Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam
Vietnam Logistics Business Association

/

/

Lần thứ tư Bộ Tài chính đề nghị TP.HCM sửa quy định về thu phí hạ tầng cảng biển

Lần thứ tư Bộ Tài chính đề nghị TP.HCM sửa quy định về thu phí hạ tầng cảng biển

Bộ Tài chính chính thức đề nghị UBND TP. HCM khẩn trương báo cáo Hội đồng nhân dân TP.HCM sửa đổi Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND về mức thu phí hạ tầng cảng biển trên địa bàn.

Ảnh minh họa: Cảng Cát Lái – TP HCM

Trong Công văn số 3978/BTC-CST gửi UBND TP.HCM ngày 6/5 vừa qua, Bộ Tài chính chính thức đề nghị UBND TP.HCM báo cáo HĐND TP.HCM sửa đổi Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND ban hành mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TPHCM (thu phí hạ tầng cảng biển)

Mục tiêu là để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi, phát triển, đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch,  bình đẳng quyền và nghĩa vụ, phù hợp với quy định.

Đây là công văn thứ tư của Bộ Tài chính gửi UBND TP.HCM liên quan đến nội dung có tính phân biệt đối xử trong quy định về thu phí hạ tầng cảng biển.

Trong Công văn gửi UBND TP.HCM, Bộ Tài chính thông tin đã nhận được Công văn của UBND tỉnh Đồng Nai, Công văn của Cục Hải quan Bình Dương liên quan đến Đề án thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP.HCM.

Công văn của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo một số bất cập, tác động đến hoạt động của doanh nghiệp từ việc thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển tại TP.HCM cũng được nhắc đến.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Tài chính đã có công văn số 2681/BTC_CST ngày 17/3/2021, Công văn số 6665/BTC-CST ngày 21/6/2021, công văn số 2784/BTC-CST ngày 25/3/2022 gửi UBND TP.HCM.

Các công văn đều nêu nội dung: Việc quy định mức phí chênh lệch giữa hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu mở tờ khai tại TP.HCM và mở tờ khai tại các địa phương khác gây bất bình đẳng, có sự phân biệt đối xử.

Theo Điều 8, Luật Phí và Lệ phí, mức phí được xác định cơ bản đảm bảo bù đắp chi phí, có tính đến chính sách phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân.

Trong các văn bản trên, Bộ Tài chính cũng đề nghị UBND TP.HCM trả lời kiến nghị của các doanh nghiệp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tính hợp lý của Nghị quyết 10/2020/NQ-HĐND và rà soát nội dung Hiệp định Vận tải đường thủy Việt Nam – Campuchia để điều chỉnh Nghị quyết thu phí đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch, bình đẳng quyền và nghĩa vụ, phù hợp với quy định.

Vì vậy, tại công văn số 3978/BTC-CST, Bộ Tài chính đề nghị Ủy ban nhân dân TP.HCM khẩn trương báo cáo Hội đồng nhân dân Thành phố sửa đổi Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi, phát triển, đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch, bình đẳng quyền và nghĩa vụ, phù hợp quy định Luật Phí và lệ phí.

Trước đó, Ngày 7/4, năm hiệp hội doanh nghiệp liên quan đến đường thủy nội địa gồm Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam (VNSC); Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA); Hiệp hội Đại lý, môi giới và dịch vụ hàng hải Việt Nam (VISABA); Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam (VSA) và Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam đã đồng ký tên trong công văn gửi Chủ tịch Quốc hội đề xuất không thu phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển đối với hàng hóa vận tải bằng đường thủy nội địa. 

Trong Công văn, các Hiệp hội nêu rõ việc ban hành nghị quyết và thu phí là đúng với thẩm quyền của Hội đồng Nhân dân thành phố Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, tuy nhiên việc thu phí tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vận tải đường thủy nội địa và lợi ích của quốc gia; không khuyến khích hàng hóa được vận tải bằng đường thủy nội địa để giảm áp lực cho hạ tầng đường bộ, giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông đường bộ kết nối đến cảng biển, giảm khí thải carbon vào môi trường…

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính cũng đã có báo cáo gửi Thủ tướng về một số bất cập, tác động tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp.

Theo Ban IV, trên cơ sở tổng hợp các ý kiến doanh nghiệp, Hiệp hội trong đó có Hiệp hội VLA thì với khối lượng hàng xuất khẩu, nhập khẩu đi qua các cảng trên địa bàn thành phố là rất lớn, việc áp dụng thu phí cảng biển kể từ ngày 1/4 khiến số doanh nghiệp chịu ảnh hưởng và hệ lụy từ quyết định này là “đặc biệt lớn”.

Cụ thể, theo phản ánh của doanh nghiệp, việc thành phố gia tăng gánh nặng chi phí mới cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu giữa bối cảnh chi phí logistics đã tăng quá cao trong thời gian qua là thể hiện sự “ngược dòng” với chủ trương của Chính phủ về thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sau đại dịch. Quyết định của một địa phương như vậy có thể làm giảm rất nhiều niềm tin của các nhà đầu tư, đồng thời tạo ra hệ lụy là tăng chi phí logistics, đội giá thành sản xuất kinh doanh, khiến doanh nghiệp càng thêm khó khăn hơn trong việc cạnh tranh, phục hồi và làm giảm sức hút của môi trường đầu tư trong nước.

Mặt khác, việc quy định mức thu phí chênh lệch giữa việc mở tờ khai tại thành phố và ngoài thành phố là không phù hợp Luật Phí, lệ phí cũng như Luật Hải quan hiện hành, tạo sự phân biệt đối xử và gây khó khăn cho các doanh nghiệp tại các tỉnh lân cận, gây xáo trộn trong công tác quản lý. Thực tế doanh nghiệp khi mở tờ khai tại TP.HCM hay mở tờ khai tại các tỉnh lân cận đều sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển TP.HCM như nhau. Thậm chí, khi doanh nghiệp mở tờ khai tại các cục hải quan địa phương ngoài TP.HCM, hàng hóa sau khi cập cảng sẽ được chuyển về nhà máy, xí nghiệp nên việc sử dụng cơ sở hạ tầng cảng biển còn ít hơn so với khi mở tờ khai tại thành phố.

Vì những lý do trên, các hiệp hội và doanh nghiệp kiến nghị dừng việc thu phí hạ tầng cảng biển tại TP.HCM để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi, phát triển. Khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát hoàn toàn, doanh nghiệp cơ bản phục hồi, việc thu phí phải được tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Phí, lệ phí và Luật Hải quan. Ví dụ thu để bù đắp một phần đầu tư thay vì thu để đầu tư xây dựng các hạ tầng khác, thu công bằng giữa các chủ thể sử dụng hạ tầng thay vì phân biệt như hiện nay theo địa điểm mở tờ khai thông quan.

Không thu phí đối với những đối tượng không đúng theo quy định của luật và các cam kết của Việt Nam với quốc tế, như phí sử dụng hạ tầng cảng biển đối với hàng hóa vận tải bằng phương tiện thủy sử dụng đường thủy nội địa, phí cơ sở hạ tầng cảng biển đối với hàng trung chuyển, quá cảnh, tạm nhập – tái xuất…

 Theo VLA tổng hợp

Sự kiện VLA tổ chức

Thông báo quan trọng

Hướng Dẫn Đăng Ký eFBL
Hướng Dẫn Đăng Ký FMC Bond