“Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, không chỉ là một thông điệp mà còn thể hiện ý nghĩa nhân văn sâu sắc của việc hiến máu tình nguyện. Nghĩa cử cao đẹp ấy đang ngày một lan tỏa đến tất cả mọi người, tạo nên hiệu ứng rộng khắp trong toàn cộng đồng, mang lại hy vọng cho những người bệnh cần máu để duy trì sự sống.
“Đòn bẩy” đảm bảo công tác truyền máu
Đầu những năm 1990, ở nước ta, máu để truyền trong những trường hợp cấp cứu chủ yếu được lấy từ người thân của bệnh nhân hoặc được mua từ người bán, chất lượng máu kém, nguy cơ lây nhiễm bệnh qua truyền máu rất cao. Để bảo đảm an toàn truyền máu, năm 1994, Bộ Y tế đã tổ chức thành công “Ngày hiến máu nhân đạo” thu hút đông đảo người dân tham gia.
Sau đó, ngày 7/4/2000, nhân Ngày Sức khỏe thế giới hàng năm và là năm Tổ chức Y tế thế giới lấy là Năm “An toàn truyền máu”, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 43/2000/QĐ-TTg về vận động, khuyến khích nhân dân hiến máu tình nguyện và lấy ngày 7/4 hằng năm là Ngày “Toàn dân hiến máu tình nguyện”. Quyết định được ban hành là bước ngoặt quan trọng cho phong trào hiến máu tình nguyện, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động đối với các cấp chính quyền, đoàn thể từ Trung ương tới địa phương và các tầng lớp nhân dân trong cả nước.
Theo Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện, kể từ đó đến nay, ngày 7/4 hằng năm đã trở thành dịp để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa cao đẹp của hiến máu cứu người. Đồng thời, đây cũng là dịp khuyến khích, động viên đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia hiến máu tình nguyện, tạo nên phong trào hiến máu lan tỏa, rộng khắp ở các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Sau 20 năm phát động Ngày “Toàn dân hiến máu tình nguyện”- 7/4, phong trào hiến máu tình nguyện ở nước ta đã thu được những kết quả đáng khích lệ, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Trong 20 năm, toàn quốc đã vận động, tiếp nhận được trên 16 triệu đơn vị máu. Số lượng máu tiếp nhận được và tỷ lệ người dân tham gia hiến máu năm sau luôn cao hơn năm trước.
Mạng lưới công tác vận động hiến máu tình nguyện toàn quốc đã được hình thành và từng bước hoàn thiện. Cả nước hiện có 100% quận, huyện và gần 85% xã, phường lập Ban Chỉ đạo, gần 4.000 Câu lạc bộ hiến máu tình nguyện với gần 120.000 thành viên. Cùng với đó, nhiều chiến dịch, sự kiện hiến máu lớn được tổ chức tạo dấu ấn thúc đẩy mạnh mẽ phong trào hiến máu của cả nước. Nhiều địa phương đã hưởng ứng tổ chức sự kiện rất quy mô, chuyên nghiệp, bài bản vào các thời điểm khan hiếm máu như: “Lễ hội Xuân hồng”, “Những giọt máu hồng hè”, “Hành trình Đỏ”, “Chủ nhật Đỏ”, Ngày Quốc tế người hiến máu 14/6…
Bà Nguyễn Thị Xuân Thu chia sẻ, hiện nay, cả nước có khoảng 98% dân số tham gia hiến máu tình nguyện. Kết quả này một phần do Ban Chỉ đạo hiến máu từ Trung ương đến địa phương và Hội Chữ thập đỏ các cấp đã vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về hiến máu tình nguyện.
Bà Nguyễn Thị Xuân Thu đánh giá, 20 năm qua, phong trào hiến máu tình nguyện đã góp phần rất lớn vào công tác giáo dục đạo đức, hướng người dân, đặc biệt là giới trẻ đến với các hoạt động nhân đạo vì cộng đồng. Qua đó, nhận thức của người dân về sức khỏe và phòng chống các bệnh lây qua đường truyền máu ngày càng được nâng cao.
Tích cực vận động và tổ chức hiến máu an toàn giữa đại dịch
Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, hưởng ứng ngày “Toàn dân hiến máu tình nguyện” – 7/4, Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện Trung ương và các cấp đều có kế hoạch triển khai các hoạt động. Hàng năm, đây là dịp có nhiều hoạt động sôi nổi để vận động người dân tham gia hiến máu tình nguyện. Tuy nhiên, năm nay, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, công tác tổ chức vận động hiến máu có nhiều khó khăn, thay đổi, ảnh hưởng đến kết quả vận động hiến máu và người cần máu tại các bệnh viện.
Bà Nguyễn Thị Xuân Thu cũng thông tin, từ Tết đến nay, các hoạt động hiến máu vẫn được tổ chức nhưng khó khăn hơn. Số lượng máu tiếp nhận được chỉ bằng khoảng 80% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này đạt được là một sự cố gắng rất lớn của nhiều cán bộ, tình nguyện viên. Lượng máu tiếp nhận được mới chỉ giải quyết được một phần nhu cầu cần máu của người bệnh và hiện vẫn còn rất khó khăn. Vì vậy, nhân kỷ niệm 20 năm Ngày “Toàn dân hiến máu tình nguyện”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có thư kêu gọi toàn dân tham gia hiến máu tình nguyện để cứu người. Thư là sự động viên, khích lệ, kêu gọi rất đúng lúc, kịp thời để mọi người vừa tham gia chống dịch, vừa tích cực hiến máu giúp các bệnh viện có đủ máu cứu người.
Tuy nhiên, trong thời gian dịch COVID-19, người dân một phần ngại di chuyển đến nơi đông người, một phần muốn thực hiện nghiêm việc cách ly hoặc muốn giữ sức khỏe để phòng chống dịch bệnh cho chính mình và gia đình nên ngại tham gia hiến máu tình nguyện. Ngoài ra, sinh viên – lực lượng tham gia hiến máu rất lớn trước đây hiện đang nghỉ học nên số lượng máu tiếp nhận được bị giảm.
Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện đã có văn bản chỉ đạo Ban Chỉ đạo vận động hiến máu ở các địa phương, Hội Chữ thập đỏ các cấp triển khai nghiêm túc việc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội, đồng thời lồng ghép các hoạt động tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19; hướng dẫn người dân cách phòng, chống bệnh; vận động những người có đủ sức khỏe tham gia hiến máu cứu người.
Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện chia sẻ, để phù hợp với điều kiện hiện tại, cách thức tổ chức hiến máu cũng được thay đổi. Theo đó, các sự kiện hiến máu được tổ chức nhiều ngày hơn; chia thành nhóm nhỏ; bố trí số người đến hiến máu trong cùng một thời gian ít để hạn chế tập trung đông người; tổ chức nghiêm ngặt công tác vệ sinh phòng dịch…
Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện kêu gọi những người trẻ, có đủ sức khỏe làm việc ở các công sở, cơ quan, trường học, bệnh viện, khu vực quân đội nhất là các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương là cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia hiến máu tình nguyện tham gia hiến máu. Các câu lạc bộ, hội viên, tình nguyện viên chữ thập đỏ tích cực vận động hiến máu, phối hợp tổ chức hiến máu đảm bảo an toàn. Nếu tổ chức được các điểm hiến máu an toàn, chắc chắn vẫn có người đến tham gia hiến máu, bà Nguyễn Thị Xuân Thu khẳng định.