Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp thu ý kiến, khẩn trương giải quyết các kiến nghị của các hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học, cắt giảm ngay các thủ tục không cần thiết, đồng thời, nghiên cứu để hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo mọi điều kiện để ngành dịch vụ logistics phát triển.
Phát biểu tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhìn nhận năm 2020, mặc dù chịu tác động lớn của đại dịch COVID-19 nhưng Việt Nam đã thành công trong phòng chống, kiểm soát dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Theo Phó Thủ tướng, kết quả này có sự đóng góp của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, thành phần kinh tế. Trong đó, có đóng góp rất quan trọng của ngành logistics.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020. Ảnh: VGP/Đoàn Bắc
Ngành dịch vụ hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
“Do đó, nếu nâng cao chất lượng, giảm giá thành các dịch vụ logistics, sẽ giúp doanh nghiệp tiết giảm được rất nhiều chi phí, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, của cả nền kinh tế”, Phó Thủ tướng nói.
Tại Việt Nam, logistics được phát triển từ những năm 1990. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn, logistics đã phát triển mạnh mẽ, khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế.
Đến nay, hệ thống chính sách, pháp luật về logistics ngày càng được hoàn thiện; kết cấu hạ tầng logistics trong những năm qua đã có những chuyển biến rõ nét, nhiều công trình lớn, hiện đại đã được đầu tư và đưa vào khai thác, sử dụng, phát huy tốt hiệu quả; dịch vụ logistics của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tương đối cao đạt 12% đến 14%, tỉ lệ doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ logistics đạt khoảng 60-70%, đóng góp khoảng 4-5% GDP.
Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2018, chỉ số năng lực hoạt động logistics (LPI) của Việt Nam xếp hạng 39/160 nước tham gia nghiên cứu, tăng 25 bậc so với năm 2016 và vươn lên đứng thứ 3 trong các nước ASEAN.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, ngành logistics Việt Nam vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đặc biệt là chi phí dịch vụ logistics ở nước ta còn khá cao, làm tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam nói riêng, sức cạnh tranh của cả nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Nguyên nhân cơ bản là do công tác quy hoạch giữa các ngành, lĩnh vực vẫn còn chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau; cơ sở hạ tầng giao thông, thương mại, công nghệ thông tin còn hạn chế, việc kết nối với các nước trong khu vực còn chậm; sự kết hợp giữa thương mại điện tử và logistic chưa thực sự hiệu quả.
Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics ở Việt Nam còn chưa cao so với các nước trong khu vực và thế giới. Việt Nam chưa có các doanh nghiệp lớn, cung ứng đồng bộ các dịch vụ logistics; nguồn nhân lực cho hoạt động logistics còn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Phát triển thị trường dịch vụ logistics lành mạnh, bình đẳng
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định năm 2021 tới đây và các năm tiếp theo, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường trong khi đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, gây ra suy thoái trầm trọng và khủng hoảng kinh tế toàn cầu, điều này có khả năng tác động lâu dài đến nền kinh tế thế giới, làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị toàn cầu, cách thức hoạt động kinh tế và tổ chức đời sống xã hội của thế giới.
Xác định rõ những thời cơ, thách thức trong năm 2021 và những năm tiếp theo, nhận thức rõ vai trò của ngành logistics, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết Chính phủ đã đề ra những yêu cầu rất cụ thể đổi với ngành dịch vụ quan trọng này, trong đó có yêu cầu phải giảm chi phí logistics để nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của hàng hoá và nền kinh tế.
“Muốn vậy, cần phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị giá tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin”, Phó Thủ tướng nói.
Thêm vào đó, Việt Nam cần phát triển thị trường dịch vụ logistics lành mạnh, tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, khuyến khích thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước; phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược, tăng cường kết nối để đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics quan trọng trong khu vực; tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics; Phát triển các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics về số lượng, quy mô, có năng lực cạnh tranh cao ở thị trường trong nước và quốc tế.
Cụ thể, Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng của các ngành dịch vụ logistics đạt 15-20%/năm, chiếm tỷ trọng 8-10% GDP; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50-60%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 16-20% GDP.
“Để thực hiện định hướng và mục tiêu nêu trên, tôi yêu cầu các Bộ ngành và địa phương theo chức năng và nhiện vụ được giao có chương trình cụ thể thực hiện kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ GTVT, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương, tiếp thu ý kiến, khẩn trương giải quyết các kiến nghị của các Hiệp hội, các doanh nghiệp vận tải, logistics, cắt giảm ngay các thủ tục không cần thiết”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Hoàn thiện cơ chế, ưu tiên phát triển hạ tầng
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm cho các bộ, ban ngành tại Diễn đàn.
