Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam
Vietnam Logistics Business Association

/

/

Sông Hậu và các cửa sông Định An, Bassac và Trần Đề

Sông Hậu và các cửa sông Định An, Bassac và Trần Đề

Đồng bằng sông Cửu Long có chín cửa sông, sáu của sông Tiền (cửa Tiểu, cửa Đại, cửa Ba Lai, cửa Hàm Luông, cửa Cổ Chiên, cửa Cung Hầu) và ba của sông Hậu (cửa Định An, cửa Bassac, cửa Trần Đề). Cửa Bassac ngày nay chỉ còn được nói đến trong thì quá khứ vì đã từng tồn tại trong quá trình phát triển của sông Hậu.

Bài viết này sưu tập một số tư liệu, bản đồ và ảnh vệ tinh qua đó góp phần vào hiểu biết về các cửa sông Hậu và nêu lên một số nhận xét, thảo luận.

Ba cửa Định An, Bassac và Trần Đề ở cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX

Trong các Hình 1, là các mảng trích từ các bản đồ Nam kỳ do chính quyền thuộc địa xây dựng vào các năm 1874, 1878 (tỷ lệ 1/1000000), 1901 và 1923 (tỷ lệ 1/400000).  

Song Hau va cac cua song Dinh An, Bassac va Tran De
 

Cách nhau 4 năm, hai bản đồ trong Hình 1a và 1b không khác nhau nhiều trên địa bàn ba cửa sông. Cửa Định An nằm sát bờ Trà Vinh. Cửa Trần Đề nắm sát bờ Sóc Trăng. Ở giữa là cửa Bassac.

Giữa cửa và luồng Định An với cửa và luồng Bassac có hai cồn nằm dọc theo luồng là cồn Chàng Cốc và Cồn Dung. Cuối Cồn Dung có hai bãi triều kéo dài Cồn Dung ra phía Biển Đông và lệch sang bờ Trà Vinh.

Luồng Bassac chảy giữa Cồn Dung bên trái và hai cồn nhỏ không có tên trên các bản đồ, nằm dọc theo bên phải luồng. Cuối của cồn thứ hai về phía biển cũng là một bãi triều dài về phía Biển Đông.

Trong bản đồ năm 1901 Hình 1c, hai cồn này có tên là An Thạnh Nhì và Cù lao Khong. Đoạn cuối của luồng Bassac chảy giữa hai bãi triều dài cuối các cù lao Dung và cù lao Khong.

Trong Hình 1d, trích từ bản đồ giao thông thủy ở Nam Kỳ năm 1923, sông Hậu thông ra Biển Đông bằng hai luồng, một qua cửa Định An và một qua cửa Bassac. Như vậy vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, giao thông thủy trên luồng Bassac tồn tại và được ghi nhận như luồng Định An. Lưu ý là vào năm 1923 Kênh Chánh Bố đã được đào nhưng không phải là một đường giao thông thủy. 

Song Hau va cac cua song Dinh An, Bassac va Tran De
 

Biến động của ba cửa sông từ năm 1885 đến năm 1985

Trong Hình 2 là những biến đổi của ba cửa sông và sự hình thành Cù lao Dung từ năm 1885 đến năm 1985 dược Chương trình Điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long thể hiện [2].  

Song Hau va cac cua song Dinh An, Bassac va Tran De
 

Trong các năm 1885-1940 Cồn Dung tiếp tục được kéo dài ra Biển Đông, mở rộng ra cả hai bên, kéo dài luồng Định An ra hướng biển. Sông Cồn Cốc từ đó không thông ra biển trực tiếp nữa mà qua luồng Định An.

Trong giai đoạn 1940 – 1965 hai bờ của luồng sông Hậu đi ra cửa Bassac được bồi, luồng bị thu hẹp và ở đoạn cuối, luồng ngoặc sang phải và đổ vào cửa Trần Đề. Luồng và cửa sông Bassac tắt dần.

