Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam
Vietnam Logistics Business Association

/

/

Đảm bảo bảo vệ dữ liệu và niềm tin trong các nền tảng logistics kỹ thuật số

Đảm bảo bảo vệ dữ liệu và niềm tin trong các nền tảng logistics kỹ thuật số

Mặc dù quá trình số hoá đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, ngành logistics vẫn chậm bắt nhịp vì những lo ngại liên quan đến quyền sở hữu và bảo mật dữ liệu. Bài viết này phân tích tầm quan trọng của quản trị dữ liệu trong các nền tảng logistics kỹ thuật số, cùng những nguyên tắc bảo vệ dữ liệu được đề xuất trong Hiến chương quốc tế nhằm xây dựng niềm tin và thúc đẩy sự hợp tác hiệu quả trong chuỗi cung ứng.

Việc phát triển và triển khai các ứng dụng ngày càng phức tạp được hỗ trợ bởi Trí tuệ nhân tạo (AI) đã tiêu tốn một lượng lớn chi phí để phục vụ cho việc nghiên cứu, nâng cấp cơ sở hạ tầng và phần mềm trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Những tuần đầu năm 2025 đã cho thấy sự phát triển mạnh mẽ khó lường của công nghệ này.

Trong khi đó, trong lĩnh vực logistics quốc tế, 98% trong số 45 triệu vận đơn tàu biển (BL) được phát hành vào năm 2022 vẫn ở định dạng giấy. Một số doanh nghiệp đã cố gắng áp dụng các mô hình giao nhận kỹ thuật số, với những mức độ thành công khác nhau. Có thể thấy lợi ích và hiệu quả của việc số hóa có thể rất lớn, vậy điều gì đang cản trở quá trình số hoá trong ngành logistics?

Một trong những lý do được nêu ra là mối quan ngại về quyền sở hữu và tính bảo mật dữ liệu của khách hàng được gửi đến các nền tảng booking và logistics kỹ thuật số. Trong khi một BL định dạng giấy đơn lẻ sẽ không tiết lộ nhiều về kế hoạch kinh doanh tổng thể của các đơn vị giao nhận hoặc đơn vị gửi hàng, nhưng khả năng của một nền tảng kỹ thuật số trong việc lưu trữ, phân tích và suy luận các xu hướng về khối lượng, nguồn gốc và điểm đến mở ra cơ hội cho việc “khai thác” dữ liệu kỹ thuật số của khách hàng và tiết lộ thông tin nhạy cảm về thương mại. Ngoài ra, việc tiết lộ danh tính của khách hàng cũng là một mối quan ngại khác khi ngày càng có nhiều hãng vận chuyển nuôi tham vọng muốn cung cấp dịch vụ giao hàng tận nơi trực tiếp cho khách hàng.

Những gì còn thiếu trong không gian thương mại số là quyền và biện pháp bảo vệ đối với dữ liệu nhạy cảm trong kinh doanh, tương tự như những gì đã được áp dụng cho dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng trong hơn 30 năm qua. Vào năm 2023, Diễn đàn các Nhà Vận chuyển Toàn cầu – The Global Shippers Forum (GSF) và FIATA đã xây dựng các nguyên tắc và tiêu chuẩn dành cho các nhà cung cấp nền tảng logistics số, và đã công bố tài liệu “Hiến chương về Bảo vệ và Quản trị Dữ liệu trong Thương mại Quốc tế”. Hiến chương này đưa ra các quy định về cách mà các nhà cung cấp nền tảng nên bảo mật và bảo vệ dữ liệu của người dùng, cũng như thực hiện các biện pháp báo cáo và khắc phục khi có sự cố mất mát hoặc lạm dụng dữ liệu.

Điểm khởi đầu của Hiến chương là quyền sở hữu thông tin được tải lên nền tảng booking thuộc về người gửi ban đầu, và các nền tảng này không có quyền tự động sử dụng, lưu trữ cũng như bán thông tin do khách hàng cung cấp nếu không có sự cho phép rõ ràng. Do đó, các nhà cung cấp nền tảng đang nắm giữ dữ liệu của các bên khác có “Nghĩa vụ Cẩn trọng” để bảo vệ hệ thống của họ khỏi việc truy cập trái phép và đánh cắp dữ liệu, bằng cách sử dụng các hệ thống bảo mật theo tiêu chuẩn ngành. Hiến chương khuyến nghị rằng các nền tảng nên bổ nhiệm nhân viên bảo vệ dữ liệu để chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp này, đồng thời có đủ nguồn lực cần thiết để đảm bảo tính toàn vẹn dữ liệu và an ninh mạng được giám sát thường xuyên.

Trong trường hợp xảy ra mất dữ liệu hoặc truy cập trái phép, Hiến chương quy định rằng khách hàng phải được báo tin kịp thời và các cơ quan quản lý cần được thông báo nếu cần. Điều này không chỉ đơn giản là phép lịch sự, mà còn vì bản thân chủ sở hữu dữ liệu có thể có nghĩa vụ pháp lý phải thông báo cho khách hàng của mình về những tổn thất như vậy.

