Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Chính quyền cách mạng còn non trẻ, giữa bộn bề việc Nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian để gặp gỡ giới doanh nghiệp và doanh nhân.
Trong tuần lễ vàng, các nhà công thương Hà Nội đã là giới chức xã hội đầu tiên được Bác tiếp tại Phủ Chủ tịch. Một tháng sau, ngày 13/10/1945, Người viết thư động viên họ tham gia Công thương cứu quốc đoàn. Bức thư chưa đầy 200 chữ đó của Bác có thể coi như văn kiện đầu tiên của Đảng và Nhà nước ta đối với doanh nghiệp, doanh nhân. 65 năm đã trôi qua nhưng tư tưởng của Bác về doanh nghiệp, doanh nhân được nêu trong bức thư ngày ấy vẫn còn nguyên giá trị.
Trong bức thư Bác gọi giới công thương là “các Ngài”. Bác đã mở đầu bức thư một cách thân mật và trân trọng: “Cùng các Ngài trong giới công thương”.
Bác viết: “Được tin giới công thương đã đoàn kết lại thành Công thương cứu quốc đoàn và gia nhập mặt trận Việt Minh, tôi rất mừng. Hiện nay Công thương cứu quốc đoàn đang hoạt động để làm nhiều việc ích nước lợi dân, tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt”. Như vậy, về vị trí của giới doanh nhân, Bác đã khẳng định: doanh nhân là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và Công thương cứu quốc đoàn – tổ chức của giới doanh nhân là một thành viên của hệ thống chính trị của đất nước – thành viên của mặt trận Việt Minh.
Về vai trò, nhiệm vụ của giới doanh nhân trong các giai tầng xã hội ở Việt Nam, Bác viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng”. Như vậy, Bác đã xác định rõ nhiệm vụ xây dựng kinh tế là nhiệm vụ của doanh nghiệp, doanh nhân.
Về mối quan hệ giữa công việc của giới doanh nhân và sự nghiệp của đất nước, Bác viết: “Việc nước việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công thương nghiệp thịnh vượng”. Xác định việc nước việc nhà phải đi đôi với nhau, đó là lời dạy rất quan trọng của Bác đối với doanh nhân trong sự nghiệp làm giàu, trong việc phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân, là yêu cầu cơ bản của đạo đức, văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Bác kêu gọi giới doanh nhân đoàn kết lại, tham gia vào Công thương cứu quốc đoàn để làm những công việc ích nước lợi dân.
Về trách nhiệm của các cơ quan công quyền đối với sự nghiệp phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân, Bác viết: “Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong công cuộc kiến thiết”.
Những tư tưởng trên đây không phải là sự đánh giá nhất thời, một giải pháp tình thế trong những năm đầu Cách mạng mà là một tư tưởng chiến lược, một chính sách cơ bản lâu dài phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước và vẫn còn nguyên giá trị với giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế hiện nay.
Hồ Chí Minh và doanh nghiệp, doanh nhân
Những lời dạy của Bác đối với sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân không chỉ có trong bức thư lịch sử ngày 13/10/1945, mà còn thể hiện ở rất nhiều bài nói, bài viết của Người liên quan đến doanh nghiệp, doanh nhân. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng với Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia từ năm 2008 đã tập hợp các bài viết, bài nói của Người xuất bản thành sách “Bác Hồ với doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam”. Trong các bài nói, bài viết này, Bác luôn căn dặn các doanh nhân phải đoàn kết: đoàn kết nội bộ, đoàn kết trên dưới, đoàn kết giữa cán bộ công nhân và đồng bào địa phương; Phải chăm lo đào tạo nguồn nhân lực, phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của cán bộ công nhân viên, đặc biệt, phải chăm lo đến cán bộ và công nhân nữ… Phải phát huy sáng kiến và cải tiến kĩ thuật, tăng cường kỉ luật lao động, phải nâng cao năng suất và thực hành tiết kiệm. Bác dặn phải dân chủ, phải công khai, phải xây dựng và phát huy tốt vai trò của các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp. Bác phê phán bệnh hội họp quá nhiều cũng như xu hướng chạy theo số lượng trong sản xuất, ít chú trọng chất lượng. Bác dặn sản xuất phải “nhanh, nhiều, tốt, rẻ”, người sản xuất phải thực thà, sản xuất hàng hóa tốt cho đồng bào dùng, không nên trưng bày hàng tốt mà bán hàng xấu. Bác yêu cầu phải đẩy mạnh phong trào thi đua trong các doanh nghiệp, thường xuyên tổng kết những kinh nghiệm tốt, những điển hình hay để nhân rộng trong cả nước. Bác thường xuyên nhắc nhở phải nhìn ra nước ngoài để học tập kinh nghiệm của các nước tiên tiến trong quản lý sản xuất…
Những chỉ dẫn cụ thể đó của Bác vẫn đang có ý nghĩa thời sự đối việc cả việc điều hành kinh tế vĩ mô và điều hành doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Bác như đang cùng chúng ta trong sự nghiệp xây dựng đất nước.
Nhiệm vụ xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân trong tình hình mới
Trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh, đại hội lần thứ sáu của Đảng (1986) đã đề ra đường lối đổi mới, thừa nhận nền kinh tế nhiều thành phần, coi các doanh nghiệp tư nhân là những thực thể kinh tế bình đẳng trước pháp luật. Đặc biệt luật doanh nghiệp ra đời và có hiệu lực từ năm 2000 đã tạo khuôn khổ pháp lí bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Vị trí vai trò của doanh nghiệp và doanh nhân đã thay đổi. Những kì thị phân biệt đối xử đối với doanh nghiệp dân doanh cũng được khắc phục. Năm 2004, Đảng và nhà nước quyết định chọn ngày 13/10 làm ngày doanh nhân Việt Nam. Đó là những cột mốc quan trọng trên con đường đổi mới thực hiện những lời dạy của Bác Hồ về doanh nghiệp, doanh nhân.
Dưới tác động của đường lối đổi mới, những năm qua cộng đồng doanh nghiệp doanh nhân Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ. Đến nay, cả nước đã có trên 460.000 doanh nghiệp, 1 triệu hộ kinh doanh cá thể đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và 133 ngàn hợp tác xã, trang trại. Nếu tính bình quân mỗi doanh nghiệp, hợp tác xã có 2 đến 3 doanh nhân lãnh đạo và mỗi hộ kinh doanh, trang trại có 1 doanh nhân thì đội ngũ doanh nhân cả nước đã có gần 2,5 triệu người. Dưới sự lãnh đạo của các doanh nhân, khu vực doanh nghiệp đang đóng góp trên 60% GDP, 70% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút được trên 7,4 triệu lao động, chiếm 16,3% lực lượng lao động của toàn xã hội. Doanh nghiệp, doanh nhân đang làm những việc ích nước lợi dân.
Tuy vậy, phải nghiêm túc nhìn nhận một thực tế là: số lượng và chất lượng đội ngũ doanh nhân chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước. Quy mô doanh nghiệp nước ta còn nhỏ bé, kém xa so với khu vực và thế giới, hiệu quả hoạt động chưa cao. Nhiều doanh nhân thiếu kiến thức về pháp luật và kinh doanh, thiếu kinh nghiệm quản lý và tính chuyên nghiệp, còn bị động trong cạnh tranh và hội nhập. Đội ngũ doanh nhân chưa xây dựng được văn hóa kinh doanh chung, chưa liên kết chặt chẽ trong hoạt động.
Một bộ phận doanh nhân chưa tuân thủ đúng pháp luật, thiếu trách nhiệm xã hội. Việc thực hiện những lời dạy của Bác đang là yêu cầu lớn với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Để tiếp tục xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân trong thời gian tới cần xác định rõ:
đội ngũ doanh nhân Việt Nam là đại diện cho sức sản xuất mới trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định để thực hiện mục tiêu chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh là bước đột phá góp phần thúc đẩy phát triển đất nước, đẩy lùi nguy cơ tụt hậu, nâng cao vị thế của Việt Nam trong thời đại mới.
Mục tiêu phải đạt trong thời gian tới là xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có đủ năng lực, trình độ để lãnh đạo, điều hành hệ thống doanh nghiệp có sức cạnh tranh cao, có tinh thần dân tộc, có trách nhiệm xã hội, liên kết chặt chẽ và tham gia tích cực vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, đóng vai trò quyết định trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Phấn đấu đến năm 2020 tạo được bước chuyển về chất lượng và cơ cấu doanh nghiệp: tăng tỷ trọng các doanh nghiệp lớn và vừa, và có được một số doanh nghiệp đạt tầm cỡ khu vực và thế giới.