Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam
Vietnam Logistics Business Association

/

/

Phát triển bền vững ĐBSCL: Hạ tầng giao thông giữ vai trò đặc biệt quan trọng

Phát triển bền vững ĐBSCL: Hạ tầng giao thông giữ vai trò đặc biệt quan trọng

Việc ban hành Nghị quyết số 120 đã đánh dấu bước đột phá lớn trong tư duy, định hình chiến lược phát triển bền vững của ĐBSCL theo hướng tổng thể, tích hợp phát triển kinh tế – xã hội toàn vùng với tầm nhìn dài hạn, tăng cường kết nối phát triển giữa các địa phương trong vùng, bảo đảm tính liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm thông qua cơ chế điều phối thống nhất.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu tại Hội  nghị

Tình hình phát triển kết cấu hạ tầng giao thông ĐBSCL

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của hạ tầng giao thông đối với sự phát triển của nền kinh tế. Giao thông được ví như mạch máu của nền kinh tế, giao thông phát triển tới đâu thì kinh tế – xã hội sẽ phát triển theo tới đó. Giao thông có chức năng đi trước mở đường cho nền kinh tế.

Theo Nghị quyết số 120, Chính phủ giao Bộ GTVT và các địa phương trong khu vực 2 nhiệm vụ. Thứ nhất là điều chỉnh lại quy hoạch giao thông vận tải trong vùng và đặc biệt là xây dựng kế hoạch trung hạn 2021 – 2025 với tiêu chí là sẽ đầu tư nhiều hơn để hoàn chỉnh hệ thống giao thông của vùng; và nhiệm vụ thứ hai là tập trung nguồn lực để chỉ đạo, hoàn thành những công trình trọng điểm, dự án đang triển khai trên địa bàn.

Về quy hoạch, đến thời điểm này, Bộ GTVT đã hoàn thành 5 lĩnh vực quy hoạch giao thông. Trong quá trình làm, Bộ GTVT đã phối hợp với 13 tỉnh thành và cũng yêu cầu các địa phương điều chỉnh quy hoạch giao thông địa phương, kết nối với hệ thống giao thông Trung ương để làm sao có được hệ thống GTVT tốt nhất. Sắp tới, Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch GTVT của vùng và cả nước nói chung.

Trong giai đoạn năm 2016 – 2021, Bộ GTVT đã triển khai đầu tư xây dựng 31 dự án, công trình giao thông với tổng mức đầu tư khoảng 88.963 tỷ đồng; trong đó, 14 dự án đã hoàn thành nâng cấp và xây dựng mới 281km đường quốc lộ, một số cầu lớn như Cổ Chiên, Cao Lãnh, Vàm Cống, Hòa Trung,… hoành thành 46,5km luồng tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn 1, nạo vét 28km tuyến Kênh Chợ Gạo giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư là 41.474 tỷ đồng; 14 dự án đang triển khai thực hiện bao gồm 720km đường quốc lộ và cao tốc, xây dựng cầu Mỹ Thuận 2, cầu Rạch Miễu 2, cầu Đại Ngãi, hoàn chỉnh luồng tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu và tuyến Kênh Chợ Gạo, với tổng mức đầu tư là 40.494 tỷ đồng, 03 dự án đang chuẩn bị triển khai với tổng mức đầu tư khoảng 6.995 tỷ đồng.

Về đường bộ, đã cơ bản nâng cấp mở rộng QL1, đưa vào khai thác toàn tuyến N2 với quy mô 4 làn xe từ Cao Lãnh đến Rạch Sỏi trong đó có 2 cầu đặc biệt lớn; nâng cấp một số đoạn tuyến và cầu lớn trên tuyến hành lang ven biển phía Đông như QL50, QL60, cầu Mỹ Lợi, cầu Cổ Chiên; cơ bản thông tuyến đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, đang đầu tư cầu Mỹ Thuận 2 và đoạn Mỹ Thuận – Cần Thơ, nâng cấp một số tuyến QL trọng yếu như QL53, 57 và QL30.

Về đường thủy nội địa, Bộ GTVT đã đầu tư nâng cấp 6 tuyến vận tải thủy chính kết nối TP. HCM và Đông Nam Bộ với vùng ĐBSCL đạt chuẩn tắc luồng; đã nâng cấp giai đoạn 1 Kênh Chợ Gạo đảm bảo cho tàu trọng tải 800 – 1000 tấn.

Về hàng hải, đã đầu tư 12 cảng biển, 40 bến cảng, 7,6km cầu cảng, công suất thiết kế của các bến cảng trong khu vực khoảng 31 triệu tấn/ năm. Trong đó việc hoàn thành và đưa vào sử dụng luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu đã nâng cao hiệu quả khai thác các bến cảng tiếp nhận tàu trọng tải 20.000 tấn hiện có và phát triển những khu tiếp theo theo quy hoạch; đã bắt đầu hình thành những tuyến vận tải container mới trên các tuyến biển gần cho tàu container sức chở 500 – 1000 Teus.

