Liên quan tới việc xác minh container rỗng hay có hàng khi tàu nước ngoài đến Việt Nam, ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan khẳng định, khoản phí này của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang bị chiếm đoạt một cách ngang nhiên.
Tại hội nghị “Đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế – Hải quan 2021” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức chiều 8/12, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Bắc Ninh, Công ty Hanaka – doanh nghiệp chuyên sản xuất dây cáp điện và biến áp bày tỏ sự lo lắng liên quan tới khoản phí các hãng tàu hiện nay rất lớn. Nguyên nhân được cho là hàng xuất lớn hơn hàng nhập, do đó, các hãng tàu tính phí vận chuyển container rỗng đi.
“Điều này rất vô lý bởi không có đơn vị nào xác minh được rõ tàu chở container hàng hay container rỗng”, vị đại diện này nói.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành cho biết, Tổng cục Hải quan đồng tình và sẽ đấu tranh cùng doanh nghiệp liên quan tới việc này.
“Có thể nói, khoản phí này của các doanh nghiệp Việt Nam đang bị chiếm đoạt một cách ngang nhiên”, ông Thành nhấn mạnh.
Liên quan tới kiến nghị này của đại diện Công ty Hanaka, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, mặc dù đây là việc vượt ngoài thẩm quyền của Bộ Tài chính, tuy nhiên, Bộ sẽ phối hợp cùng các đơn vị của Bộ Giao thông vận tải để đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Trước đó, báo điện tử VOV đưa tin, cước vận chuyển container tăng không tưởng, khiến thị trường hỗn loạn, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng bày tỏ lo ngại thực trạng giá cước vận tải biển, giá cước container đi châu Âu, Bắc Mỹ tăng cao dẫn đến nguy cơ bất lợi cho chuỗi cung ứng hàng hóa xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Từ đầu tháng 6/2021 đến nay, giá cước vận tải container đi châu Mỹ tăng theo từng tuần. Chi phí vận chuyển của một container 40 feet đi Bờ Tây nước Mỹ hiện là 12.000 USD, và Bờ Đông là 15.000 USD. Giá cước chở container trên các tuyến dịch vụ từ Việt Nam đi châu Âu cũng gia tăng chóng mặt.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng phàn nàn về việc các hãng tàu đều niêm yết giá trên website nhưng không thể hiện thời gian niêm yết, dẫn đến việc không thể biết chính xác các hãng tàu liệu có thực hiện đúng quy định niêm yết trước 15 ngày khi thay đổi giá hay không; mỗi hãng tàu còn áp 3 – 5 loại phụ phí. Các loại phụ phí này được đưa ra mà không có sự thỏa thuận với khách hàng, không có thời điểm kết thúc…
Bộ Giao thông vận tải cũng đã có cuộc đối thoại với đại diện các bộ, ngành, tỉnh, thành phố; các hiệp hội, doanh nghiệp vận tải biển, logistics để cùng tìm giải pháp, từng bước tháo gỡ các khó khăn.
Về đề xuất giảm phí hoạt động cho tàu, thuyền tại khu vực cảng biển, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết, trên cơ sở kiến nghị của Bộ này, vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành 74/2021/TT-BTC sửa đổi Thông tư 261/2016/TT-BTC quy định về phí, lệ phí hàng hải và biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, trong đó miễn giảm một số khoản phí, lệ phí của doanh nghiệp. Bộ Giao thông vận tải đang chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam xây dựng, đề xuất để tham mưu Chính phủ phương án quản lý giá cước, phụ thu giá vận tải tại Việt Nam./.
Theo VOV.vn