Ngày 11/8, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics (VLA) công bố Khởi động Dự án Chỉ số năng lực cạnh tranh Logistics cấp tỉnh (Logistics Competitiveness Index – LCI) Việt Nam 2022. Dự án có sự tham gia của các đơn vị nghiên cứu gồm Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) và Dream Incubator (DI).
Công cụ phản biện chính sách đắc lực
Phát biểu tại Lễ công bố, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA khẳng định, logistics là bộ phận rất quan trọng trong quản trị chuỗi cung ứng. Ở nước ta, logistics ngày càng có vai trò trọng yếu trong việc phát triển kinh tế và đời sống xã hội. Điều này được thể hiện rõ trong thời gian phòng chống đại dịch Covid-19 vừa qua. Tiến trình phục hồi và phát triển bền vững kinh tế- xã hội sau đại dịch Covid-19, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra đòi hỏi ngành dịch vụ logistics, một ngành dịch vụ giá trị gia tăng cao, phải có những bước phát triển đột phá để đáp ứng yêu cầu là mạch máu của nền kinh tế.
Cùng với đó, bám sát việc thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định 221/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc “Phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025”, Hiệp hội VLA thực hiện Nhiệm vụ số 36 về hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dịch vụ logistics và Nhiệm vụ 60 về Xếp hạng, đánh giá năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics và doanh nghiệp dịch vụ logistics.
Đây cũng là bước đi hiện thực mong muốn góp phần tích cực trong thực hiện mục tiêu việc phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam của VLA theo tinh thần tinh thần “Chuyển đổi số, Đổi mới, Sáng tạo” mà Đại hội Nhiệm kỳ VIII (2021-2024) VLA đề ra.
Chủ tịch VLA cho biết, LCI là Chỉ số đo lường và đánh giá tốc độ phát triển, chất lượng, cơ sở hạ tầng, chính sách của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam về ngành kinh doanh dịch vụ Logistics Việt Nam.
Chỉ số LCI là sáng kiến của Hiệp hội VLA, do Hiệp hội VLA chủ trì tổ chức với sự tham gia của các đơn vị nghiên cứu, hỗ trợ kỹ thuật từ VCCI, Dream Incubator (DI) và Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI). Công tác nghiên cứu, đánh giá sẽ được xây dựng từ dữ liệu điều tra doanh nghiệp, chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước.
“Chỉ số LCI sẽ đem đến một “bức tranh” chung về ngành kinh doanh dịch vụ Logistics tại các tỉnh, thành phố ở Việt Nam, từ đó giúp hoạch định các chính sách nhằm phát triển ngành này tại các địa phương trên cả nước. Qua đó, tác động cắt giảm chi phí logistics và hỗ trợ phát triển sản xuất xuất khẩu, và thu hút đầu tư nước ngoài hiệu”, Chủ tịch VLA nhấn mạnh.
Theo đó, Chỉ số LCI sẽ tìm hiểu và lý giải vì sao có sự khác biệt, chênh lệch giữa các tỉnh, thành phố của Việt Nam trong phát triển logistics phục vụ kinh doanh, xuất nhập khẩu. Chính vì thế, những đánh giá từ Kết quả Chỉ số LCI sẽ có những tác động và đóng góp quan trọng cho các địa phương cũng như cộng đồng doanh nghiệp.
Nhấn mạnh LCI là công cụ đắc lực để phản biện chính sách – một trong bốn trụ cột xây dựng nên hệ thống logistics Việt Nam, ông Lê Duy Hiệp khẳng định, cùng với tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, LCI sẽ được sử dụng để tham gia phản biện chính sách với chính quyền địa phương để cải thiện, phát triển ngành dịch vụ logistics phục vụ kinh doanh. Các nhà hoạch định chính sách trung ương tham khảo các chỉ tiêu của LCI làm tiêu chí đánh giá cho nhiều chính sách cải cách kinh tế.
Cắt giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp
Cùng với việc tác động tích cực trong việc thay đổi công tác hoạch định chính sách liên quan nhằm phát triển dịch vụ logistics, về lâu dài, chỉ số LCI sẽ góp phần tác động cắt giảm chi phí logistics và hỗ trợ phát triển sản xuất xuất khẩu.
