Ngành dịch vụ logistics nước ta đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế – đời sống xã hội và nhận được sự quan tâm, ưu tiên phát triển của Đảng, Nhà nước và dư luận xã hội. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nêu rõ: “Nâng cao hiệu quả dịch vụ logistics”. Trong những năm gần đây, có thể thấy một số trường đại học có ngành đào tạo logistics đã thu hút một số lượng lớn sinh viên với điểm trúng tuyển cao nhất trong các kỳ tuyển sinh của Trường. Đây là tín hiệu đáng mừng để Việt Nam có được nguồn nhân lực chất lượng trong thời gian tới nhằm phát triển ngành dịch vụ logistics.
Chính vì vậy, các vấn đề về mã nghề nghiệp, mã ngành dịch vụ, hay mã ngành đào tạo logistics là một nội dung đã được các bên liên quan đặc biệt quan tâm, chú ý, nhất là trong công tác thông kê logistics sao cho đầy đủ, chính xác nhất. Đáp ứng yêu cầu đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 27/2018/QĐ-TTg ngày 6/7/2018 ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, trong đó có logistics. Mới đây, Bộ Kế hoạch Đầu tư, phụ trách công tác Thông kê của cả nước, đã ban hành Thông tư số 12/2021/TT-BKHĐT ngày 31/12/2021 “Quy đinh Hệ thống chỉ tiêu thống kê logistics của Việt Nam”. Trước đó, năm 2017, Thông tư 04/2017/TT- BLĐTX ngày /2017 của Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội ban hành danh mục ngành nghề đào tạo cấp IV trình độ trung cấp và cao đẳng; Bộ Giáo dục Đào tạo có Thông tư 24/2017/TT-BGDĐT ngày 10/10/2017 đề cập Danh mục mã ngành cấp IV ở trình độ đại học và Thông tư 25/2017/BGDĐT ngày 10/10/2017 ban hành Danh mục mã ngành cấp IV ở trình độ thạc sỹ và tiến sĩ.
Các văn bản dưới luật của các Bộ nêu trên rất được cộng đồng doanh nghiệp logistics và ngành đào tạo hoan nghênh và trân trọng đón chào. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng như các cơ sở đào tạo hiểu sao cho đúng để thực thi tốt, từ đó có thể có phản hồi cho các cơ quan quản lý nhà nước điều chỉnh, góp phần phát triển ngành cũng là điều hết sức quan trọng. Bài viết sau đề cập các nội dung về mã ngành logistics, mã ngành đào tạo logistics, thống kê logistics, từ đó đưa ra một số ý kiến, khuyến nghị hoàn thiện.
- Mã ngành logistics trong hệ thống ngành kinh tế Việt Nam
Lần đầu tiên, năm 2018, bằng Quyết định 27/2018/QĐ-TTg ngày 6/7/2018 về ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, theo đó logistics (vận tải, kho bãi) được xếp là nhóm có 5 chữ số. Quyết định 27/2018 đề cập chi tiết mã ngành kinh tế Việt Nam được sử dụng thống nhất trong hoạt động thống kê Nhà nước. Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam gồm 5 cấp:
- Ngành cấp 1 gồm 21 ngành, mã hóa từ A đến U
- Ngành cấp 2 gồm 88 ngành, được mã hóa bằng 2 chữ số theo mã cấp 1 tương ứng.
- Ngành cấp 3 gồm 242 ngành, được mã hóa bằng 3 số theo ngành cấp 2 tương ứng
- Ngành cấp 4 gồm 486 ngành, được mã hóa bằng 4 số theo ngành cấp 3 tương ứng.
- Ngành cấp 5, gồm 734 ngành được mã hóa bằng 5 số, theo mã ngành cấp 4 tương ứng.
Logistics nằm trong nhóm ngành cấp 5, mã 52-2-9-2, tương ứng nằm trong mã ngành cấp 4 là 52-2-9 “Hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải”, nằm trong mã ngành cấp 3 là 52-2 “Hoạt động dịch vụ hỗ trợ cho vận tải”, thuộc mã ngành cấp 2 là 52 “Kho bãi và các hoạt động hỗ trợ cho vận tải”, và tương ứng mã ngành cấp 1 là H “Vận tải kho bãi”.
Có thể thấy mã ngành 5 chữ số về logistics chưa đầy đủ và thực sự hợp lý, chưa phù hợp với thực tiễn. Vấn đề này đã được một số người trong ngành nêu ý kiến. Thực tế, Nghị định 163/2017/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2017 đã quy định dịch vụ logistics bao gồm 17 dịch vụ trong đó phải kể đến:
- Dịch vụ kho bãi thuộc dịch vụ hỗ trợ mọi phương thức vận tải.
- Dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa.
- Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải biển.
- Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường thủy nội địa.
- Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường sắt.
- Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường bộ.
- Dịch vụ vận tải hàng không.
- Dịch vụ vận tải đa phương thức.
- Các dịch vụ hỗ trợ vận tải khác.
Như vậy có thể dịch vụ logistics bao trùm dịch vụ vận tải, dịch vụ kho bãi, chứ không thể được xếp trong “hoạt động hỗ trợ khác liên quan đến vận tải”. Chính vì thế, dịch vụ logistics phải là ngành kinh tế cấp 1 mới hợp lý. Hoặc có thể sửa tên mã ngành cấp 1 là H “Vận tải kho bãi” thành “Vận tải, kho bãi, dich vụ logistics“, cho dịch vụ logistics mã ngành cấp 2 là 54 (hiện còn trống)”.
Quyết định 27/2018 được đưa ra sau Nghị định 163/2017 nhưng chưa cân nhắc có sự xem xét hợp lý đến các văn bản dưới luật đã có, và phù hợp với quy định tập quán quốc tế.
Vì vậy, cũng sẽ làm khó khăn cho doanh nghiệp và các bên khi làm thống kê logistics. Ví dụ một doanh nghiệp đăng ký kinh doanh logistics thì mã ngành sẽ là 52292, nhưng nếu chỉ hoạt động trong lĩnh vực kho bãi và vận tải thì sẽ là mã ngành khác, và trong thống kê về doanh nghiệp logistics thì có thể sẽ chỉ tính các doanh nghiệp có mã 52292. Điều đó đưa đến sự khác nhau trong các con số thống kê, gây lúng túng cho cả doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các nhà đầu tư nước ngoài.
Thông tư số 12/2021/TT-BKHĐT ngày 31/12/2021 “Quy đinh Hệ thống chỉ tiêu thống kê logistics của Việt Nam”. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2022. Đây là lần đâu tiên chúng ta có một văn bản dưới luật hướng dẫn khá đầy đủ về thống kê logistics, qua đó góp phần làm minh bạch và hỗ trợ công tác hoạch định, nghiên cứu, đầu tư phát triển, quản lý các hoạt động logistics có liên quan. Tuy nhiên, định nghĩa dịch vụ logistics trong Thông tư này chưa theo kịp sự phát triển của dịch vụ logistics thế giới và Việt Nam hiện nay, nên Hệ thống chỉ tiêu thông kê chưa thật đầy đủ và hợp lý.
- Mã ngành đào tạo logistics và quản lý chỗi cung ứng
Về ngành đào tạo, cũng thời điểm sau khi có Quyết định số 200/2017/QĐ-CP ngày 14/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội – là các cơ quan chủ quan về đào tạo bậc đại học và cao đẳng nghể, đã ban hành các Thông tư về mã ngành đào tạo, làm cơ sở cho các trường xây dựng chương trình đào tạo tương ứng.
Mã ngành là chuỗi số liên tục gồm bảy (07) chữ số, trong đó từ trái sang phải được qui định như sau: chữ số đầu tiên quy định mã trình độ đào tạo; hai chữ số thứ hai và thứ ba quy định mã lĩnh vực đào tạo; hai chữ số thứ tư và thứ năm quy định mã nhóm ngành đào tạo; hai chữ số cuối quy định mã ngành đào tạo.
Thứ nhất, Thông tư 04/2017 của Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội ban hành danh mục ngành nghề đào tạo cấp IV trình độ trung cấp và cao đẳng:
Theo Thông tư 04/2017, mã cấp IV (7 chữ số) logistics ở bậc trung cấp là 53401-13, bậc cao đẳng là 63401-13. Quy định trong Thông tư 04/2017 thiếu chữ “s” của từ logistics cũng cần được chỉnh sửa lại cho hoàn chỉnh hơn.
Mã đào tạo logistics được xếp trong nhóm ngành kinh doanh (mã ngành kinh doanh là 53401 và 63401), thuộc lĩnh vực đào tạo kinh doanh và quản lý (mã lĩnh vực 534).
Một điểm đáng lưu ý là, ở bậc trung cấp trong ngành 53401, có rất nhiều mã cấp IV khác nữa như:
- Kinh doanh vận tải đường thủy, mã 53401-09
- Kinh doanh vận tải đường bộ, mã 53401-10
- Kinh doanh vận tải đường sắt, mã 53401-11
- Kinh doanh vận tải đường không, mã 53401-12
Như vậy, bất cập xuất hiện khi kinh doanh logistics là phạm trù rộng hơn kinh doanh các phương thức vận tải kể trên, nhưng hiện đang để song song nhau.