Trước hết, các bộ, ngành cần tập trung hoàn thiện hệ thống các quy định, cơ chế, chính sách liên quan đến logistics trong ngành, lĩnh vực mình phụ trách; đảm bảo tính ổn định, đồng bộ, tính minh bạch, khả thi, giảm mạnh thủ tục hành chính và các rào cản để giảm chi phí thực thi cho người dân, doanh nghiệp.
Đặc biệt là, hoàn thiện cơ chế chính sách, huy động nguồn lực, giải pháp tiết giảm chi phí, thúc đẩy phát triển logistics cho từng lĩnh vực giao thông (đường bộ, đường biển, đường thủy, đường sắt, đường không), cho từng vùng, miền, địa phương. Cùng với đó, triển khai các nhóm giải pháp tổng thể trong các lĩnh vực thuế, phí, hải quan… nhằm rút ngắn thời gian, nâng cao chất lượng, giảm chi phí cho các hoạt động logistics.
Thứ hai, khẩn trương, rà soát các quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo tính đồng bộ kết nối của hệ thống kết cấu hạ tầng với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics. Bảo đảm các quy hoạch, kế hoạch về phát triển kết cấu hạ tầng phù hợp với các chiến lược, quy hoạch về sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xuất nhập khẩu, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương. Trên cơ sở quy hoạch, xác định rõ danh mục các dự án ưu tiên đầu tư, từ đó có các giải pháp huy động nguồn lực hợp lý để đầu tư một cách hiệu quả. Nghiên cứu để quy hoạch, đầu tư xây dựng các trung tâm dịch vụ logistic lớn có khả năng kết nối tốt với các cảng, các tuyến vận tải chính.
Thứ ba, cần ưu tiên tối đa nguồn lực để hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển logistics. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình giao thông lớn, đặc biệt là tuyến cao tốc Bắc-Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau; các tuyến cao tốc liên vùng, vành đai; sân bay Long Thành, nâng cấp sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất; hệ thống cảng cửa ngõ quốc tế, cảng thuỷ nội địa…
Bên cạnh đó, triển khai đầu tư xây dựng hệ thống trung tâm logistics trên cả nước. Mở rộng kết nối hạ tầng logistics với các nước trong khu vực ASEAN, Đông Bắc Á và các khu vực khác trên thế giới nhằm phát huy tác dụng của vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới và quá cảnh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, khai thác vận tải, liên kết các phương thức vận tải, quản lý vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics.
Về nhóm giải pháp phát triển doanh nghiệp logistics, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì sớm xây dựng các gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình triển khai các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc của doanh nghiệp về các vấn đề chính sách và thực thi các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA và sắp tới là Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực ASEAN và các nước đối tác (RCEP).
“Các bộ, ngành khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc để doanh nghiệp dịch vụ logistics, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thuận lợi trong việc tiếp cận các nguồn vốn trong và ngoài nước, phát triển thị trường, đào tạo, tiếp cận thông tin”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Sớm hoàn thành việc xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê logistics; chỉ rõ “điểm nút” trong chi phí logistics để tập trung phát huy nội lực, tận dụng cơ hội của hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhằm tạo đột phá trong phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam.
Thứ năm, Bộ Công Thương thực hiện tốt nhiệm vụ điều phối và phát triển logistics quốc gia; phát huy mạnh mẽ hiệu lực, hiệu quả của cơ chế liên ngành, phối hợp từ Trung ương đến địa phương để kịp thời tái cơ cấu chuỗi cung ứng, dịch vụ logistics quốc tế và trong nước sau khi chấm dứt đại dịch COVID-19 phục hồi kinh tế.
Cuối cùng, Phó Thủ tướng lưu ý đến việc tăng cường đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các trường đại học nghiên cứu xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo về logistics, thành lập khoa logistics; công nhận chuyên ngành đào tạo logistics. Xây dựng bộ tiêu chuẩn nghề và khung trình độ quốc gia đào tạo nghề về logistics tương thích với trình độ chung của ASEAN và quốc tế. Các cơ sở đào tạo nghề triển khai đào tạo nghề liên quan đến logistics. Đồng thời, hợp tác với các tổ chức đào tạo nước ngoài tiến hành các khóa đào tạo dựa trên thực tế nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, huấn luyện nhân lực về logistics.
“Tôi đề nghị các hiệp hội, doanh nghiệp trong ngành dịch vụ logistics chủ động đổi mới mô hình, hoạt động, ứng dụng công nghệ thông tin, nắm bắt thông tin thị trường để có giải pháp huy động nguồn lực, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động tìm kiếm, liên kết với các doanh nghiệp quốc tế có uy tín để cùng phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics”, Phó Thủ tướng kết luận.