Bộ GTVT đề xuất các địa phương xem xét miễn, giảm phí sử dụng kết cấu hạ tầng trong khu vực cửa khẩu cảng biển đối với hàng quá cảnh, chuyển khẩu được vận chuyển bằng đường thủy nội địa.
Bộ GTVT vừa có công văn gửi HĐND, UBND TP. Hải Phòng; HĐND, UBND TP. HCM về việc miễn phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển.
Ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới khiến chuỗi cung ứng sản xuất và phân phối hàng hóa bị ảnh hưởng, gián đoạn do các nước áp dụng biện pháp kiểm soát phòng dịch. Nhiều cảng biển lớn tại Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc bị tắc nghẽn làm tàu phải neo đậu dài ngày chờ cầu, container bị lưu trên tàu, kho bãi, dẫn đến tình trạng thiếu container rỗng, thiếu chỗ trên tàu, chi phí vận tải tăng cao trên toàn cầu, ảnh hưởng đến doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, việc phát sinh nhiều chi phí phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cũng ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp.
Thời gian vừa qua, Bộ GTVT nhận được văn bản của các cơ quan, tổ chức phản ánh về phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển đối với hàng hóa được vận chuyển bằng phương tiện thủy nội địa.
Theo phản ánh của các hiệp hội, doanh nghiệp và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, hiện TP. Hải Phòng (và sắp tới kể từ ngày 1/4/2022 là TP. HCM) sẽ thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển đối với hàng hóa được vận chuyển bằng phương tiện thủy nội địa.
Các doanh nghiệp và Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng, việc thu phí này là chưa hợp lý, chưa đúng đối tượng; đồng thời tăng gánh nặng cho doanh nghiệp, nảy sinh tình trạng phí chồng phí, giảm tính cạnh tranh của các doanh nghiệp vận tải đường thủy.
Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị HĐND, UBND TP. Hải Phòng và HĐND, UBND TP.HCM xem xét kiến nghị của doanh nghiệp để miễn, giảm phí sử dụng kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ trong khu vực cửa khẩu cảng biển đối với hàng quá cảnh, chuyển khẩu được vận chuyển bằng đường thủy nội địa
“Điều này sẽ giúp hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 và giảm chi phí logistics góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”, ông Nguyễn Xuân Sang cho biết.
Được biết, hiện nay, hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy nội địa về khu vực cảng biển Hải Phòng và TP.HCM chiếm 15%-20% tổng lượng hàng thông qua cảng; khoảng 60%-70% hàng hóa thông qua các cảng biển là hàng container.
Tuy nhiên, tỷ lệ đảm nhận của vận tải container bằng đường thủy nội địa tại các cảng biển vẫn còn hạn chế, nhất là khu vực cảng biển Hải Phòng chỉ khoảng 1,5%-1,8%; khu vực cảng biển Tp.HCM đạt 10-11%. Trong khi đó, tại khu vực cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu (việc kết nối giữa đường thủy nội địa với cảng biển rất tốt, hàng hóa không bị thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển) tỷ lệ hàng vận chuyển container bằng đường thủy nội địa đạt 70%-80%.
Đại diện Cục Đường thủy nội địa Việt Nam khẳng định, phương tiện thủy nội địa vận chuyển hàng hóa chỉ sử dụng đường thủy, không gây ùn tắc giao thông, không sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng của địa phương trong khu vực cửa khẩu cảng biển.
Việc hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy phải đóng thêm phí này làm tăng gánh nặng cho doanh nghiệp, nảy sinh tình trạng phí chồng phí, giảm tính cạnh tranh của các doanh nghiệp vận tải đường thủy.
Theo thông tin của Báo điện tử Đầu tư – Baodautu.vn