Đối với đào tạo cao đẳng, chỉ có duy nhất mã 63401-13 trong nhóm ngành kinh doanh mã 63401, đây là cách quy định đảm bảo được logic hơn.
Thứ hai, Thông tư 24/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề cập danh mục mã ngành cấp IV ở trình độ đại học:
Theo Thông tư 24/2017, không có quy định về đào tạo logistics mà là đào tạo logistics và quản lý chuỗi cung ứng (LSCM), mã ngành LSCM là 75106-05, thuộc nhóm ngành quản lý công nghiệp mã 75106, thuộc lĩnh vực đào tạo công nghệ kỹ thuật 751.
Trong khi đó, dịch vụ vận tải được coi là lĩnh vực đào tạo mã 748 (chứ không phải nhóm ngành đào tạo hay ngành). Trong lĩnh vực đào tạo dịch vụ vận tải (mã 748) chỉ có 2 ngành đào tạo là khai thác vận tải (mã 784-01) và khác (mã 784-02).
Thứ ba, Thông tư 25/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ban hành danh mục mã ngành cấp IV ở trình độ thạc sỹ và tiến sĩ:
Giống như đào tạo đại học, Thông tư 25/2017 cũng chỉ đưa ra mã ngành đào tạo logistics và quản lý chuỗi cung ứng (LSCM), theo đó mã đào tạo thạc sỹ là 85106-05 và bậc tiến sĩ là 95106-05. Ngành đào tạo này thuộc nhóm ngành quản lý công nghiệp mã 85106 (thạc sỹ) và 95106 (tiến sĩ), thuộc lĩnh vực đào tạo công nghệ kỹ thuật 851 (thạc sỹ) và 951 (tiến sĩ). Logic giống như bậc đào tạo đại học.
Như vậy có thể thấy ở bậc đại học và sau đại học thì logistics được coi là ngành thuộc nhóm ngành quản lý công nghiệp, còn bậc trung cấp và cao đẳng thì logistics thuộc nhóm ngành kinh doanh và quản lý. Điều này sẽ gây bất tiện ít nhiều đối với sinh viên muốn học liên thông giữa các bậc đào tạo, và khó khăn ít nhiều với các trường khi xây dựng chương trình đào tạo. Hiện nay ở Việt Nam các trường đại học có thế mạnh về đào tạo kinh doanh và quản lý hơn là về quản lý công nghiệp. Vì thế việc xếp đào tạo Logistics và Supply Chain Management (SCM) trong nhóm ngành quản lý công nghiệp, lĩnh vực đào tạo là công nghệ kỹ thuật thì chưa thực sự phù hợp.
- Thống kê logistics
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ra Thông tư số 12/2021/TT-BKHĐT ngày 31/12/2021 “Quy đinh Hệ thống chỉ tiêu thống kê logistics của Việt Nam”. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2022. Đây là lần đâu tiên Việt Nam có một văn bản dưới luật hướng dẫn đầy đủ về thống kê logistics, qua đó góp phần làm minh bạch và hỗ trợ công tác hoạch định, nghiên cứu, đầu tư phát triển, cũng như quản lý các hoạt động logistics có liên quan.
Thông tư 12 đề cập 63 chỉ tiêu logistics thống kê của Việt Nam, có một số chỉ tiêu sẽ được thống kê hàng năm. Có thể nói đây là hệ thống thống kê tương đối toàn diện, sẽ là cơ sở rất tốt cho các nhà nghiên cứu trong ngành cũng như các nhà đầu tư nước ngoài trước khi quyết định đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên có một số chỉ tiêu còn chưa thực sự chính xác dẫn đến có thể thống kê sẽ không chạm tới được, ví dụ:
“Chỉ tiêu 0301. Số cơ sở giáo dục đại học có đào tạo về ngành/chuyên ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng
Khái niệm, phương pháp tính:
Số cơ sở giáo dục đại học có đào tạo về ngành/chuyên ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng là những cơ sở giáo dục đại học có đào tạo mã ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng”.
Thực tế có rất nhiều trường đại học hiện nay chỉ đào tạo chuyên ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng (hoặc logistics và thương mại), thuộc ngành đào tạo kinh doanh quốc tế hoặc kinh tế, hoặc thương mại, mà không phải là ngành LSCM (thuộc nhóm ngành quản lý công nghiệp, lĩnh vực công nghệ kỹ thuật)). Và như vậy các trường trên sẽ không nằm trong thống kê 0301. Đây có thể thấy là một khiếm khuyết vì có khá nhiều trường cung cấp nguồn nhân lực quan trọng cho thị trường nhân lực logistics, nhưng chuyên ngành/ngành đào tạo không có mã LSCM.
