Ngành logistics phải đối mặt thách thức về chi phí cao, tính thiếu bền bỉ của chuỗi cung ứng cũng như những “cú sốc” của các chuỗi cung ứng phức tạp.
Đại hội Thế giới Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận vận tải Quốc tế (FIATA World Congress – FWC) 2024 vừa được tổ chức tại thành phố Panama, Panama. Với chương trình nghị sự quan trọng và loạt hoạt động triển lãm, B2B, sự kiện là nơi tập hợp của hơn 800 doanh nhân, doanh nghiệp là nhà lãnh đạo và các chuyên gia từ các ngành logistics chia sẻ kiến thức và thúc đẩy sự hợp tác.
Panama – đất nước được ví như “cầu nối của thế giới”, đóng vai trò thiết yếu trong ngành logistics toàn cầu, đặc biệt là vận tải biển. Đất nước này đóng vai trò là biểu tượng của sự kết nối và là trung tâm thương mại quốc tế nhờ Kênh đào Panama nổi tiếng, một tuyến đường quan trọng cho thương mại toàn cầu và cơ sở hạ tầng hậu cần mạnh mẽ của mình.
Ông Turgut Erkeskin Chủ tịch FIATA khẳng định, chủ đề của FWC 2024 “sự kết nối tuyệt vời” là dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng chiến lược của Panama đối với nền kinh tế toàn cầu. Nó cũng nhấn mạnh cam kết của FIATA trong việc khám phá tiềm năng hợp tác và đổi mới toàn cầu trong ngành logistics.
Ông Carlos Hoyos, Bộ trưởng Bộ Giao nhận Vận tải, phụ trách Thương mại và Công nghiệp Panama chia sẻ, trong suốt lịch sử, Panama đã là trung tâm của một số sự kiện danh giá nhất thế giới và hôm nay, với tư cách là chủ nhà của FWC 2024, Panama một lần nữa khẳng định vị thế của mình ở vị trí đi đầu trong lĩnh vực hậu cần, logistics toàn cầu.
“Tăng cường tiềm năng lĩnh vực logistics và kết nối là một phần trong chiến lược của chính phủ của Tổng thống Jose Raul Mulino”, ông Carlos Hoyos nhấn mạnh.
Đồng thời chia sẻ với các doanh nghiệp về kế hoạch của Panama nhằm mở rộng Sân bay Quốc tế Tocumen với đường băng thứ ba xây dựng tuyến tàu Panama-David và hội nhập các ngành công nghiệp mới vào nền kinh tế đất nước này.
“Chúng tôi đang hợp tác với nhiều bên liên quan để tối ưu hóa môi trường đầu tư”, ông Carlos Hoyos nói. Đồng thời khẳng định Chính phủ Panama đang tập trung vào cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi. Cũng theo Bộ trưởng Bộ Giao nhận Vận tải, các doanh nghiệp lĩnh vực logistics, với tư cách là đối tác quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân và các nhà lãnh đạo ngành, đóng một vai trò thiết yếu trong quá trình này.
“Chúng tôi đảm bảo là đối tác lý tưởng cho các công ty và quốc gia đang tìm cách tăng cường chuỗi cung ứng toàn cầu của mình”, ông Carlos Hoyos khẳng định.
Trong khi đó, ông José Ramón Icaza, Bộ trưởng Bộ Kênh đào của Panama nhấn mạnh những lợi thế cạnh tranh của đất nước, nền tảng logistics của quốc gia này đã được chứng minh là liên tục và linh hoạt.
Tham dự FWC 2024, đại diện Việt Nam, Đoàn giao dịch thương mại ngành logistics tại Panama do Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) chủ trì tổ chức với 25 thành viên đoàn là đại diện Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương, lãnh đạo các Doanh nghiệp, Viện nghiên cứu, cơ quan báo chí, nhằm thực hiện Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại theo Quyết định số 3444/QĐ-BCT ngày 31/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Trưởng Đoàn Việt Nam, ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch VLA nhấn mạnh, FWC 2024 là cơ hội với các doanh nghiệp ngành logistics Việt Nam gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư với hàng ngàn doanh nghiệp logistics hàng đầu thế giới. Đặc biệt, sự kiện được tổ chức tại Panama, nơi sở hữu một trong hai kênh đào huyết mạch của thế giới cũng là cơ hội tìm hiểu thú vị cho doanh nghiệp.
“Tuy nhiên, Panama cũng như tất cả các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam đang phải đối mặt các thách thức về chi phí cao, thách thức trong vận tải đa phương thức, tính thiếu bền bỉ của chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như những “cú sốc” của các chuỗi cung ứng phức tạp,… Thực tế này dẫn tới một số xu hướng như đưa hàng hoá về điểm gần hơn, các quốc gia có chính sách tương đồng. Vấn đề biến đổi khí hậu cũng được các doanh nghiệp đặc biệt nhấn mạnh. Điều này yêu cầu các doanh nghiệp logistics phải xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt, vừa nhanh, vừa phải “kinh tế” và bền vững. Do đó, Đại hội FWC 2024 còn là nơi các doanh nghiệp, chuyên gia chia sẻ tìm kiếm giải pháp cho chuỗi cung ứng ngành logistics bền vững và hiệu quả thông qua các phiên thảo luận, hội thảo chuyên đề”, Chủ tịch VLA nhấn mạnh.
Đồng thời cho biết, FWC 2024 cũng là dịp để Việt Nam quảng bá về FWC 2025 sẽ được VLA đăng cai tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam tháng 10/2025 tới đây. “Các doanh nghiệp, hiệp hội bạn đều bày tỏ mong muốn tham dự FWC 2025 tại Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác tại thị trường nhiều tiềm năng như Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Du lịch và các điểm đến hấp dẫn của chúng ta cũng có thể là điều thu hút lượng doanh nghiệp tham dự lớn. Lãnh đạo FIATA và VLA kỳ vọng Đại hội tổ chức tại Việt Nam sẽ đạt kỷ lục về số người tham dự, tạo ra cơ hội kết nối logistics, thương mại, xuất nhập khẩu lớn cho Việt Nam và khu vực”, ông Đào Trọng Khoa nhấn mạnh.
Một số hình ảnh của đoàn Đoàn giao dịch thương mại ngành logistics Việt Nam tại Panama