Ngoài ra, LCI góp phần tạo dựng hình ảnh và uy tín cho các địa phương cũng như Việt Nam trong việc tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Đồng thời, giúp các địa phương có thể tham khảo, học tập kinh nghiệm, bài học thực tiễn tốt từ những nơi khác để áp dụng tại địa phương mình.
Đặc biết, con số và các đánh giá trong báo cáo chỉ số sẽ giúp doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm đến LCI như là hỗ trợ quan trọng cho việc quyết định lựa chọn địa điểm và mở rộng sản xuất kinh doanh. Đồng thời, Chỉ số LCI giúp truyền thông nâng cao nhận thức của xã hội về ngành dịch vụ logistics.
Hoan nghênh và đánh giá cao sáng kiến của VLA, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương khẳng định, những năm vừa qua, ngành logistics đã có chỉ số cải thiện đáng kể, trong đó Chỉ số hoạt động logistic (LPI) của Việt Nam đứng thứ 39 trong 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong khu vực ASEAN, chỉ số này của Việt Nam thậm chí còn lọt vào top 3 với số điểm là 3.27, thuộc top các thị trường mới nổi với tốc độ tăng trưởng dao động từ 14-16%. Đây là kết quả của phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp lĩnh vực logistics và sự tạo điều kiện thuận lợi của các Bộ ngành liên quan.
Tuy nhiên, Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu cũng thẳng thắn cho biết sự phát triển ngành logistics còn nhiều tồn tại như chi phí còn cao, thiếu liên kết giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, quy mô, tiềm lực và sự tiến ra thị trường quốc tế của các doanh nghiệp còn hạn chế, nguồn lực cho phát triển và tính chuyên nghiệp còn thiếu.
Cho biết mục tiêu phát triển của ngành logistics tới năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5 – 6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15 – 20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50 – 60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16 – 20% GDP, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt 50 trở lên, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh để đạt được mục tiêu đó cần những giải pháp đồng loạt từ bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp. Bởi hiện còn có những địa phương thiếu sự quan tâm phát triển logistics, dẫn tới thiếu đồng bộ trong quy hoạch cũng như liên kết vùng trong phát triển logistics.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu tin tưởng: “Dự án LCI sẽ giúp đo lường cơ sở hạ tầng, chính sách…phát triển logistics của mỗi tỉnh, thành phố ở Việt Nam, từ đó giúp các địa phương thấy được vị trí của mình trong bức tranh chung cả nước. Là căn cứ để các bên cải thiện chi phí logistics, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Giúp doanh nghiệp có căn cứ lựa chọn địa điểm và mở rộng sản xuất kinh doanh”.
Đại diện khối nghiên cứu, ông Nguyễn Đoàn Đức Tuấn Anh, Tổng Giám đốc DI cho biết, nhóm nghiên cứu sẽ phân tích 4 trụ cột chính trong ngành logistics gồm: Cơ sở hạ tầng, khung pháp lý và chính sách, nhu cầu dịch vụ và chất lượng dịch vụ.
Sau khi ký kết thoả thuận hợp tác, các bên sẽ tiến hành nghiên cứu vĩ mô bao gồm hoàn thiện phương pháp đo lường LCI và tình hình kinh tế tại mỗi tỉnh, phân tích triển vọng phát triển của mỗi tình. Sau đó, đánh giá LCI và đề xuất, trong đó đánh giá chỉ só LCI trên phạm vi tính dựa trên quy mô kinh tế, độ phát triển của LSP, cơ sở hạ tầng và chính sách…
Chia sẻ kinh nghiệm từ việc thực hiện Chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia (PCI), bà Lê thanh hà, đại diện nhóm nghiên cứu VCCI cho biết vui mừng với sự ra đời của chỉ số LCI – chỉ số chuyên biệt cho một lĩnh vực ngành quan trọng như Logistisc. VCCI cam kết đồng hành cùng VLA và các bên trong nhóm nghiên cứu cho sự ra đời của bộ chỉ số một cách chuyên nghiệp và bài bản nhất.
