Ngày 22/08/2023 vừa qua, Thủ Tướng Chính Phủ đã phê duyệt Quyết định 979 về Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với các nội dung như quan điểm và mục tiêu phát triển, các khu vực quy hoạch phía Bắc, Trung – Tây Nguyên và khu vực phía Nam; Giải pháp về cơ chế chính sách, huy động vốn đầu tư, khoa học – công nghệ và quy hoạch.
Cảng cạn là đầu mối tổ chức vận tải gắn liền với hoạt động của cảng biển, cảng hàng không, cảng thủy nội địa, ga đường sắt, cửa khẩu đường bộ. Phát triển hệ thống cảng cạn để tối ưu hóa vận tải hàng hóa xuất, nhập khẩu của từng khu vực và các hành lang kinh tế. Các cảng cạn gắn với phương thức vận tải khối lượng lớn (đường thủy nội địa, đường sắt); gắn với khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm logistics và các cửa khẩu đường bộ, đường sắt quốc tế có nhu cầu vận tải với khối lượng lớn.
Mục tiêu đến năm 2030, đất nước sẽ có hệ thống cảng cạn có khả năng thông qua từ 25% đến 35% nhu cầu hàng hóa vận tải container xuất nhập khẩu, hình thành cụm cảng cạn với tổng công suất khoảng từ 11,9 triệu TEU/năm đến 17,1 triệu TEU/năm. Định hướng đến năm 2050, phát triển hệ thống cảng cạn trở thành các đầu mối tổ chức vận tải, trung chuyển, phân phối hàng hóa, kết hợp với cung cấp các dịch vụ logistics, có khả năng thông qua khoảng 30% – 35% nhu cầu hàng hóa.
Về quy hoạch theo từng khu vực, tuyến Hà Nội – Hải Phòng được chọn làm trọng tâm chính của khu vực phía Bắc từ đó kết nối với các tỉnh phía Đông và Tây Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Điện Biên. Hành lang vận tải ven biển phía Bắc được giao phó cho QL 1 và QL10. Đối với khu vực miền Trung – Tây Nguyên, hành lang vận tải là các quốc lộ 8, 12A, 9, 19, 29 và cảng cạn tập trung ở Khu vực kinh tế Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam. Khu vực phía Nam thì tập trung quy hoạch cảng cạn ở Khu vực kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (trong vành đai 4), từ đây kết nối hành lang vận tải với các tỉnh khác như Đắk Nông – Bình Phước, Tây Ninh, Cà Mau – Cần Thơ, Vũng Tàu, quốc lộ 1 và 20.
Tổng nhu cầu sử dụng đất phát triển cảng cạn theo quy hoạch đến năm 2030 khoảng từ 1.199 ha đến 1.707 ha, trong đó diện tích đất cần bổ sung thêm khoảng từ 784 đến 1.211 ha. Vốn đầu tư dự tính từ 27,4 đến 42,38 nghìn tỷ đồng. Chính phủ ưu tiên tập trung đầu tư một số cảng cạn trên các hành lang vận tải kết nối với các cửa khẩu cảng biển lớn ở khu vực phía Bắc (cảng biển Hải Phòng) và khu vực phía Nam (cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu).
Về một số giải pháp và chính sách, cần ưu tiên hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan để tạo thuận lợi cho vận tải hàng hóa đa phương thức đến, rời cảng cạn. Rà soát, điều chỉnh các quy định liên quan của pháp luật về đê điều nhằm tận dụng tối đa việc sử dụng tài nguyên đường bờ, bãi sông để phát triển kết cấu hạ tầng cảng cạn gắn với đường thủy nội địa kết nối đến các cảng biển, giảm tải cho hệ thống giao thông vận tải đường bộ.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Hiệp định liên Chính phủ về cảng cạn UNESCAP, thúc đẩy sự công nhận quốc tế về cảng cạn, tạo thuận lợi cho đầu tư cơ sở hạ tầng cảng cạn, cải thiện hiệu quả hoạt động và nâng cao tính bền vững về môi trường trong giao nhận vận tải, thúc đẩy sự phát triển của hành lang vận tải đa phương thức quốc tế. Tiếp tục thực hiện Quyết định số 604/QĐ-TTg ngày 08 tháng 5 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường kết nối giao thông vận tải trong ASEAN đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.
Đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong công tác quản lý, khai thác hạ tầng cảng cạn; nghiên cứu thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ở các lĩnh vực liên quan đến quản lý và khai thác cảng cạn. Một lưu ý nữa trong quá trình quy hoạch là tăng cường kết nối hệ thống cảng cạn với mạng lưới giao thông vận tải đường sắt, đường thủy nội địa thông qua việc quy hoạch lồng ghép các ga hàng hóa, cảng, bến thủy nội địa phù hợp với cảng cạn; tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối đường sắt từ cảng cạn vào mạng lưới đường sắt quốc gia theo quy định; xóa bỏ các nút thắt về tĩnh không các cầu vượt sông đối với vận tải container bằng đường thuỷ nội địa.
Bộ Giao Thông Vận Tải chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện quyết định trên. Ngoài ra cũng cần có sự vào cuộc của các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhằm rà soát, xây dựng, điều chỉnh các quy hoạch, các dự án trên địa bàn địa phương bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy hoạch này.
Nguồn: thuvienphapluat.vn