Do dịch bệnh COVID-19, cạnh tranh quốc tế gay gắt nên giá cước vận tải biển tăng cao, gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Khó chồng khó cùng lúc
Theo số liệu từ Cục Hàng hải Việt Nam, tổng sản lượng hàng hoá thông qua cảng biển trong hai tháng đầu năm 2022 ước đạt 116 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 16% kế hoạch năm. Dù có tín hiệu khả quan nhưng trên thực tế thị trường vận tải biển toàn cầu đang diễn biến không thuận lợi, gây ảnh hưởng nhiều đến các chủ hàng Việt.
Theo thông tin của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), do dịch bệnh diễn biến phức tạp, hiện một số nước đồng loạt áp dụng các biện pháp kiểm soát giao thương. Nhiều cảng biển nước ngoài, đặc biệt là châu Âu và châu Mỹ, đang chứng kiến tình trạng hàng triệu container bị ùn tắc. Một số cảng biển áp dụng biện pháp chống dịch dẫn đến thời gian quay vòng tàu kéo dài hơn. Nhu cầu nhập khẩu của châu Mỹ, châu Âu đối với hàng hóa Trung Quốc, châu Á cũng đột ngột tăng cao dẫn đến mất cân bằng container giữa hàng xuất và hàng nhập.
Những nguyên nhân ấy làm giá cước vận tải biển tăng cao, gấp 3-5 lần so với trước đây và tình trạng thiếu hụt container rỗng trên toàn cầu. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu Việt Nam buộc phải giảm lượng hàng xuất khẩu.
Mặt khác, trong những năm gần đây, thị phần vận tải hàng hóa xuất, nhập khẩu của đội tàu vận tải biển Việt Nam ngày càng giảm. Cụ thể, năm 2015, đội tàu Việt đảm nhận 11%, năm 2018 giảm xuống 7%, hiện chỉ còn khoảng 6%, chủ yếu chạy các tuyến ngắn tới Trung Quốc hoặc trong khu vực Đông Nam Á, xa nhất cũng vẫn nằm trong khu vực châu Á.
Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, đội tàu biển Việt Nam có khoảng 1.494 tàu, tổng trọng tải trên 11,6 triệu DWT, tổng dung tích 7,1 triệu GT. Với quy mô này, Việt Nam xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN và đứng thứ 28 trên thế giới. Tuy vậy, trong những năm gần đây, đội tàu mang cờ nước ngoài thuộc sở hữu chủ tàu Việt Nam lại có xu hướng gia tăng. Tính đến hết năm 2020, đội tàu mang cờ quốc tịch nước ngoài thuộc sở hữu doanh nghiệp Việt Nam là 166 tàu, tổng trọng tải khoảng 3 triệu DWT.
Như vậy có nghĩa không chỉ thị phần vận tải của đội tàu Việt ngày càng giảm mà quy mô đội tàu trong nước cũng giảm sút. Doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam hiện đang rơi vào tình trạng “khó chồng khó”, khả năng cạnh tranh “lép vế” hơn hẳn trên thị trường quốc tế.
Cấp thiết tìm giải pháp khắc phục
Có thể nói, vận tải đường biển có tầm quan trọng đặc biệt đối với một quốc gia, không chỉ là cầu nối về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh khác như chính trị, xã hội, ngoại giao. Vì thế, việc phát triển đội tàu biển nước nhà luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Cụ thể, trong Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh nhiệm vụ “nâng cao năng lực vận chuyển hàng hải”.
Để giảm chi phí và nâng cao tính chủ động cho hoạt động xuất nhập khẩu, tăng thị phần vận tải của đội tàu biển Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam hiện đang nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển đội tàu biển quốc tế của Việt Nam, dự kiến trình Bộ GTVT ban hành trong năm 2022. Đây là đề xuất do Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam khởi xướng.
Trong đó, Cục Hàng hải kiến nghị các cấp có thẩm quyền tiếp tục có các chính sách hỗ trợ chủ tàu Việt Nam phát triển đội tàu có trọng tải lớn hơn và tuổi tàu thấp hơn để thay những tàu cũ, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đơn cử, cho phép miễn thuế nhập khẩu đối với chủ tàu thay thế tàu cũ của mình hiện có bằng tàu biển mới có tuổi dưới 15 tuổi hoặc có trọng tải lớn hơn; Miễn thuế nhập khẩu và miễn giảm 50% phí trọng tải trong thời gian 5 năm khi chủ tàu mua và khai thác tàu container từ 1.500 TEUs trở lên hoặc tàu chạy bằng năng lượng sạch;…
Nhằm thu hút thị phần hàng hóa để đội tàu có động lực phát triển, Cục Hàng hải cũng kiến nghị miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 10 năm đối với các doanh nghiệp logistics của Việt Nam có sản lượng container xuất nhập khẩu hàng tháng từ 500 TEUs trở lên; Miễn thuế cho các chủ hàng Việt Nam ký hợp đồng vận chuyển dài hạn với số lượng lớn với các chủ tàu Việt Nam.
Trong bối cảnh thị trường vận tải thế giới ngày càng cạnh tranh mạnh mẽ hơn, các doanh nghiệp mong muốn những giải pháp đề ra có thể nhanh chóng đi vào thực tế, tháo gỡ những khó khăn trước mắt như giảm thiểu giá cước vận tải biển, phát triển đội tàu biển về cả chất và lượng, nhằm nâng cao tính chủ động của doanh nghiệp Việt cho hoạt động xuất nhập khẩu, giúp tăng thị phần của đội tàu trong nước.
Hiện nay, Bộ GTVT đã và đang triển khai những chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp vận tải biển đầu tư vào việc phát triển đội tàu biển Việt Nam. Chẳng hạn, hỗ trợ vay vốn đóng tàu, cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, hợp tác quốc tế nâng cao vị thế đội tàu và vận tải biển Việt Nam… Đồng thời, Bộ cũng đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai hàng loạt các giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá cước, phụ thu ngoài giá và tình trạng ùn tắc. Cục Hàng hải Việt Nam cũng làm việc với các hãng tàu và hãng tàu cũng có thông báo không tăng giá cước. |
Theo Báo Điện tử Pháp luật Việt Nam