Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam
Vietnam Logistics Business Association

/

/

Hợp tác CMIT – TCTT, Bước đệm cho mô hình cảng mở tại Cái Mép – Thị Vải

Hợp tác CMIT – TCTT, Bước đệm cho mô hình cảng mở tại Cái Mép – Thị Vải

Hai cảng liền kề là CMIT -và TCTT tại khu vực Cái Mép – Thị Vải vừa công bố hợp tác để tạo ra quy mô cầu cảng dài hơn, giúp nâng cao năng lực khai thác, cải thiện chất lượng dịch vụ và tăng cường năng lực tiếp nhận tàu của cả hai bên. Hơn thế nữa, hợp tác này được đánh giá sẽ là tiền đề cho mô hình cảng mở tại khu vực này, đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu phát triển cảng trung chuyển quốc tế tại Cái Mép – Thị Vải.

Từ những bất cập trong quy hoạch

Ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, do nhiều nguyên nhân, việc quy hoạch cụm cảng Cái Mép – Thị Vải trước đây tồn tại nhiều hạn chế, nhất là nhiều dự án cảng container tại khu vực Cái Mép chỉ được quy hoạch, thiết kế với cầu cảng dài khoảng 600m. Trong khi xu hướng phát triển mạnh mẽ của ngành vận tải biển thế giới đã khiến kích cỡ tàu mẹ tăng lên nhanh chóng. Bên cạnh đó, luồng hàng hải Vũng Tàu – Thị Vải cũng được Bộ Giao thông vận tải thường xuyên đầu tư nạo vét nâng cấp, mới đây nhất là nạo vét sâu 15,5m đến bến cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) đã giúp khu bến Cái Mép đón được nhiều tàu container siêu lớn với chiều dài lớn hơn 350m vào làm hàng.

Do đó, mỗi cầu cảng tại Cái Mép chỉ có thể tiếp nhận 1 tàu mẹ với chiều dài trên 350m. Với chiều dài cầu tàu còn lại, mỗi cảng không đủ để tiếp nhận thêm 1 tàu mẹ khác, chỉ có thể khai thác sà lan gây lãng phí đầu tư. Mặt khác, các bến cảng được ngăn cách bởi hàng rào cứng khiến các bên không thể tận dụng được phần năng lực dư thừa, hàng hóa luân chuyển giữa các cảng cạnh nhau vẫn phải đi vòng qua các cổng khác nhau làm gia tăng thời gian, chi phí…

Nói rõ thêm về điều này, ông Vũ Hồng Hùng, Giám đốc Tân Cảng – Cái Mép Thị Vải cũng cho biết, trong những năm qua, khu vực cảng Cái Mép có tốc độ tăng trưởng sản lượng container thông qua khá tốt ở mức hai con số, số lượng tàu mẹ cập các cảng Cái Mép đạt 44 chuyến/tuần, trong đó 2 cảng CMIT và Tân Cảng Cái Mép Thị Vải (TCTT) tiếp nhận tổng cộng 14 chuyến/tuần. Kích cỡ tàu cập cảng khu vực Cái Mép ngày càng tăng, có tàu có chiều dài lên tới 400m và xu hướng các hãng tàu sẽ tiếp tục đóng mới và đưa vào khai thác những tàu có kích cỡ lớn hơn. Đồng thời, các hãng tàu cũng có nhu cầu rất lớn về kết nối hàng hóa giữa các chuyến tàu với nhau.

Trong khi đó, 2 cảng TCTT và CMIT có vị trí liền kề nhau trong khu cảng nước sâu Cái Mép, mỗi cảng chỉ có 600m cầu tàu nên khi khai thác riêng lẻ chỉ có thể tiếp nhận 1 tàu mẹ với chiều dài tàu trên 350m. Với khoảng trên 200m cầu tàu còn lại, cảng TCTT và CMIT không thể tiếp nhận thêm được 1 tàu container mà chỉ có thể khai thác sà lan hoặc trong tình trạng nhàn rỗi, dư thừa. Như vậy, hai cảng không thể tận dụng được phần năng lực dư thừa của mỗi bên.

Hợp tác hóa giải thách thức

Thực tế như trên đã cho thấy việc kết hợp khai thác giữa các bến cảng có lợi thế, thiết kế tương đồng nhau sẽ giải quyết được bài toán nâng cao hiệu quả khai thác, dư thừa công suất thiết kế của các bến cảng, giúp tiết giảm thời gian, chi phí logistics, đồng thời thu hút hãng tàu, DN xuất nhập khẩu sử dụng cụm cảng Cái Mép – Thị Vải.

Ông Vũ Hồng Hùng cho biết, cầu bến 2 cảng TCTT và CMIT có lợi thế tương đồng nhau về hạ tầng cầu bến cảng. Do đó, từ năm 2023 đến nay, 2 cảng đã tiến hành thí điểm hợp tác, đưa tàu, sà lan qua lại bến của nhau, lưu thông hàng hóa giữa 2 cảng và đã giải phóng được 13 tàu container, sản lượng thông qua 33.740 TEU, đảm bảo an toàn tuyệt đối, thực hiện đúng theo chủ trương định hướng, quy định của Bộ Giao thông vận tải và Tổng cục Hải quan. Với những thành công bước đầu trong việc hợp tác, CMIT và TCTT đã có những bước tiến xa hơn trong việc hợp tác toàn diện về cầu bến chung tận dụng được phần năng lực nhàn rỗi của mỗi bên. Việc hợp tác cầu bến giữa 2 cảng TCTT và CMIT sẽ hình thành nên một bến cảng liên thông có chiều dài 1.200m, có thể đón cùng lúc 3 tàu container, trong đó, mỗi cảng đóng góp 200m cầu tàu và cùng khai thác một bến chung B3 dài 400m. Điều này đem lại nhiều lợi ích không chỉ cho mỗi cảng mà còn tối ưu hoá giá trị gia tăng cho các khách hàng, hãng tàu. Việc kết nối sẽ tăng thêm từ 30 – 40% công suất của 2 cảng, tương đương 900.000 TEUs/năm, giúp tăng hiệu quả khai thác cầu bến, cũng như tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước của 2 đơn vị.

Còn ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc cảng CMIT chia sẻ, “Sự ủng hộ của các cơ quan ngành hàng hải và cơ quan hải quan các cấp cũng như sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh cơ sở quan trọng không chỉ đ hai cảng triển khai các bước tiếp theo trong việc nghiên cứu hình thành bến chung ở giữa nhằm nâng cao hiệu quả khai thác cảng mà xa hơn nữa là tạo điều kiện phát triển Cái Mép thành cảng quốc tế trung chuyển lớn nhất cả nước và có tầm cỡ khu vực châu Á và thế giới như Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra”.

Ông Lê Ngọc Khánh nhấn mạnh, việc mở hàng rào cứng, phối hợp khai thác giữa cảng TCTT và CMIT sẽ là bước chạy đà quan trọng để tiến tới hình thành cơ chế quản lý, phối hợp khai thác chung giữa tất cả bến cảng trong khu vực Cái Mép – Thị Vải, đó là cơ chế cảng mở trong tương lai gần và định hướng khu thương mại tự do gắn với cụm cảng Cái Mép – Thị Vải.

Theo Haiquanonline và VP VLA tổng hợp

Sự kiện VLA tổ chức

Thông báo quan trọng

Hướng Dẫn Đăng Ký eFBL
Hướng Dẫn Đăng Ký FMC Bond
Tài Liệu Kỹ Năng Soạn Thảo Hợp Đồng Logistics