Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam
Vietnam Logistics Business Association

/

/

Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển cần được xem xét, đánh giá để “cùng thắng”

Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển cần được xem xét, đánh giá để “cùng thắng”

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu nội dung Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển phải bảo đảm nguyên tắc và quan điểm quy hoạch đồng bộ, thống nhất dựa trên các tiêu chí khoa học, xem xét quy hoạch “động” và “mở” hợp lý.

cảng cái mép

Cụm cảng Cái Mép, Bà rịa – Vũng tàu

Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 406/TB-VPCP ngày 5/9/2024 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thông báo nêu rõ, Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển là quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành theo Luật Quy hoạch, cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2030.

Để bảo đảm chất lượng và có đầy đủ cơ sở xem xét phê duyệt, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giao Bộ Giao thông vận tải và Văn phòng Chính phủ rà soát kỹ quy trình, thủ tục, thẩm quyền (quá trình lập, thẩm định, phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển) bảo đảm phù hợp với pháp luật về quy hoạch, hàng hải, giao thông và các quy định của pháp luật có liên quan.

Bộ Giao thông vận tải, cơ quan lập quy hoạch và các đơn vị tư vấn chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác của thông tin, số liệu Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển; chịu trách nhiệm về kết quả dự báo và tính thống nhất giữa Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển với các quy hoạch có liên quan (Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các Quy hoạch ngành quốc gia, Quy hoạch vùng, Quy hoạch tỉnh…), tuân thủ nguyên tắc quy hoạch cấp thấp phải tuân thủ quy hoạch cấp cao hơn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu nội dung Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển phải bảo đảm nguyên tắc và quan điểm quy hoạch đồng bộ, thống nhất dựa trên các tiêu chí khoa học, xem xét quy hoạch “động” và “mở” hợp lý, lường trước phương án xử lý các vấn đề quy hoạch khi xuất hiện các yếu tố mới. Bộ Giao thông vận tải, cơ quan lập quy hoạch thường xuyên theo dõi, đánh giá, khi xuất hiện các điều kiện thay đổi bất ngờ, không dự báo được, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.

Các bến cảng, khu bến cảng mới được bổ sung phải được xem xét, đánh giá trên quan điểm mục tiêu, tầm nhìn, hiệu quả tổng thể để “cùng thắng”; đánh giá mối quan hệ, tác động các bến cảng mới có làm thay đổi, ảnh hưởng các dự án lớn, chiến lược. Trong đó, nhóm cảng số 4 liên quan đến các bến cảng Cái Mép hạ, bến cảng Cái Mép thượng thuộc khu Cái Mép – Thị Vải và bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ phải được nghiên cứu, đánh giá xem xét, tính toán kỹ lưỡng, toàn diện các vấn đề liên quan.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nêu rõ, mặc dù là quy hoạch chi tiết nhưng không quy hoạch “bó cứng”, cần phải bảo đảm tính tổng thể, tầm nhìn làm tiền đề, cơ sở cụ thể hóa trong Quy hoạch vùng đất, vùng nước cảng biển; tư duy quy hoạch phải tạo được các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng (bến cảng) tốt để kêu gọi các nhà đầu tư (hãng tàu, doanh nghiệp) có tiềm lực.

Cần nghiên cứu một số cơ chế, chính sách trong việc phát triển hạ tầng cảng, tổ chức thực hiện quy hoạch hiệu quả, trong đó nghiên cứu xem xét nhà nước đầu tư một số bến cảng chính, quan trọng cần thiết phải nắm giữ, quản lý; phân định rõ trách nhiệm của nhà nước và trách nhiệm của nhà đầu tư trong đầu tư kết cấu hạ tầng cảng biển và hạ tầng phục vụ khai thác cảng biển.

Theo Tạp chí Công thương

Ngày 28/8, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành, địa phương về dự thảo Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển).

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang cho biết Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển nhằm cụ thể Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển là cần thiết, làm cơ sở hoạch định chính sách, giải pháp phát triển cảng biển đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh địa phương, vùng miền và cả nước.

Nội dung Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển: Quy hoạch chi tiết từng cảng biển, khu bến cảng, xác định số lượng bến cảng, cầu cảng, loại cảng giai đoạn đến năm 2030, dự kiến quy mô một số khu bến, bến cảng quy mô lớn, giai đoạn 2030-2050 phục vụ kêu gọi đầu tư tổng thể (Nam Đồ Sơn, Con Ong-Hòn Nét, Liên Chiểu, Cần Giờ, Cái Mép Hạ, Cái Mép Hạ hạ lưu, Trần Đề).

Bên cạnh đó, đề xuất quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng; định hướng hạ tầng giao thông kết nối; định hướng phát triển các cầu cảng, bến cảng khác làm cơ sở triển khai trong các quy hoạch tiếp theo hoặc là cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định hoặc phê duyệt trong bước chấp thuận chủ trương và chuẩn bị đầu tư. Đồng thời xác định nhu cầu sử dụng đất, mặt nước; nhu cầu vốn đầu tư; danh mục các nhiệm vụ ưu tiên đầu tư đến năm 2030; giải pháp và tổ chức thực hiện…

Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển đưa ra các mục tiêu về sản lượng hàng hóa, hành khách và kết cấu hạ tầng cho từng Nhóm cảng biển, cảng biển, khu bến (xác định số lượng bến cảng, cầu cảng) phù hợp với kết quả dự báo.

 

Sự kiện VLA tổ chức

Thông báo quan trọng

Hướng Dẫn Đăng Ký eFBL
Hướng Dẫn Đăng Ký FMC Bond
Tài Liệu Kỹ Năng Soạn Thảo Hợp Đồng Logistics