Về hàng không, đã hoàn thành đầu tư 04 cảng hàng không, trong đó có 2 cảng hàng không quốc tế và 2 cảng hàng không nội địa với tổng công suất thiết kế 7,6 triệu hk/năm.

 

Kế hoạch phát triển riêng với từng lĩnh vực

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, một điểm mới mang tính đột phá là sau khi nghiên cứu, Bộ GTVT thấy rằng vùng ĐBSCL cần có một cảng nước sâu, cửa ngõ để đưa hàng hoá của vùng ra thế giới cũng như nhập hàng hóa từ thế giới về vùng. Do đó, Bộ GTVT mạnh dạn đề xuất quy hoạch cảng nước sâu có thể đón tàu khoảng 100.000 tấn, đồng thời xã hội hoá cảng này bằng cách kêu gọi các nhà đầu tư. Bởi khi có cảng hàng không Cần Thơ và cảng biển này thì khu vực ĐBSCL sẽ có chuyển dịch cơ cấu kinh tế rất tốt, đặc biệt là chuyển một số vùng đất bị nhiễm mặn thành khu vực công nghiệp.

Riêng về đường bộ, tập trung hoàn thành các dự án trọng điểm đang triển khai trong vùng như tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2, nâng cấp QL53 đoạn Trà Vinh – Long Toàn, QL57 đoạn Mỏ Cày đến Vĩnh Long, QL30 đoạn Cao Lãnh – Hồng Ngự, câng cấp mặt đường tuyến Quản lộ – Phụng Hiệp, tuyến tránh QL1 qua thành phố Cà Mau, mở rộng QL1 đoạn Hậu Giang, Sóc Trăng,…

Ưu tiên nguồn lực trong kế hoạch trung hạn 2021-2025 để đầu tư các tuyến cao tốc trục dọc, kết nối ĐBSCL với TP. HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ, để đảm bảo khai tác theo tiêu chuẩn đường cao tốc, phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành khoảng 300km đường bộ cao tốc trong vùng. Nghiên cứu đến năm 2030 đầu tư hoàn thành toàn bộ mạng cao tốc trong vùng, nâng cấp cơ bản hệ thống quốc lộ.

Về đường thủy nội địa, phấn đấu đến năm 2030 đảm bảo các tuyến đường thủy được nâng cấp đúng chuẩn tắc luồng và tĩnh không cầu. Bằng việc nạo vét đảm bảo chuẩn tắc các luồng thủy có lưu lượng lớn; đầu tư luồng Kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 để tháo điểm nghẽn trên tuyến đường thủy kết nối vùng ĐBSCL với TP. HCM. Rà soát đầu tư các hạng mục đảm bảo kết nối phương thức vận tải thủy với hàng hải và đường bộ nhằm giảm chi phí logistics.

Về hàng hải, triển khai Dự án luồng tàu biển có tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn hoàn chỉnh để đảm bảo cho tàu 10.000 tấn đầy tải, 20.000 tấn giảm tải vào các bến cảng khu vực Cần Thơ (khu bến Cái Cui, Hoàng Diệu); phối hợp với EVN để nạo vét đoạn luồng dùng chung vào bể cảng Nhà máy nhiệt điện trung tâm Duyên Hải (Trà Vinh) cho tàu 30.000 tấn. Khẩn trương hoàn thiện quy hoạch cảng đầu mói của vùng ĐBSCL (Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng), phối hợp với các địa phương kêu gọi đầu tư, sớm xây dựng để có thể xuất khẩu hàng hóa trực tiếp, giảm chi phí trung chuyển.

Về hàng không, Bộ GTVT tiếp tục phối hợp với TP. Cần Thơ làm việc với các hãng hàng không nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách để khuyến khích các hãng hàng không mở thêm đường bay mới kết nối CHKQT Cần Thơ với các thành phố trong nước và quốc tế, đồng thời giảm tải cho CHKQT Tân Sơn Nhất. Đồng thời mở rộng sân đỗ và nâng cấp CHKQT Phú Quốc, nâng tổng công suất lên 10 triệu hk/năm. Dự kiến năm 2030, cơ bản nâng cấp tất cả các cảng hàng không trong vùng để đáp ứng nhu cầu vận tải và quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Về đường sắt, Bộ GTVT đang tiếp tục chỉ đạo lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt TP. HCM – Cần Thơ và sẽ phối hợp với các đại phương để kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhằm tăng cường kết nối TP. HCM với các tỉnh ĐBSCL.

Theo VLR

Sự kiện VLA tổ chức

Thông báo quan trọng

Hướng Dẫn Đăng Ký eFBL
Hướng Dẫn Đăng Ký FMC Bond