Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam
Vietnam Logistics Business Association

/

/

Khôi phục chuỗi cung ứng sau đại dịch

Khôi phục chuỗi cung ứng sau đại dịch

Vì sao chuỗi cung ứng bị đứt gãy?

Các nguyên nhân chủ yếu làm cho chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị đứt gãy nghiêm trọng là đại dịch COVID-19. Chính sách Zero Covid của Trung Quốc, nước có 7 cảng biển lớn nhất thế giới đã góp phần làm trầm trọng thêm sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu vào đầu năm 2022. Sự không đồng đều về tốc độ và khả năng phục hồi ở các nền kinh tế khác nhau dẫn đến cung và cầu chênh nhau. Hoạt động vận chuyển quốc tế, nhất là đường biển và đường hàng không bị gián đoạn. Thiếu hụt nhân lực làm trầm trọng thêm việc đứt gãy chuỗi cung ứng do đại dịch, gây ra tác động lâu dài đối với thị trường lao động toàn cầu, rất nhiều nước đã xuất hiện tình trạng thiếu hụt lao động. Xung đột địa chính trị, nhất là cuộc chiến Nga – Ukraine đã tác động nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng năng lượng và lương thực toàn cầu. Ngoài ra, phải kể đến tác động của biến đổi khí hậu gây ra hạn hán, bão lụt phá hoại cây trồng, vật nuôi, góp phần gây nên nạn đói và thiếu hụt lương thực, thực phẩm toàn cầu. Hàng hóa dịch vụ không được lưu thông toàn cầu vốn có. Từ những nguyên nhân chính trên đây, đã làm cho lạm phát, giá cả xăng dầu tăng cao và thiếu hụt lương thực toàn thế giới. “Thương mại toàn cầu và chủ nghĩa đa phương” là hai trụ cột của WTO đang bị chi phối bởi tác động của đại dịch Covid-19 và xung đột địa chính trị, làm chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy ngày càng trầm trọng. Phải tìm hướng đi phù hợp. Vì vậy, xu hướng hiện nay là các nước lớn đang dịch chuyển sản xuất về nước mình hoặc đồng minh, hoặc các nước có lợi thế cạnh tranh về địa lý và nguồn nhân lực để không bị phụ thuộc vào một vài nguồn cung, cố gắng đa dạng hóa nguồn cung. Thực tiễn, hai năm qua đã chứng minh điều đó ngày càng rõ nét hơn.

Trong số các nước được hưởng lợi và tận dụng cơ hội này có Việt Nam. Một nước độc lập, tự chủ về đường lối chính trị và kinh tế với chủ trương đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đổi mới công nghệ và chuyển đổi số. Kinh tế phát triển dựa vào xuất khẩu và đầu tư trực tiếp với khoảng 90% hàng hóa nhập khẩu là để sản xuất ra hàng hóa xuất khẩu.

Nhưng chúng ta phải hiểu rằng, dù các nước có đầu tư và mong muốn chuyển dịch thì không có gì trong một hệ thống sản xuất và phân phối hàng hóa trải dài khắp thế giới thay đổi nhanh chóng, đó là một công việc đòi hỏi rất nhiều tiền và thời gian.

Đại dịch Covid-19 một mặt làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng mặt tích cực là thúc đẩy quá trình chuyển đổi số được ứng dụng trong chuỗi cung ứng và hoạt động logistics. Theo một nghiên cứu của Công ty tư vấn chiến lược toàn cầu McKinsey, quá trình chuyển đổi số đáng lẽ cần 5 năm để áp dụng vào doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng, thì nay chỉ mất 8 tuần nhờ cú hích từ đại dịch. Nền kinh tế thế giới ngày nay được kết nối thông qua mạng xã hội và Internet đã nâng cao yêu cầu của khách hàng về việc cung cấp sản phẩm nhanh hơn. Việc phát triển các chiến lược logistics trong chuỗi cung ứng phải đáp ứng những yêu cầu này, đòi hỏi các nhà cung cấp dịch vụ logistics phải xem xét những vấn đề như vị trí thực tế của các kho hàng, tồn kho và việc sử dụng các hệ thống phần mềm phù hợp để nhận yêu cầu mua hàng và vận chuyển hàng trong vòng vài giây thay vì vài ngày như trước đây. Hình thức giao hàng chặng cuối phát triển mạnh.

Phải làm gì trước yêu cầu khôi phục chuỗi cung ứng?

Trên cơ sở xác định chuỗi cung ứng và dịch vụ logistics của Việt Nam gắn chặt với chuỗi cung ứng và dịch vụ logistics toàn cầu đang bị đứt gãy. Logistics phải đáp ứng ba đặc tính của thương mại toàn cầu. Thứ nhất là nguyên liệu thô phải luôn rẻ và có sẵn rộng rãi. Thứ hai, việc vận chuyển sẽ luôn tốn một phần nhỏ giá trị hàng hóa. Thứ ba là việc vận chuyển luôn đáng tin cậy, đến đúng nơi giao nhận hàng hóa và đúng thời gian.