Biến động của cửa Định An và cửa Trần Đề từ năm 1989 đến năm 2020

Hình 3a là ảnh vệ tinh Landsat ngày 16/01/1989 chụp Cù lao Dung hiện nay, bờ Trà Vinh và bờ Sóc Trăng. Hình 3b là ảnh vệ tinh Landsat của cùng địa bàn ngày 07/02/2020. Hình 3c là hình chập hai ảnh vệ tinh trước, cho thấy sự biến đổi của Cù lao Dung và sự chuyển dịch của hai luồng Định An và Trần Đề, từ năm 1989 đến năm 2020.

Trong Hình 3c, những con số màu trằng chỉ những vị trí được bồi, là bãi bồi nơi rừng ngập mặn phát triển; những vị trí có số màu vàng chỉ nơi dọc theo đó bờ sông bị bào mòn.

Hình 4a nhìn cận cảnh đầu vào từ sông Hậu của luồng Trần Đề. Hiện bên cạnh Cồn Mỹ Phước có một cồn thứ hai. Hai cồn (đánh sô 7) đã tồn tại năm 1989. Cồn thứ hai lớn lên rất nhanh theo hướng dòng chày sông Hậu – luồng Định An, đang tiến gần đầu Cù lao Dung và có xu hướng xích lại gần Cồn Mỹ Phước do bồi từ cả hai cồn. Nếu tiếp tục xu hướng phát triển hiện nay lối vào của luồng Trần Đề sẽ bị án ngữ

Cụm hai cồn thứ hai (đánh số 6), nhỏ hơn, mới nổi lên ở giữa luồng sau năm 1989 ngay vàm sông Saintard, cũng đang lớn dần lên theo hướng dòng chảy của luồng Trần Đề.  

Song Hau va cac cua song Dinh An, Bassac va Tran De
 

Giáp với biển, Cù lao Dung tiếp tục được bồi theo hướng Đông Bắc–Tây Nam, nhiều hơn về hướng Tây Nam. Bờ biển huyện Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu cũng được bồi. Rừng ngập mặn phát triển tốt, Hình 3c và 4b.

Đầu vào của luồng Trần Đề có xu hướng bị án ngữ. Đầu ra của luồng có xu hướng được kéo dài và hẹp lại. Hai xu hướng này cần tiếp tục được theo dõi vì có liên quan đến việc khai thác luồng.

Số liệu nạo vét và duy tu luồng Định An

Dòng chảy của sông Hậu trổ ra Biển Đông qua cửa Định An ít biến động nhất so với cửa Bassac (đã tắt) và cửa Trần Đề qua các bản đồ và ảnh vệ tinh có được trong 160 năm qua.

Việc lắng đọng trầm tích tại cửa sông là tất yếu theo quy luật. Cửa Định An không là ngoại lệ. Dưới đây là Bảng số liệu nạo vét và duy tu luồng Định An đã được Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện.

Tổng khối lượng bùn cát nạo vét là 7.243.247 m3, độ sâu nạo vét bình quân là -3.63 mét và tổng kinh phí nạo vét các năm theo giá thời điểm cộng lại là 197,781 tỷ đồng

Song Hau va cac cua song Dinh An, Bassac va Tran De

Nguồn: Bộ Giao thông Vận tải (2017)

Riêng trong 10 năm (2007 – 2016), tổng khối lưọng nạo vét là 2,38 triệu m3 bùn cát và tổng kinh phí nạo vét là 122,2 tỷ đồng giá thời điểm.

Phương tiện được sứ dụng để nạo vét hàng năm là một trong hai tàu hút bụng chuyên dùng để duy tu luồng là Long Châu và Trần Hưng Đạo (do CHDC Đức sản xuất, hạ thủy năm 1969, năng suất 3.500 m3/giờ, sức chứa bụng 3.250 m3), được điều từ Hải Phòng vào để tiến hành nạo vét trong thời gian từ 2 đến 4 tháng trong mùa khô vì các phương tiện này không chịu nổi sóng gió vào mùa mưa.

Kể từ năm 2017, Cục Hàng hải Việt Nam ngưng việc nạo vét, duy tu luồng.

