, tổ chức, tuy chưa nhiều và đều đặn, một số đoàn cho Hội viên đi tham quan, học tập nghiệp vụ tại châu Âu, châu Á. Trong 5 năm, tổ chức được 11 đoàn ra xúc tiến thương mại.
Lãnh đạo VLA dự lễ khai mạc Triển lãm quốc tế về cơ sở hạ tầng cảng biển và logistics tại Việt Nam (năm 2019)
Cũng trong Nhiệm kỳ, Ban Chấp hành, Văn phòng Hiệp hội đã tổ chức tiếp đón trọng thị và cung cấp thông tin, xúc tiến thương mại và hợp tác liên kết, nghiên cứu tình hình logistics Việt Nam cho các đoàn, tổ chức, khách quốc tế và trong nước đến giao lưu, trao đổi, làm việc với 42 lượt đoàn trong nước, 44 lượt đoàn nước ngoài. Qua đó đã góp phần thúc đẩy hợp tác, quảng bá, giới thiệu về Hiệp hội cũng như ngành dịch vụ logistics Việt Nam. Một số đoàn sau khi gặp, trao đổi với Hiệp hội đã có thương vụ với các Hội viên, nhất là các thương vụ mua bán, sáp nhập.
Nhiều kết quả nổi bật trong công tác phản biện xã hội
Thông qua các Thỏa thuận đã ký kết nêu ở phần trên, Hiệp hội đã tích cực làm tốt công tác phản biện xã hội, xây dựng chính sách liên quan đến phát triển dịch vụ logistics, tạo mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý Nhà nước như: Bộ Giao thông vận tải (Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và Tổng cục Đường bộ Việt Nam), Bộ Công Thương, Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan), và các UBND một số tỉnh thành lớn, như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, TP. HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu… trong việc tham gia ý kiến, kiến nghị, phối hợp hoạt động, chia sẻ thông tin, như: Đề án phát triển logistics trên địa bàn TP. HCM tới năm 2025, định hướng 2030; Đề án phát triển trung tâm logistics của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đề án phát triển dịch vụ logistics của tỉnh Quảng Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Thanh Hóa. Đã hỗ trợ TP. Hải Phòng thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Hải Phòng. Trong công tác phản biện xã hội, ngoài tham gia góp ý trực tiếp, Hiệp hội còn phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Dệt may, Hiệp hội Đại lý, môi giới hàng hải Việt Nam… để có tiếng nói chung với các cơ quan Nhà nước, điển hình như tham gia ý kiến về TP. Hải Phòng thu phí dịch vụ cơ sở hạ tầng cảng biển, TP. HCM dự kiến thu phí cơ sở hạ tầng cảng biển, Bộ Giao thông vận tải thu phí đường bộ quá cao, qua đó làm cho chi phí logistics tăng cao. Cùng Hiệp hội Dệt may và 6 hiệp hội khác ký chung Yêu cầu gửi Đại diện Thương mại Mỹ, tháng 12/2020 về phản đối Mỹ áp dụng Điều tra Việt Nam phá giá tiền tệ theo Section 301. Đến nay, Mỹ đã không còn yêu cầu này nữa.
Các khó khăn, vướng mắc
Tồn tại lớn nhất trong công tác hợp tác, đối ngoại của Hiệp hội trong Nhiệm kỳ vừa qua là sau khi ký kết các thỏa thuận hợp tác thì việc theo dõi, triển khai và phổ biến đến Hội viên chưa tốt. Hiệu quả chưa được như ý muốn của các bên ký kết cũng như việc hỗ trợ Hội viên trong hoạt động kinh doanh. Đây là vấn đề mà Nhiệm kỳ VIII cần cải thiện để phục vụ tốt hơn cho Hội viên trong công tác tìm kiếm thị trường mới và đối tác mới, liên kết và đa dạng hóa loại hình dịch vụ logistics được cung cấp, qua đó hỗ trợ Hội viên trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và giảm chi phí logistics.
Ban Chấp hành Nhiệm kỳ VIII cần có chiến lược xác định nhiệm vụ đối ngoại trọng tâm thực hiện Nhiệm vụ trong Quyết định 200, Quyết định 221. Đối với công tác hòa nhập với hoạt động của FIATA, Nhiệm kỳ VIII, Ban Chấp hành Hiệp hội cần vận động Hội viên tích cực tham gia các Fiata World Congress để giao lưu kết nối chuyên môn cũng như tích cực tham gia vào các Ban chuyên môn của FIATA nhằm nâng cao tầm nhìn và cập nhật xu hướng mới của ngành. Cần tiếp tục phát huy các hoạt động giao lưu quốc tế liên kết phi chuyên môn trước để làm tiền đề cho các hoạt động kết nối chuyên môn như giao lưu với Hàn Quốc, cuộc thi ảnh logistics ASEAN…
Nguyễn Duy Minh – Nguyễn Tương