Đa dạng hóa chuỗi cung ứng đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu đang đặt ra thách thức cho nền kinh tế nước ta.

Trước hết, chúng ta cần bảo đảm sự thông suốt, ổn định, hiệu quả và phát triển của các hoạt động logistics nhằm phục vụ cho chuỗi cung ứng của Việt Nam trong điều kiện yêu cầu mới của chuỗi cung ứng toàn cầu, phục vụ kịp thời các DN xuất nhập khẩu (XNK) có mô hình kinh doanh mới như thương mại điện tử, kỹ thuật số xuyên biên giới.

Thứ hai, tính chống chịu và thích ứng trong thời gian đại dịch vừa qua của ngành dịch vụ logistics và các DN cung cấp dịch vụ logistics đã giúp cho ngành dịch vụ logistics nước ta tồn tại và phát triển. Vì vậy cần nâng cao tính chống chịu và thích ứng của mỗi DN trong điều kiện tác động mạnh mẽ của chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy như hiện nay.

Thứ ba, các DN cần đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ ưu việt cho các hoạt động logistics của mình như một số DN Hội viên Gemadept, Tân Cảng Sài Gòn, T&M Forwarding, Transimex… đang thực hiện. Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) chủ động hướng dẫn và hỗ trợ các Hội viên thực hiện nhanh tiến trình này, trong đó có xây dựng nền tảng chuyển đổi số cho các dịch vụ logistics, E-DO hàng container chung chủ. Qua đó cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ đi đôi với việc đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của mỗi DN dịch vụ logistics, đáp ứng kịp thời các yêu cầu của khách hàng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Phát triển nhanh các DN cung cấp dịch vụ logistics trọn gói 3PL, 4PL đủ năng lực chủ động tham gia vào thị trường dịch vụ logistics thế giới trong điều kiện hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng.

Thứ tư, chủ động hợp tác, kết nối có hiệu quả với các DN sản xuất, XNK nhằm hỗ trợ các DN các hoạt động logistics.

Trong đó tập trung vào phát triển logistics nông nghiệp để phát huy ưu thế cung cấp hàng nông sản của Việt Nam trong chuỗi cung ứng trước tình hình thiếu hụt lương thực, thực phẩm nghiêm trọng toàn cầu hiện nay; giảm chi phí logistics cho hàng nông, thủy sản. Việt Nam đang có ưu thế về cung ứng lương thực, thực phẩm. Dự kiến năm 2022, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng trên dưới 6 triệu tấn gạo, nguồn cung về gạo hàng đầu thế giới; xuất khẩu trên 40 tỷ USD hàng thủy, hải sản. Bằng cách thay đổi cách nghĩ, thói quen cách làm về hàng xuất khẩu, trang bị cho người sản xuất hàng hóa XNK kiến thức cơ bản về vận tải, logistics trong đó có logistics trong chuyển đổi số, phục vụ thương mại điện tử. Ví dụ như Tân Cảng Sài Gòn đã đưa xe đến tận kho hàng gạo, hoặc xà lan đến bến gần kho lấy container đã đóng hàng và mở Code để tàu lấy hàng trực tiếp từ Cần Thơ, qua đó tiết kiệm chi phí logistics cho DN xuất khẩu gạo. Các hội viên của Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam cũng như các Hiệp hội logistics sẽ được thành lập ở các địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện giải pháp này.

Thứ năm, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng logistics phần cứng bên cạnh phần mềm là công việc cấp bách hiện nay. Phát triển đường cao tốc kết nối giữa các trung tâm sản xuất, XNK với các cảng biển nước sâu. Giải pháp này rất quan trọng vì hơn 90% hàng hóa XNK của nước ta thông qua các cảng biển. Phát triển kho bãi, nhất là kho lạnh, các trung tâm logistics khu vực chuyên cho nông sản, hải sản gắn với sản xuất. Tại các trung tâm này nông sản sẽ được xử lý trọn gói sau đó xuất khẩu trực tiếp đi nước ngoài, giúp giảm rất nhiều công đoạn từ đó chi phí logistics hàng nông sản có thể giảm đi 50 %.

Cuối cùng là, củng cố và phát triển mạng lưới quan hệ với các khách hàng quốc tế cũ đi đôi với việc mở rộng khách hàng mới, thông qua việc tận dụng 17 FTA thế hệ mới tạo ra, nhất là các hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP và sắp tới là “Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF)”.

Sự kiện VLA tổ chức

Thông báo quan trọng

Hướng Dẫn Đăng Ký eFBL
Hướng Dẫn Đăng Ký FMC Bond
Tài Liệu Kỹ Năng Soạn Thảo Hợp Đồng Logistics