Nhằm hoàn thiện chuỗi cung ứng, logistics cho hàng nông sản ĐBSCL, chủ tịch VLA khẳng định cần có cách đặt vấn đề mang tính toàn diện và liên kết phát triển vùng, gắn với TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa-Vũng Tàu, đồng thời đưa ra bảy giải pháp nhằm gỡ nút thắt cho logistics vùng ĐBSCL.
Còn nhiều điểm “nghẽn”
Phát biểu tại Diễn đàn “Hoàn thiện chuỗi dịch vụ Logistics cho nông sản Đồng bằng sông Cửu Long” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), UBND TP Cần Thơ chỉ đạo, VCCI Cần Thơ, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp và Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) tổ chức ngày 26/5/2022, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp logistics (VLA) đánh giá, số lượng các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) còn hạn chế, chưa mạnh và chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, chưa cung cấp được dịch vụ tích hợp và chất lượng cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu.
Cùng với đó, sự phối kết hợp với các doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu còn là vấn đề cần phải cải thiện nhiều. Giảm chi phí logistics cho hàng nông, hải sản, đáp ứng kịp thời yêu cầu về vận tải, kho bãi là yêu cầu hàng đầu hiện nay, qua đó để nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa xuất nhập khẩu dồi dào của ĐBSCL.
Theo ông Hiệp, các ngành công nghiệp phụ trợ chế biến nông sản tại ĐBSCL chưa đa dạng, các Khu công nghiệp cần thu hút thêm các doanh nghiệp đầu tư, chế biến nông sản, các kho – dây chuyền bảo quản, sơ chế, làm mát,… trước khi đóng hàng vào container để sẵn sàng xuất khẩu. Chi phí đầu tư cho kho lạnh, mát tốn kém; hàng hóa trái cây – củ đa số đi theo đường tiểu ngạch nên bị động và rất dễ được mùa nhưng mất giá.
Việc vận chuyển hàng hóa nông, hải sản xuất khẩu chủ yếu là đường bộ và đường thủy nội địa để xếp lên tàu biển, chuyển cảng xuất về Cát Lái, Hiệp Phước, SPITC và các ICD tại Thủ Đức (TP.HCM) và cụm cảng Cái Mép – Thị Vải. Hàng hóa tại Long An, Tiền Giang thường về TP. Hồ Chí Minh bằng container do gần Thành phố nên đa số đi đường bộ. Long An tập trung một số Khu công nghiệp gần TP Hồ Chí Minh nên vận chuyển rất nhanh, thời gian vận chuyển bằng đường bộ về cảng TP Hồ Chí Minh khoảng 1-2 tiếng. Còn Tiền Giang là tỉnh rộng – dài, nên tuỳ từng địa điểm như Cai Lậy hay Cái Bè, Mỹ Tho thì mất khoảng 2-3 giờ di chuyển.
“Hàng hóa từ các địa phương khác có khoảng 65% hàng hóa được vận chuyển bằng đường thủy. Đối với hàng container, khối lượng vận chuyển kết nối TP. Hồ Chí Minh/Cái Mép – ĐBSCL vào khoảng 250.000 TEU mỗi năm. Thời gian vận chuyển khoảng 30-36 tiếng. Mặc dù chi phí vận chuyển thủy rẻ hơn đường bộ khoảng 20%, nhưng hàng đông lạnh thì đa số đi đường bộ vì yếu tố đặc thù như thời gian và vỏ container”, Chủ tịch VLA chia sẻ.
Giải pháp gỡ khó
Xuất phát từ tình hình thực tế trên đây, nhằm hoàn thiện chuỗi cung ứng, logistics cho hàng nông sản ĐBSCL, vị chủ tịch VLA cho rằng, cần có cách đặt vấn đề mang tính toàn diện và liên kết phát triển vùng, gắn với TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa-Vũng Tàu, với những biện pháp cụ thể như:
Thứ nhất, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, đặc biệt là các tuyến cao tốc như Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ kết nối với TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa-Vũng Tàu, trong đó có tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành – Vũng Tàu. Qua đó làm giảm thiểu thời gian vận chuyển giữa ĐBSCL với hai khu vực cảng xuất nhập khẩu hàng hóa chính. Về lâu dài cần sớm nghiên cứu phát triển tuyến đường sắt kết nối.
“Hiện nay, một số địa phương còn có chính sách khuyến khích cụ thể. Ví dụ như cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh) khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển container cập/rời cảng Vũng Áng với tần suất tối thiểu 2 chuyến cập cảng mỗi tháng sẽ được hỗ trợ 200.000.000 đồng/chuyến theo Nghị quyết số 276/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Hà Tĩnh. Thiết nghĩ, khu vực ĐBSCL đã quy hoạch cảng biển và logistics tại Cần Thơ làm trung tâm phát triển cho ĐBSCL, để khuyến khích các doanh nghiệp khai thác tàu container vận chuyển nội địa và hàng hóa xuất nhập khẩu có thể vào cụm cảng Cần Thơ ngoài việc thiết lập tuyến luồng an toàn cho tàu thì việc có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn từ 1-2 năm đầu khai thác thì sẽ khuyến khích các giải pháp tiết giảm chi phí logistics cho khu vực”, ông Hiệp chia sẻ.