Quá hành trình 17 năm của PCI, bà Thanh Hà cho biết các chỉ số tổng hợp cho phép đo lường nhiều vấn đề lớn của nền kinh tế đã trở nên quen thuộc với Việt Nam như PCI, SIPAS, PAPI, PAR INDEX, DDCI…
“Các chỉ số này cho biết chúng ta đang đứng ở đâu, các địa phương biết mình đang yếu và mạnh ở điểm nào, thay vào nhìn từng góc thì cho phép các nhà lãnh đạo có cái nhìn tổng thể từ một lượng lớn thông tin của ngành vấn đề hay hiện tượng đa chiều”, bà Hà nhấn mạnh. Đồng thời cho biết các chỉ số này giúp đơn giản hoá việc nắm bắt thông tin và truyền thông. Cho thấy thấy sự thay đổi, tiến triển của hiện tượng hay vấn đề của địa phương qua thời gian, thuận iện so sánh với các địa phương, các quốc gia.
Quan tâm chỉ số vùng
Bà Hà cũng lưu ý trong quá trình xây dựng một chỉ số tổng hợp đáng tin cậy cần xây dựng một cách cẩn trọng và khoa học, sử dụng phương pháp thống kê mới trên thế giới, có sự làm mới nhóm các cố vấn qua các năm.
Nói tới 10 bước thực hiện của PCI, để giúp địa phương có thể áp dụng chỉ số hiệu quả nhất, bà Thanh Hà nhấn mạnh tới 3 bước quan trọng có tính cốt yếu ban đầu gồm: Xây dựng khung khái niệm, xây dựng hệ thống chỉ tiêu và thu nhập xử lý ban đầu dữ liệu. Bên cạnh đó bước công bố chỉ số cũng là rất quan trọng.
Cho biết 10 chỉ số thành phần của PCI, Đại diện nhóm nghiên cứu VCCI cũng lưu ý rằng VCCI không tập trung vào cơ sở hạ tầng mà khảo sát cảm nhận doanh nghiệp tập trung vào vấn đề quản trị kinh tế, lượng hoá chất lượng điều hành.
Nhấn mạnh “hãy cứ bắt đầu” bà Hà mong muốn năm 2022 và 2023 này sẽ có kết quả tốt đẹp của LCI, giúp định hình LCI, các địa phương và các cơ quan nhà nước sẽ sử dụng LCI giúp cải thiện một ngành dịch vụ vô cùng quan trọng của nền kinh tế.
Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Ngọc Trân, Cố vấn Dự án LCI đánh giá, đây là dự án quan trọng, trước hết là đúng nhu cầu, đúng lúc, đúng đối tượng và lựa chọn đúng những đối tác để nghiên cứu dự án. Đồng thời tin tưởng dự án sẽ đạt được những kết quả tốt.
“Dự án đưa ra đúng với nhu cầu, bởi phát triển một đất nước bền vững thì vấn đề kt đói ngoại và xuất nhập khẩu là quan trọng nhất. Nhìn vào cán cân xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ thấy sự quan trọng của lĩnh vực này đối với sự phát triển của nền kinh tế. Dự án này đặt ra đúng vào thời điểm việt nam cần phát triển trong bối cảnh của chiến lược Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương”, Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Ngọc Trân nhấn mạnh.
Theo đó, Việt Nam là trung tâm của ASEAN – “yết hầu” của chiến lược Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Như vậy Việt Nam có vị trí địa chính trị, địa kinh tế quan trọng, nhu cầu về xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ đóng vai trò rất lớn. Ngành logistics cần phát triển tương xứng với nhu cầu phát triển này.
Lưu ý cho dự án, Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Ngọc Trân cho rằng, dự án cần dành nhiều quan tâm hơn nữa vào bộ chỉ số – phần lõi của dự án. Làm sao để bộ chỉ số phản ánh đúng thực trạng và nói lên hướng phấn đấu, mục tiêu phát triển của ngành, đưa chỉ số canh tranh logistics cấp tỉnh ngày càng cao hơn.
Đồng thời, vị chuyên gia cũng lưu ý nên suy nghĩ thêm về những chỉ tiêu có tính chất vùng. Bởi dịch vụ logistics không thể phát triển tách rời hạ tầng đường bộ, đường biển, đường thuỷ. “Khác với PCI nhấn mạnh về cải cách hành chính các tỉnh, LCI phải gắn liền với hạ tầng đường sắt, đường biển, đường th, gắn với các chỉ số vùng”, ông Nguyễn Ngọc Trân nhấn mạnh.
Theo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp