Theo nghị quyết, TP miễn thu phí với hàng hóa nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho an ninh, quốc phòng; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để phục vụ đảm bảo an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh.

Miễn thu phí đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng tạm xuất tái nhập, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu được vận chuyển ra vào cảng bằng đường thủy nội địa theo hiệp định giữa Việt Nam và Campuchia về vận tải đường thủy.
Giảm 50% mức phí với hàng tạm nhập tái xuất, hàng tạm xuất tái nhập, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu được vận chuyển vào cảng và rời cảng bằng đường thủy nội địa.
Ngoài ra, mức phí hàng hóa xuất nhập khẩu mở tờ khai tại TP hay ngoài TP điều chỉnh cùng một mức thu, tạo sự đồng thuận của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa của các tỉnh thành khác xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng biển.
Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1-8-2022.
Theo tờ trình của UBND TP, phí hạ tầng cảng biển đã được thu từ ngày 1-4. Trong quá trình thực hiện, có một số vấn đề phát sinh cần được điều chỉnh.
Mục đích sửa đổi nghị quyết nhằm hỗ trợ hoạt động vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa cho các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của hiệp định giữa Việt Nam và Campuchia về vận tải đường thủy.
Đồng thời, khuyến khích vận tải đường thủy nội địa phát triển và đồng hành cùng Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
Trước đó, khi TP HCM tiến hành chính thức thu phí, tiếp theo các văn bản đề nghị trước đó, để bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics và các DN sản xuất, XNK – Đối tác của DN dịch vụ logistics, VLA đã chủ động, chủ trì phối hợp với 5 Hiệp hội ngành nghề liên quan là Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ Hàng hải Việt Nam (VISABA), Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam (VSC), Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam (VSA), Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VSA) và Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam tiến hành một loạt các văn bản kiến nghị v/v TP HCM thu phí hạ tầng cảng biển gửi đến UBND, HĐND TP Hồ Chí Minh và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan thuộc hành pháp và lập pháp trong đó có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Kiến nghị của các Hiệp hội đại diện cho các doanh nghiệp đã được sự ủng hộ mạnh mẽ của Bộ Tài chính, Bộ GTVT, Ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội và đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Ủy viên Thường trực của Ủy ban này), Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) của Văn phòng Chính phủ, đồng thời thông báo cho các phương tiện truyền thông đại chúng và dư luận xã hội để có tiếng nói đồng tình ủng hộ mạnh mẽ.
Ngày 30/5/2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì Hội nghị gồm các bên liên quan và đưa ra kết luận để TP HCM xem xét, giải quyết thỏa đáng vấn đề nổi cộm này. Trên cơ sở kết luận của Phó Thủ tướng, ngày 8/6/2022 Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 169/TB-VPCP thông báo báo kết luận “đề nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh sớm trình HĐND Thành phố xem xét điều chỉnh trong tháng 7/2022”.
Đến hết tháng 6/2022 đã có 30 văn bản liên quan của Ủy ban Tài Chính, Ngân sách của Quốc hội (2 văn bản), Văn phòng Chính phủ, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Bộ Tài chính (5 văn bản), Bộ GTVT (3 văn bản), Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (5 văn bản) và các Hiệp hội (10 văn bản). Các văn bản đã phân tích có lý, có tình trên cơ sở luật pháp hiện hành.
Với những nỗ lực kiên trì và liên tục vì quyền lợi của cộng đồng doanh nghiệp, bước đầu đã có những kết quả đáng khích lệ.
Theo VLA tổng hợp