Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam
Vietnam Logistics Business Association

/

/

Phó Thủ tướng chỉ đạo nhiều nội dung nhằm thúc đẩy ngành logistics phát triển

Phó Thủ tướng chỉ đạo nhiều nội dung nhằm thúc đẩy ngành logistics phát triển

Ngày 30/9, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh tại Phiên họp lần thứ tám của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899). Phó Thủ tướng đánh giá cao các thành tựu mà Ủy ban 1899 đạt được trong thời gian qua, qua đó có nhiều nội dung chỉ đạo cho các Bộ, ngành liên quan.

Quang cảnh phiên họp lần thứ 8 của UB1899 diễn ra vào ngày 5/8/2022

Thông báo kết luận nêu rõ, trong thời gian 2 năm qua, Ủy ban 1899 và các Bộ, ngành đã đạt được một số kết quả tốt trong vấn đề thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, đặc biệt là kiểm tra chuyên ngành để tạo thuận lợi cho thương mại và hoạt động của doanh nghiệp, người dân trong các hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại, xuất nhập cảnh. Đến ngày 30/6/2022, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 249/261 thủ tục hành chính của 13 Bộ, ngành đã kết nối với gần 4,95 triệu bộ hồ sơ của hơn 55.000 doanh nghiệp; riêng năm 2021 đã hoàn thành triển khai chính thức 36 thủ tục và 6 tháng đầu năm 2022 là 6 thủ tục. Theo báo cáo bảng xếp hạng trong ASEAN, có những lĩnh vực chúng ta đã vượt hàng đầu, đến nay đã kết nối toàn bộ 9 nước ASEAN trong các thủ tục, cơ chế một cửa. Đó là những kết quả rất đáng biểu dương, khen ngợi. Bên cạnh những nỗ lực cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành, việc triển khai vẫn còn một số tồn tại hạn chế như: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kiểm tra chuyên ngành chưa đồng bộ, thống nhất; hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành còn nhiều, chưa có đủ tiêu chuẩn/quy chuẩn kỹ thuật để kiểm tra; đã áp dụng quản lý rủi ro nhưng không hiệu quả; chưa áp dụng công nhận lẫn nhau, thừa nhận lẫn nhau; chưa áp dụng truy xuất nguồn gốc trong kiểm tra chuyên ngành; trình tự, thủ tục kiểm tra còn qua nhiều bước, quá mức cần thiết, không thống nhất, còn chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành; Kiểm tra nhiều nhưng phát hiện kết quả rất thấp; chi phí kiểm tra chuyên ngành cao.  

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại, Phó Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành tập trung triển khai nhiều nội dung.

Trong đó, riêng về nhiệm vụ triển khai thúc đẩy logistics, Phó Thủ tưởng chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục triển khai Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ Logistics Việt Nam đến năm 2025 theo Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14 tháng 02 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.

Theo đó, Bộ Công Thương cần chủ động nâng cao vai trò cơ quan đầu mối điều phối, phát triển logistics quốc gia, phối hợp với các Bộ, ngành và Hiệp hội Logistics Việt Nam đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy ngành dịch vụ logistics Việt Nam phát triển; Chủ động kiện toàn nhân lực cho bộ phận đầu mối giúp việc thuộc Bộ Công Thương để triển khai nhiệm vụ điều phối và phát triển logistics quốc gia.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính tiếp tục bám sát tình hình giá cước vận tải biển, kiểm tra, rà soát đảm bảo việc thực hiện các quy định của pháp luật về niêm yết, công khai giá; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do chi phí vận tải tăng cao.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện công tác thu thập, công bố dữ liệu thống kê về logistics đảm bảo chính xác, kịp thời.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng còn chỉ đạo, Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp Bộ Ngoại giao nghiên cứu, đề xuất xử lý kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam về việc đề nghị Lào gỡ bỏ hạn chế đối với xe của Việt Nam khi vận chuyển container rỗng sang Lào phải có bảo lãnh của một doanh nghiệp Lào thì mới được vào Lào theo đúng quy định pháp luật; Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, đề xuất xử lý kiến nghị của Hiệp hội doanh nghiệp logistics Việt Nam về việc các đơn vị phải bảo lãnh thông quan khi thực hiện hệ thống quá cảnh ASEAN (ACTS) theo đúng quy định pháp luật.

Xem và tải văn bản tại đây.

Theo VLA

Sự kiện VLA tổ chức

Thông báo quan trọng

Hướng Dẫn Đăng Ký eFBL
Hướng Dẫn Đăng Ký FMC Bond
Tài Liệu Kỹ Năng Soạn Thảo Hợp Đồng Logistics