Việc các nước giàu muốn áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15% đặt Việt Nam vào một tình thế khó lường trong thu hút đầu tư nước ngoài. Việt Nam có thể thu được nhiều thuế hơn, nhưng cũng có thể làm ‘nản lòng’ những tập đoàn đa quốc gia.
Loại bỏ các “thiên đường thuế”, nơi “trú ẩn thuế”
Ngày 8/10/2021, Diễn đàn hợp tác toàn cầu về Chương trình chống xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận (BEPS), mà Việt Nam là một thành viên, đã ban hành tuyên bố về Khung giải pháp Hai trụ cột để giải quyết các thách thức phát sinh từ nền kinh tế số với sự đồng thuận của 136 nước thành viên.
Trong đó, Trụ cột 2 quy định về thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu (15%) dự kiến được áp dụng từ năm 2023 đang được đặc biệt chú ý.
Nguyên tắc này cho phép nước đầu tư đánh thuế tối thiểu 15% đối với thu nhập được miễn, giảm thuế tại nước nhận đầu tư. Đại diện Tổng cục Thuế cho biết quy định này tác động nhiều chiều đến những nước đang phát triển như Việt Nam.
Nhiều tập đoàn nước ngoài chọn những “nơi trú ẩn thuế” để đầu tư vào Việt Nam
“Các nội dung nguyên tắc đã được thông qua, nhưng đi vào chi tiết những lĩnh vực nào sẽ được loại trừ, lĩnh vực nào áp dụng vẫn là nội dung phức tạp, vẫn là những câu hỏi”, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, phát biểu tại tọa đàm ngày 14/6 do Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tổ chức.
Từ trước đến nay, nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài như Intel, Cocacola… đăng ký đầu tư vào Việt Nam thông qua các công ty được thành lập ở những “nơi trú ẩn thuế” như Hongkong, Singapore, British Virgin Islands… vì thuế suất áp dụng là 0%.
Với chính sách mới này, Việt Nam sẽ phải đảm bảo mức thuế thu nhập doanh nghiệp bằng hoặc cao hơn mức tối thiểu đã được thống nhất trên toàn cầu là 15%
Mục tiêu chính là nhắm vào các quốc gia, vùng lãnh thổ là “thiên đường thuế” trên.
Đại diện Tổng cục Thuế dẫn chứng: Các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam nhưng lại không trực tiếp đầu tư từ Mỹ, mà lại đăng ký đầu tư từ British Virgin Islands. Giờ đây, nếu Việt Nam miễn giảm thuế thì Mỹ sẽ thu thuế tối thiểu 15% với các dự án thuộc dạng này.
Tác động đến Việt Nam và những dự án tỷ USD hiện hữu
Số liệu của Tổng cục Thuế cho thấy, trong 36.500 dự án FDI ở Việt Nam, có khoảng 3% dự án/doanh nghiệp được ưu đãi thuế, chủ yếu các dự án lớn nằm trong các khu công nghiệp, khu kinh tế. Như vậy, chính sách thuế tối thiểu toàn cầu 15% chỉ nhắm vào 3% các dự án đang hoạt động và được ưu đãi thuế của Việt Nam.
Thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông của Việt Nam là 20%, trong khi đó thuế thu nhập DN thực tế của các DN FDI là 12,3%. Trong đó, các tập đoàn lớn nước ngoài chỉ chịu thuế suất thuế Thu nhập DN là 2,75% đến 5,95% (nhiều dự án FDI lớn được áp dụng thuế suất thuế Thu nhập DN 10% trong cả đời dự án, miễn 4 năm, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo). “Như vậy, rất thấp so với mức thuế tối thiểu các nước dự kiến áp dụng là 15%”, ông Đặng Ngọc Minh nói.
Chính sách thuế tối thiểu toàn cầu làm giảm hiệu quả ưu đãi thuế cho các DN FDI. Nếu tiếp tục duy trì việc ưu đãi thuế như vậy cho các dự án FDI tới đây, đại diện Tổng cục Thuế cảnh báo: Nếu tiếp tục duy trì ưu đãi thì chúng ta đang trực tiếp tài trợ cho các nước phát triển, như EU, Hoa Kỳ.
Thuế suất của Việt Nam so với các nước. Nguồn: Tổng cục Thuế
Chính sách này cũng sẽ ảnh hưởng đến các dự án FDI đang đầu tư tại Việt Nam, làm giảm động lực đầu tư của các DN mới. “Khi đầu tư một dự án mới, DN sẽ cân nhắc nhiều yếu tố, trong đó có ưu đãi về thuế. Họ sẽ cân nhắc thận trọng nếu áp dụng mức thuế tối thiểu này”, đại diện Tổng cục Thuế lưu ý .
Việc thu hút các dự án FDI quy mô lớn, chất lượng cao, công nghệ cao sẽ gặp thách thức, ảnh hưởng đến xuất khẩu và cán cân thanh toán quốc tế.
“Các tập đoàn lớn như Samsung, ngoài đem lại việc làm thì cơ bản sản xuất của họ là phục vụ xuất khẩu. Khi xuất khẩu thì dự trữ ngoại hối của họ để lại Việt Nam. Nếu không có khoản này sẽ ảnh hưởng ngay đến cán cân thanh toán – một góc độ tác động rất lớn”, ông Đặng Ngọc Minh phân tích.
Tuy nhiên, thách thức cũng đi cùng với cơ hội với Việt Nam. Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho rằng: Nếu thực hiện theo chương trình này, chúng ta sẽ tăng thu ngân sách từ các dự án DN Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, cũng như các dự án đầu tư vào Việt Nam.
“Về lâu dài, khi tham gia chương trình, Việt Nam sẽ phải điều chỉnh thuế suất thuế thu nhập DN lên tối thiểu 15%, điều này đem lại nguồn thu lớn. Tổng thu ngân sách của DN FDI là hơn 206 nghìn tỷ đồng với mức thuế suất trung bình là 12,3%. Nếu thuế được điều chỉnh lên 15% thì chúng ta thu thêm được hàng trăm nghìn tỷ từ việc bỏ các ưu đãi”, ông Minh ước tính.
Tuy nhiên, trước khi tính toán đến các yếu tố này, lãnh đạo Tổng cục Thuế lưu ý phải có hành động cụ thể cho từng đối tượng, trong đó có các dự án đang được hưởng ưu đãi thuế 10% cho cả đời dự án, miễn thuế 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo. Điều này nhằm đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư.
Về lâu dài, cần nghiên cứu trình Chính phủ, Quốc hội ban hành thuế suất thuế thu nhập DN tối thiểu trong nước theo mức 15% để bảo vệ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp trong nước.
GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), cũng nhận định, tham gia cơ chế Thuế tối thiểu toàn cầu vừa là cơ hội lớn, vừa phải đối phó với thách thức không nhỏ đối với nước ta. Do đó, ông kiến nghị, Việt Nam cần chủ động tham gia cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu, tranh thủ cơ hội mới để đẩy nhanh hơn công cuộc cải cách, tạo động lực mới thu hút nhiều vốn FDI hơn, có chất lượng hơn.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần đối chiếu quy định quốc tế về thuế tối thiểu toàn cầu với chính sách thuế và ưu đãi đầu tư tại Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế và các quy định có liên quan để sửa đổi, bổ sung phù hợp với quy định quốc tế.
Tiếp đến, cần đàm phán lại hợp đồng với doanh nghiệp FDI chịu tác động bởi cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu theo nguyên tắc “cùng có lợi”, loại trừ khả năng chuyển thuế sang nước cư trú của nhà đầu tư nước ngoài.
Nguồn: vietnamnet.vn