Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam
Vietnam Logistics Business Association

/

/

Tối ưu hóa kho vận từ chuyển đổi số

Tối ưu hóa kho vận từ chuyển đổi số

Xây dựng hệ sinh thái kho vận số, khai thác dữ liệu hiện có của doanh nghiệp thành lợi thế cạnh tranh để lưu chuyển hàng hóa hiệu quả

Một trong 3 nhiệm vụ chiến lược của ngành kho vận (logistics) TP HCM giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 là tập trung phát triển logistics cho lĩnh vực thương mại điện tử. Theo đó, đặt ra yêu cầu thống nhất và đồng bộ các giải pháp từ vận tải, giao thông, thương mại và khoa học công nghệ; phối hợp với các sở, ngành liên quan với các cơ chế chính sách từ nhà nước và chính quyền địa phương sẽ thúc đẩy quá trình đổi mới này.

Rào cản chi phí đầu tư

Theo thống kê thực trạng số hóa ngành logistics trên địa bàn TP, tỉ lệ doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP có ứng dụng ERP đạt 44,8%, ứng dụng hệ thống quản lý kho hàng đạt 41,4%, quản lý vận tải đạt 44,8% và vẫn còn số lượng lớn DN chưa tiếp cận được. Con số này cho thấy ngành logistics vẫn chưa tối ưu hóa hiệu quả hoạt động.

Các DN đa quốc gia đều được trang bị các hệ thống này, khi vào hoạt động tại thị trường Việt Nam, đều dùng chung hệ thống của công ty mẹ. Với các công ty trong nước, chỉ có những DN lớn chuyên làm kho phân phối như Tổng Công ty Tân Cảng, Gemadept, Vinafco, U&I, TBS, Transimex, Sotrans… mới có đủ nguồn lực để phát triển các ứng dụng quản lý kho hàng, đạt mức đồng bộ dữ liệu giữa các bộ phận giao hàng, quản lý hàng tồn, kế toán tài chính.

Khó khăn lớn nhất trong chuyển đổi số ngành logistics, nhất là các DN nhỏ và vừa, là vấn đề kinh phí đầu tư. Đầu tư theo hướng tự động hóa của các mô hình và phần mềm nước ngoài thì tốn nhiều chi phí đầu tư ban đầu; còn nếu tự làm theo mô hình nội bộ sẽ mất nhiều thời gian, khó khăn, chi phí nguồn nhân lực công nghệ thông tin… Do đó, DN chưa mạnh dạn hoặc không có khả năng đầu tư. Bên cạnh đó, một số nguyên tắc chưa có trong luật và hệ thống quản lý nhà nước cũng tạo rào cản cho số hóa trong logistics như chưa có luật về logistics, luật về e-logistics, thủ tục hành chính phức tạp… Việc liên kết, đồng bộ dữ liệu giữa các hãng vận chuyển (đường bộ, đường thủy, đường hàng không), hải quan, cảng biển, cảng hàng không và trong chính nội bộ DN logistics đang gặp khó khăn. Tỉ lệ DN logistics có sử dụng công nghệ mã vạch chỉ chiếm 10,2% và sử dụng công nghệ nhận dạng qua tần số vô tuyến (RFID) chiếm 2,5%. Tỉ lệ này còn thấp, cần được cải thiện trong thời gian tới vì mã vạch và RFID là công cụ cơ bản để quản lý dòng lưu chuyển hàng hóa.

Tuy 99% phương tiện vận tải gắn thiết bị giám sát hành trình GPS, tỉ lệ DN sử dụng chuẩn trao đổi dữ liệu điện tử (EDI) để khai báo hải quan, xử lý vận đơn… đạt 72,4% nhưng việc ứng dụng điện toán đám mây, công nghệ Blockchain, trí tuệ nhân tạo vẫn còn rất hạn chế trong các DN logistics trên địa bàn.

Xây dựng phiên bản số

Bước sang giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, ngành logistics TP đặt mục tiêu xây dựng phiên bản số của hệ sinh thái logistics, khai thác dữ liệu hiện có của DN thành lợi thế cạnh tranh, tối ưu hóa quá trình lưu chuyển hàng hóa (xuất nhập khẩu và phân phối nội địa). Phiên bản số sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước hoạch định chiến lược quản lý, phát triển phù hợp, phát hiện và chủ động tháo gỡ khó khăn, bất cập trong lưu chuyển hàng hóa trên địa bàn; đồng thời giúp DN logistics kết nối và liên kết dịch vụ với nhau để cung cấp chuỗi dịch vụ, tiết kiệm chi phí.

Đơn cử, chi phí giao thông vận tải hiện chiếm đến 60% tổng chi phí logistics, do đó việc số hóa hoạt động vận tải cần được thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ giữa giao thông và vận tải. Xây dựng dữ liệu chung lưu trữ và quản lý tập trung dữ liệu hành trình của các phương tiện giao thông, vận tải nhằm số hóa hoạt động, từ đó có cơ sở điều chỉnh về quy hoạch giao thông, bố trí bãi đậu xe nội thành, khu vực trung chuyển hàng hóa, bố trí giờ giấc ưu tiên. Khai thác giải pháp giám sát hình ảnh bằng camera (an ninh, giao thông) để đo đếm lưu lượng giao thông, cảnh báo các khu vực có khả năng kẹt xe. Nghiên cứu phát triển thuật toán, khai thác trí tuệ nhân tạo, mô phỏng dựa trên dữ liệu để đưa ra cảnh báo về phân luồng giao thông, đề xuất về vị trí thiết lập khu vực trung chuyển hàng hóa.

Xây dựng hệ sinh thái logistics số để tối đa hóa giá trị thực hiện các dịch vụ thông qua việc kết nối đối tác trên toàn chuỗi dịch vụ theo hướng tích hợp, trọn gói và định hướng “one-stop shopping” (cửa hàng một điểm đến). 

Đồng bộ nền tảng giao dịch số

Sở Công Thương TP HCM đang phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam, Hội Tin học TP nghiên cứu thành lập trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin, thiết lập đồng bộ nền tảng giao dịch số về logistics để khắc phục hạn chế trong nhận dạng hàng hóa, lộ trình giao hàng, nâng hạ và xếp dỡ hàng hóa và tính liên thông giữa DN với cơ quan quản lý nhà nước. Sở Công Thương sẽ chủ trì phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ (chủ quản Trung tâm Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý) xây dựng và hoàn thiện bản đồ GIS về logistics. Bản đồ số sẽ cung cấp thông tin về hệ thống kho hàng, hệ thống bán lẻ (siêu thị, cửa hàng tiện lợi…) và dữ liệu xe tải hàng hóa để giúp cơ quan quản lý nhà nước và DN cùng “nhìn thấy” những luồng di chuyển hàng hóa chủ yếu trên địa bàn. Dữ liệu bản đồ số sẽ giúp cho việc khai thác hiệu quả các kho hàng, các cung đường vận chuyển.

Theo: Báo Người lao động (https://nld.com.vn/cong-nghe/toi-uu-hoa-kho-van-tu-chuyen-doi-so-2020092622261873.htm)

Sự kiện VLA tổ chức

Thông báo quan trọng

Hướng Dẫn Đăng Ký eFBL
Hướng Dẫn Đăng Ký FMC Bond
Tài Liệu Kỹ Năng Soạn Thảo Hợp Đồng Logistics