“Chỉ tiêu 0302. Số cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đào tạo về ngành/chuyên ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng
Khái niệm, phương pháp tính:
Số cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đào tạo về ngành/chuyên ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng là những cơ sở giáo dục nghề nghiệp có khoa, bộ môn, tín chỉ đào tạo về ngành/chuyên ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng”.
Theo như hướng dẫn xác định chỉ tiêu này thì chỉ cần có tín chỉ hay môn học liên quan đến đào tạo LSCM là được tính vào thống kê rồi. Vậy chăng có sự hiểu chưa nhất quán giữa thống kê cơ sở đào tạo LSCM bậc đại học/ sau đại học và cao đẳng/trung cấp?
“Chỉ tiêu 0401. Số doanh nghiệp, số lao động, nguồn vốn, tài sản, doanh thu thuần, thu nhập của người lao động, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp logistics
Khái niệm, phương pháp tính:
Số doanh nghiệp logistics là những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics như vận tải đường bộ, đường sắt, hàng không, đường biển, đường thủy nội địa và vận tải đa phương thức, doanh nghiệp kho bãi và phân phối, đại lý giao nhận, đại lý hải quan…;”
Như vậy trong thống kê này không chỉ là doanh nghiệp có mã ngành kinh tế 5-22-9-2, mà còn rất nhiều các doanh nghiệp trong các mã ngành khác như 5-22-9-1, 5-22-2-6,…. Vậy sẽ là không thuận tiện cho các doanh nghiệp và cơ quan thống kê?
Đặc biệt đáng chú ý là Thông tư quy định chi tiết về Chỉ số hiệu quả logistics (LPI) cũng như cách tính, gồm LPI quốc tế (6 chỉ tiêu) và LPI trong nước (4 chỉ tiêu). LPI là chỉ số quan trọng trọng đánh giá tình trạng hoạt động và hiệu quả hoạt động của ngành dịch vụ logistics Việt Nam mà hiện nay chúng ta chưa tự xây dựng được. Kỳ công bố cácChỉ số hiệu quả Logistics (LPI) là hàng năm. Nguồn số liệu có được thông qua Điều tra thống kê và Chế độ báo cáo thống kê. Thông tư quy định rõ Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Cơ quan chủ trì là Tổng cục Thống kê. Cơ quan phối hợp là Bộ Công thương.
- Một số khuyến nghị
4.1. Các Bộ, Cơ quan liên quan xem xét sắp xếp có bộ phận theo dõi hoạt động logistics và thống kê logistics hợp lý, để thống nhất với các quy định về logistics theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, văn bản cao nhất là Luật thương mại Việt Nam 2005 và Nghị định 163/2017 cũng như phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế về logistics của Việt Nam.
4.2. Cần thống nhất mã ngành nghề từ khi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh đến khi làm thống kê sẽ thuận tiện cho các bên rất nhiều.
4.3. Các mã ngành đào tạo nên có sự liên thông và thống nhất từ bậc trung cấp, cao đẳng đển đại học, để đảm bảo thuận tiện cho người học có thể học liên thông, và các đơn vị đào tạo xây dựng chương trình thuận tiện hơn.
4.4. Việc thống kê về đào tạo logistics cũng như một số chỉ tiêu logistics khác cũng cần được làm rõ và thống nhất tốt hơn, nên có các bước làm thí điểm để tránh gây lãng phí cho tổng thể.
4.5. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics và doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ cần nghiên cứu kỹ Thông tư số 12/2021/TT-BKHĐT ngày 31/12/2021 “Quy đinh Hệ thống chỉ tiêu thống kê logistics của Việt Nam” để nắm được Hệ thống chỉ tiêu thống kê và số liệu thống kê công bố hàng năm nhằm phục vụ cho công tác của doanh nghiệp kinh doanh và đầu tư, nhất là công tác phát triển doanh nghiệp. Tích cực tham gia công tác điều tra hàng năm khi được yêu cầu, cung cấp chính xác các số liệu đầu vào của điều tra, thống kê, nhất là điều tra liên quan đến Chỉ số hiệu quả logistics (LPI).
Mr. Nguyễn Tương – Cố vấn cấp cao của VLA
PGS. TS Trịnh Thị Thu Hương – Trường Đại học Ngoại thương