Cuối cùng, Hiến chương kêu gọi các nền tảng logistics kỹ thuật số lớn hơn đảm bảo khả năng tương tác giữa các hệ thống, cho phép thực hiện giao dịch thương mại ngoại tuyến giữa người dùng, và đảm bảo chủ sở hữu dữ liệu có thể theo dõi được dữ liệu của mình. Việc cấm sử dụng dữ liệu của người dùng để cung cấp các dịch vụ cạnh tranh cũng là điều thiết yếu.

Hiến chương này cung cấp cho người vận chuyển và đơn vị trung gian một danh sách quyền lợi và biện pháp bảo vệ mà họ nên tìm kiếm trong Thỏa thuận Cấp phép Người dùng Cuối – End User Licensing Agreement khi đăng ký sử dụng nền tảng số lần đầu. Các biện pháp bảo vệ này có thể đã có sẵn, nhưng nếu trong trường hợp chưa có thì sẽ được áp dụng nhanh hơn nếu khách hàng chủ động yêu cầu.

Khi ngành công nghiệp hàng hải tiếp nhận sự số hóa, quản trị dữ liệu và quyền sở hữu dữ liệu trở thành yếu tố then chốt trong việc đảm bảo hiệu suất trong công việc cũng như sự hợp tác hiệu quả giữa các bên. Với sự phụ thuộc ngày càng lớn vào các giải pháp số, việc quản lý, bảo mật và chia sẻ dữ liệu một cách hiệu quả là rất quan trọng. Ông Pascal Ollivier, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Dữ liệu tại Hiệp hội Cảng và Cảng biển Quốc tế (IAPH), đã có những chia sẻ về cách mà những khái niệm này đang tạo ra biến đổi trong ngành.

Quản trị dữ liệu và quyền sở hữu dữ liệu thường được thảo luận trong bối cảnh số hóa, nhưng định nghĩa và vai trò của chúng đôi khi có thể không rõ ràng. Ông sẽ định nghĩa những khái niệm này như thế nào trong chuỗi cung ứng hàng hải, và tại sao chúng lại quan trọng đối với các công ty giao nhận và các bên liên quan khác?

Quản trị dữ liệu được xem là các chính sách và quy trình đảm bảo quản lý, chất lượng và an toàn dữ liệu trong chuỗi cung ứng hàng hải. Trong khi đó, quyền sở hữu dữ liệu được định nghĩa là quyền kiểm soát và trách nhiệm đối với việc sử dụng dữ liệu. Những khái niệm này rất quan trọng đối với các công ty giao nhận và các bên liên quan khác vì chúng đảm bảo tính toàn vẹn, bảo mật và tuân thủ các khuôn khổ pháp lý của dữ liệu. Quản trị và quyền sở hữu phù hợp sẽ tạo điều kiện cho sự tin tưởng trong hợp tác, điều này rất quan trọng đối với việc vận hành chuỗi cung ứng hiệu quả.

Quá trình số hóa của chuỗi cung ứng đã diễn ra chậm hơn dự kiến và đang đối diện với một thách thức chính là sự thiếu tin tưởng giữa các đối tác khi nói đến việc chia sẻ dữ liệu. Sự ngờ vực về quyền sở hữu dữ liệu và quản trị dữ liệu đã góp phần sự do dự này như thế nào, và nó đặt ra những rủi ro gì cho sự hợp tác trong toàn ngành?

Sự ngờ vực về quyền sở hữu và quản trị dữ liệu sẽ dẫn đến sự do dự trong việc chia sẻ dữ liệu do còn e ngại về việc chúng sẽ bị sử dụng sai mục đích, thiếu kiểm soát và gây ra những hậu quả pháp lý tiềm ẩn. Và từ đó sự do dự này sẽ hạn chế sự hợp tác trong toàn ngành, dẫn đến tình trạng hợp tác không hiệu quả, thiếu tính minh bạch và bỏ lỡ các cơ hội tối ưu hóa và đổi mới.

Quản trị dữ liệu và quyền sở hữu dữ liệu có vai trò như thế nào trong việc cải thiện quá trình hoạt động của chuỗi cung ứng? Chúng mang lại lợi ích gì cho các công ty giao nhận hàng hóa, cảng biển và các nhà cung cấp dịch vụ logistics khác?

Quản trị dữ liệu và quyền sở hữu dữ liệu giúp tiêu chuẩn hóa các định dạng dữ liệu, đảm bảo chất lượng dữ liệu và bảo vệ thông tin nhạy cảm, từ đó nâng cao hiệu quả và độ tin cậy trong quá trình hoạt động của chuỗi cung ứng. Đối với các công ty giao nhận vận tải, cảng biển và nhà cung cấp dịch vụ logistics, quản trị dữ liệu và quyền sở hữu dữ liệu giúp tăng khả năng đưa ra quyết định, cải thiện dịch vụ chăm sóc khách hàng, giảm rủi ro trong quá trình hoạt động và thúc đẩy đổi mới thông qua việc sử dụng dữ liệu hiệu quả hơn.

Theo Tạp chí FIATA Review số 150. https://www.flipsnack.com/fiata/fiata-review-march-2025/full-view.html

 Bài: Charting the course: Data governance and ownership in maritime supply chains, trang 17 & Ensuring data protection and trust in digital logistics platforms, trang 19.

Ngọc Quỳnh VP VLA biên dịch và tổng hợp

Sự kiện VLA tổ chức

Thông báo quan trọng

Hướng Dẫn Đăng Ký eFBL
Hướng Dẫn Đăng Ký FMC Bond