Nhận xét và thảo luận

(1) Trong 160 năm qua, Cù lao Dung phát triển về phía Tây – Tây Nam và bằng cách này cửa và luồng Bassac đã tắt dần.

(2) Cần theo dõi biến động của cửa và luồng Trần Đề.

Ở đầu vào của luồng khi sông Hậu tách thành luồng Định An và luồng Trần Đề, sự phát triển của cồn Mỹ Phước, cồn “ông quân bụi” và hai cồn mới nổi ở đầu cửa sông Saintard tại Đại Ngãi.

Các Hình 5a  5b nhìn khái quát vùng cửa sông Hậu từ Sóc Trăng (Vĩnh Châu, Trần Đề) đến Trà Vinh (Duyên Hải) vào cuối mùa mưa năm 2018 và giữa mùa khô năm 2019.  

Song Hau va cac cua song Dinh An, Bassac va Tran De
 

Màu nước sông Hậu đổ ra biển ở hai thời điểm nhiều và ít trầm tích trong năm cho thấy sự cần thiết theo dõi sát sao đầu ra Biển Đông của luồng Trần Đề về chiều rộng, và chiều sâu.

(3) Có một tuyến luồng Định An có hiệu quả kỹ thuật và kinh tế giải đáp được bài toán xuất nhập khẩu và phát triển của đồng bằng sông Cửu Long.

Nếu muốn cho tàu có trọng tải 20.000 tấn vào đến Cảng biển Cần Thơ, độ sâu nạo vét phải là -6,5 mét. Nạo vét duy tu ở độ sâu trung bình -3,63 mét, như Cục Hàng hải Việt Nam đã làm trong hon 30 năm qua là khước từ trên thực tế việc tiếp nhận tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu.

Đã có nhiều nghiên cứu vấn đề bồi lắng ở Cửa Định An. Đồng vị phóng xạ đã được ứng dụng để xác định cơ chế bồi lắng. Nếu tìm một luồng cố định là không thực tế thì một luồng động với độ sâu -6,5 mét là hoàn toàn có thể xác định được.

Từ những năm 1980, nhiều phương án luồng Định An động được đề xuất với ước tính kinh phí nạo vét duy tu hàng năm tương ứng.

Vấn đề không phải là không có luồng cho tàu trọng tải lớn vào cửa Định An. Vấn đề không phải là kỹ thuật mà là trách nhiệm, là sự lựa chọn khách quan, công minh giữa một bên là xuất nhập khẩu, sự phát triển của đồng bằng sông Cửu Long và một bên kinh phí nạo vét duy tư đúng chuẩn tắc hàng năm.

(4) Diễn biến của cửa sông Hậu nhân tạo sẽ được đề cập trong bài tiếp theo,

 CHÚ THÍCH:

[1] : – Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban khoa học kỹ thuật Nhà nước (1980-1992), Chủ nhiệm Chương trình Điều tra cơ bản đồn bằng sông Cửu Long (1983-1990), Đại biểu Quốc hội (1992-2007).

[2] : – Tô Quang Thịnh, Trung tâm Viễn Thám, Cục Đo đạc và Bản đồ nhà nước, phụ trách. Kết quả trong Đồng bằng sông Cửu Long, Tài nguyên – Môi trường – Phát triển, Báo cáo tổng hợp của Chương trình khoa học Điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long, Gs.Ts. Nguyễn Ngọc Trân, Chủ nhiệm Chương trình chủ biên, Ủy Ban Khoa học Nhà nước, Hà Nội, 3.1991. http://ir.vnulib.edu.vn/handle/VNU_HCM/6600.

Tác giả: Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Ngọc Trân

Link gốc bài viết: https://datviet.trithuccuocsong.vn/dien-dan-tri-thuc/song-hau-va-cac-cua-song-dinh-an-bassac-va-tran-de-3430283/

 

Sự kiện VLA tổ chức

Thông báo quan trọng

Hướng Dẫn Đăng Ký eFBL
Hướng Dẫn Đăng Ký FMC Bond