Thứ ba, về vận tải biển, một vấn đề khó khăn hiện nay là chưa có luồng tàu biển có mớn nước đủ sâu để tàu có trọng tải từ 10.000 -20.000 tấn ra vào Cần Thơ và các tỉnh lân cận một cách thuận lợi để vận chuyển hàng hóa nông, thủy sản xuất khẩu. Đây là giải pháp tối ưu hiện nay thay vì xây dựng một cảng nước sâu trong khu vực, hay tìm luồng khác. Công việc nạo vét luồng hàng hải Định An-Cần Thơ này nên kết hợp công tư, hay tốt nhất là đấu thầu giữa các doanh nghiệp tư nhân có liên kết, liên doanh với các doanh nghiệp nước ngoài, như Hà Lan, Nhật Bản và Singapore đang mua cát thải để đầu tư mở rộng diện tích phát triển kết cấu hạ tầng.
Thứ tư, phát triển Trung tâm logistics tại Cần Thơ cho hàng hóa cả Khu vực ĐBSCL. Trung tâm này sẽ có nhiệm vụ liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ. Đồng thời giải quyết việc phân tán trong sản xuất, lưu thông phân phối, không thường xuyên và đủ nhiều hàng cho tàu có trọng tải lớn chuyên chở như hiện nay. “Song, cơ chế thủ tục hải quan, tài chính cần được thực hiện thông thoáng tại Trung tâm này, góp phần giảm đáng kể chi phí logistics cho hàng nông, thủy sản xuất khẩu. Bên cạnh đó, có cơ chế chính sách về miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, giao đất, miễn thuế đất từ 5-10 năm cho các doanh nghiệp kinh doanh kho bãi lạnh, cảng biển tại ĐBSCL vì chi phí đầu tư lớn”.
Thứ năm, hợp tác giữa các doanh nghiệp liên quan trong và ngoài nước, nhằm tạo dựng dây chuyền kho nông sản, nhất là hệ thống dây chuyền lạnh đủ tiêu chuẩn bảo quản, đóng gói, qui trình sơ chế -xử lý. Qua đó hạn chế tỷ lệ hao hụt hàng hóa trái cây, nông sản, thủy sản sau thu hoạch, hiện nay từ 30%-35%, bảo đảm chất lượng hàng hóa xuất khẩu. Việc kiểm tra chất lượng, chiếu xạ hoa quả cần tiến hành tại chỗ thay vì đưa đi xa như hiện nay. Ứng dụng khoa học công nghệ về thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch, ứng biến với từng thị trường. Tận dụng được lợi thế về thị trường mới và thuế mà các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA và RCEP mang lại. Giảm thiểu hàng hóa xuất khẩu hoa quả tiểu ngạch. Xác định mặt hàng chủ lực của mội địa phương trong khu vực, tập trung qui trình chuẩn và có cơ chế đặc biệt để phát triển thâm nhập các thị trường xuất khẩu khó tính nhất và chính ngạch.
Thứ sáu, triển khai và phát triển nguồn nhân lực chuỗi cung ứng và logistics chất lượng cao tại khu vực ĐBSCL để đáp ứng kịp thời nhu cầu hiện tại và trong tương lai. Viện Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Logistics (VLI) của Hiệp hội có thể kết hợp với các Trường Đại học, Đào tạo nghề ở Cần Thơ và trong khu vực ĐBSCL để tổ chức và thực hiện công tác đào tạo này trong 13 tỉnh ĐBSCL.
Thứ bẩy, tập trung vào việc phát triển các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đủ mạnh, nhất là các doanh nghiệp liên kết hiệu quả với thị trường quốc tế. Thành lập Hiệp hội logistics vùng ĐBSCL với trung tâm là Cần Thơ. Hiệp hội thường xuyên có sự trao đổi, chất vấn – tranh luận bàn giải pháp trực tiếp với Trung tâm xúc tiến đầu tư, sở công thương của các tỉnh trong khu vực nhằm tập hợp và phát triển các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics trong khu vực, đầu mối liên kết các doanh nghiệp và các chính quyền địa phương, nhằm thúc đẩy hoạt động logistics có hiệu quả ở khu vực ĐBSCL và trong cả nước.
“Thực hiện được các đề xuất chính trên đây chắc chắn sẽ góp phần vào việc giảm chi phí logistics đang cao của hàng hóa DBSCL, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa trong chuỗi cung ứng, đáp ứng kịp thời yêu cầu của khách hàng, tăng thu nhập cho người sản xuất và phát triển mạnh kinh tế liên kết khu vực ĐBSCL”, chủ tịch Hiệp nhấn mạnh.
Theo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp